Mỗi năm trên 60 tỷ đôla được chuyển ra khỏi châu Phi qua các dòng chảy tài chính bất hợp pháp, và còn số này tiếp tục tăng lên, Thông tín viên Marthe van der Wolf tường thuật từ Addis Ababa nơi phúc trình kèm theo các khuyến cáo cho các nước của lục địa này được công bố hôm Chủ nhật.
Phúc trình mới nói rằng các nước châu Phi cần thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chận nhiều tỷ đôla được chuyển một cách bất hợp pháp khỏi lục địa này hàng năm.
Phúc trình được thực hiện bởi một ban chuyên gia của Liên hiệp châu Phi và Liên hiệp quốc chú trọng vào các dòng chảy tài chính bất hợp pháp được sử dụng để chuyển tiền ra khỏi châu Phi. Những dòng tiền thất thoát này bao gồm tiền do thu nhập bất hợp pháp, chuyển ngân hay được sử dụng hoặc thông qua các hoạt động thương mại, tội ác có tổ chức hay các hoạt động trong khu vực công.
Đại sứ Olusgen Apata trong Ban chuyên gia Cao cấp cho biết phúc trình bao gồm nhiều khuyến nghị:
“Điều quan trong là chính phủ các nước châu Phi hiểu phạm vi của các phương pháp được sử dụng trong việc chận đứng các luồng tài chính bất hợp pháp trên lục địa. Vì vậy các chính phủ châu Phi cần theo dõi thật sát các tuyến hoạt động thương mại và những luồng tiền chảy ra khỏi lục địa này. Liên quan đến việc này, các chính phủ châu Phi cần cấp tốc triển khai các năng lực cần phải có trong những lãnh vực hiện chưa có, thành lập hoặc củng cố các định chế cần thiết đồng thời cung cấp các nguồn lực.”
Luồng tiền chảy ra khỏi châu Phi 60 tỷ đôla hàng năm này là từ các khu vực khác nhau, tuy nhiên dầu mỏ, kim loại và khoán sản quí đứng đầu danh sách này.
Nhóm xã hội dân sự Tax Justice Network Africa, một tổ chức hoạt động về thuế khóa công bằng ở châu Phi hoan nghênh bản phúc trình và các khuyến cáo, với nhận định rằng vấn đề cực kỳ nghiêm trọng vì các dòng tiền thất thoát ra ngoài bất hợp pháp này cản trở sự phát triển của châu Phi.
Ông Apata nói rằng nạn tham nhũng là một động lực đằng sau luồng tiền bất hợp pháp khổng lồ chuyển ra khỏi châu Phi. Ông nói:
“Ban chuyên gia định nghĩa tham nhũng trong trường hợp này như một sự lạm dụng quyền lực được phó thác vì lợi ích cá nhân. Và điều này không giới hạn trong khu vực công, mà còn lan tràn khắp cả khu vực tư. Vì vậy nó có mặt trong cả khu vực công lẫn tư.”
Phúc trình được ủy nhiệm thực hiện bởi Liên hiệp châu Phi và Ủy ban Kinh tế Liên hiệp quốc về châu Phi và đứng đầu bởi cựu tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki. Liên hiệp châu Phi đã thông qua phúc trình tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Phi.
Tuy nhiên từ giờ cho đến lúc những khuyến nghị này được các nước châu Phi thực hiện thì số lượng của dòng chảy tài chính bất hợp pháp được dự kiến tiếp tục tăng ở tốc độ trung bình 9,4% một năm.