Đường dẫn truy cập

Sau khi Thông điệp 2014 chết lịm


Ngày đầu năm 2014,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi toàn dân bức thông điệp đầu năm.

Nội dung bản thông điệp này có thể nói là tuyệt vời, đáp ứng đúng tình hình đất nước. Xin nhắc lại những nội dung cơ bản nhất:

  • Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hòan thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới;
  • Động lực mới phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân;
  • Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là “cặp song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại;
  • Người dân có quyền làm tất cả những gì Nhà nước không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
  • Cơ quan Nhà nước và cán bộ công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
  • Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch;
  • Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển.

Có thể nói đó là 7 hướng hành động cấp bách và cần thiết, nếu được thực hiện sẽ đưa đất nước phát triển cả về chất và lượng, về chính trị, kinh tế, tài chính, trật tự trị an, về văn hóa - xã hội, thật sự dẫn đến dân giàu nước mạnh, độc lập bền vững.

Thế nhưng trong suốt năm qua người dân không nhìn thấy chút bóng dáng nào của bức thông điệp đó trong cuộc sống. Vẫn là những phiên tòa công khai về danh nghĩa nhưng cấm không cho nhân dân, thân nhân và nhà báo tự do vào dự. Thả một số tù chính trị nhưng lại buộc họ phải ra khỏi nước, và lại bắt giữ một số khác như giáo sư Hồng Lê Thọ, nhà văn Nguyễn Quang Lập và blogger Nguyễn Ngọc Già đúng vào dịp cuối năm, tức là thời gian thường có những đợt ân xá và giảm án.

Năm qua, một số điều luật thứ yếu được thông qua, nhưng những đạo luật cơ bản cần thiết nhất lại bị cố tình trì hoãn, như Luật về biểu tình, Luật mới về tự do xuất bản, báo chí và internet, Luật về sở hữu đất đai, Luật về các chính đảng.

Phải nói thẳng ra rằng bản thông điệp đầu năm của người đứng đầu chính phủ, cũng là của đảng cầm quyền, không những không được áp dụng trong cuộc sống xã hội mà còn bị làm ngược hẳn lại. Trên thực tế người ta không thấy đâu bóng dáng của 2 đứa con “song sinh dân chủ và pháp quyền”, chỉ thấy bộ mặt hung bạo xấu xí của độc đóan và chà đạp pháp luật, chỉ thấy mặt trái nhơ nhớp của bản thông điệp.

Cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, vậy nhà nước có cho phép công an tra tấn, đánh chết công dân trong nhà tù, trong trụ sở công an hay không? Có cho phép công an hành hung, đánh đập dân đi kêu oan hay không? Có cho phép công an lột hết quần áo của các bà các cô đi đòi công lý cho bản thân hay gia đình hay không? Vậy mà những chuyện như thế ngày càng tăng thêm.

Người công dân được quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm, vậy nhà nước có cấm dân biểu tình chống bọn bành trướng hay không? Có cấm dân lên tiếng phản đối việc lập Viện Khổng Tử và phản đối, ngăn chặn chủ trương cho tiền của Trung Quốc lưu hành trên đất nước ta hay không?

Sao nhân dịp cuối năm không thấy chính phủ, cơ quan ngôn luận lề phải, báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân kiểm điểm xem bản thông điệp đầu năm đã được áp dụng tốt đẹp ra sao? Họ giả vờ như quên tất cả những lời hứa tốt đẹp ngày đầu năm nhưng đã bị bỏ quên suốt 365 ngày trong năm. Oái oăm hơn nữa là cứ như cả bộ máy nhà nước chung lòng quyết làm trái ngược những gì bản thông điệp đã hứa.

Có lẽ vì thế mà ngày đầu năm mới không thấy chính phủ ra thông điệp đầu năm 2015. Chả lẽ lại in lại nguyên văn thông điệp năm cũ, vì những lời hứa ấy vẫn nguyên vẹn là lời hứa hão, còn bị làm trái ngược hẳn. Thật ra Thông điệp 2014 đã chết ngay khi ra đời vì không ai lo thực hiện. Các quan lớn còn lo chuyện của phe nhóm, cánh hẩu, ở các sân sau.

Lời hứa danh dự của người lãnh đạo là một món nợ đối với mỗi người dân. Vậy là trong năm qua chính phủ, đảng CS cầm quyền còn món nợ chưa hề được thanh toán.

Vậy thì sang năm 2015, qua cuộc họp lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung Ương khóa XI những ngày đầu năm này, nhà nước và đảng CS hãy bàn bạc cho ra lẽ để giữ trọn những lời hứa với nhân dân, trong đó lời hứa thực thi dân chủ và thực hiện chế độ pháp quyền là hệ trọng nhất. Tại cuộc họp này, gần 200 ủy viên Trung ương sẽ bỏ phiếu tín nhiệm 16 ủy viên Bộ Chính trị và các ủy viên Ban Bí thư. Vẫn là kiểu bỏ phiếu tín nhiệm 3 nấc: tín nhiệm cao, vừa và thấp có tính cách rất hình thức, vì ai cũng được 100% tín nhiệm cả. Đảng viên bỏ phiếu khen nhau, không có ý kiến nào của người dân!

Bộ máy lãnh đạo của đảng và nhà nước cần hiểu rõ ý kiến của công dân. Phải có tự trọng, giữ đúng lời hứa. Không ba hoa rồi bỏ đấy. Hãy thực hiện ý nguyện của dân. Ý nguyện lớn nhất hiện nay là đảng vứt bỏ Cương lĩnh giáo điều hiện tại, giã từ chế độ độc đảng độc đóan phản dân chủ, đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản đã bị tòan thế giới lên án là tội ác chống nhân lọai, từ bỏ chủ nghĩa xã hội ảo vọng mơ hồ. Có như vậy nhà nước, đảng CS mới có thể khôi phục phần nào niềm tin của nhân dân, niềm tin mà ngày đầu năm mới, trong bài chúc Tết in trên báo đảng, ông Chủ tịch nước đã khẳng định coi “lòng dân là Quốc bảo để dựng nước và giữ nước”.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG