Đường dẫn truy cập

Lịch sử, mục đích của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải


Lịch sử, mục đích của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
Lịch sử, mục đích của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Liên minh khu vực châu Á nổi tiếng được biết dưới tên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải bắt đầu là một nhóm không chính thức 5 quốc gia với nỗ lực giải quyết những tranh chấp biên giới bằng phương pháp đa phương để tăng tiến những quan hệ láng giềng.

Nhóm “Thượng Hải 5” được thành lập vào năm 1996 bao gồm Trung Quốc, Nga và 3 quốc gia vùng Trung Á cùng có biên giới chung với hai nước này là Kazakhstan, Kyrgyztan và Tajikistan.

Khối cấp vùng này lên đến 6 thành viên khi thu nhận thêm Uzbekistan vào năm 2001 và được đặt tên lại là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO.

Uzbekistan không có biên giới chung với Trung Quốc hay Nga.

Sự bành trướng của tổ chức vào năm 2001 cũng đưa đến sự nới rộng những chú tâm của tổ chức bao gồm khủng bố quốc tế, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa ly khai sắc tộc-những vấn đề ảnh hưởng đến cả 6 quốc gia.

SCO nói một trong những mục tiêu chính của tổ chức là giữ vững và đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong vùng.

Những mục tiêu chính khác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải bao gồm thăng tiến hợp tác về chính trị, giáo dục và những vấn đề kinh tế như năng lượng, giao thông, du lịch, khoa học và bảo vệ môi trường.

Các nước SCO cũng tìm cách thiết lập điều được gọi là “trật tự quốc tế mới về chính trị và kinh tế “, một trật tự có tính cách “dân chủ, công bằng và hợp lý”.

Trung Quốc và Nga, hai cường quốc hàng đầu của khối, đồng ý là “trật tự mới” này nên hạn chế sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Trung Á, nơi mà hai quốc gia này coi là khu vực ảnh hưởng của họ.

Hoa Kỳ đã thuê những căn cứ quân sự tại Kyrgyztan và Uzbekistan trong thập niên qua để tăng cường cho cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn đạo chống Taliban tại nước láng giềng Afghanistan.

Uzbekistan tống xuất quân đội Mỹ khỏi nước này vào năm 2005 sau khi SCO kêu gọi rút quân đội Mỹ khỏi vùng này trước đó trong năm. Tuy nhiên Không quân Hoa Kỳ vẫn còn thuê một căn cứ tại phi trường Manas của Kyrgyztan.

Một số nhà phân tích nói Trung Quốc và Nga tiếp tục cạnh tranh lẫn nhau để thống trị vùng Trung Á dù có sự hợp tác với nhau trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Trung Quốc đang nỗ lực bành trướng những mối liên hệ kinh tế với Trung Á vì đây là nguồn năng lượng quan trọng cho nền kinh tế đang phát triển của nước này.

Các nhà phân tách cho rằng Trung Quốc thích đạt được những thỏa thuận với các nước Trung Á xuyên qua SCO hơn là với từng quốc gia một để tạo một môi trường hoạt động bình đẳng hơn, để tránh bị xem như là bắt nạt các nước láng giềng nhỏ bé hơn.

Các nhà phân tích nói Nga lo ngại về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại Trung Á. Mátcơva xem SCO như là một phương cách để lấy lại được tình trạng lịch sử là một cường quốc hàng đầu trong vùng trong thời kỳ Sô Viết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG