Đường dẫn truy cập

Sài Gòn nhắm trở thành ‘bệnh viện’ của khối ASEAN


Người dân thành phố Hồ Chí Minh đang được chích ngừa trong đợt dịch COVD-19 bùng phát
Người dân thành phố Hồ Chí Minh đang được chích ngừa trong đợt dịch COVD-19 bùng phát

Giới chức thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống y tế trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, báo chí trong nước đưa tin.

Theo đó, thành phố lớn nhất nước sẽ đầu tư phát triển thêm cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành y dược, phát triển các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu về y tế…, tờ Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của chính quyền thành phố, cho biết.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh có 23 bác sỹ, 42 giường bệnh và 40 điều dưỡng cho mỗi 10.000 dân; tuổi thọ trung bình đạt 77 tuổi với thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Ngoài ra, mỗi người dân đều được khám sức khỏe và tầm soát bệnh ít nhất mỗi năm một lần, cũng theo mục tiêu mà giới chức thành phố đặt ra, trang mạng Vietnamplus đưa tin.

Tham vọng của chính quyền thành phố khi đưa ra đề án này là biến thành phố Hồ Chí Minh thành ‘Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN’, theo đó thành phố này sẽ là điểm đến để khám bệnh và chữa bệnh của người dân các nước trong khu vực, góp phần phát triển du lịch y tế, cũng theo Vietnamplus.

Hiện tại, mặc dù là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn nhất cả nước, nhưng hệ thống y tế thành phố Hồ Chí Minh vẫn quá tải và không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân không chỉ ở thành phố mà còn từ các tỉnh, thành phía Nam. Nhiều bệnh viện lớn không đủ giường khiến các bệnh nhân và thân nhân phải nằm lan ra ngoài hành lang.

Trong số đó, nhiều bệnh viện đã xuống cấp và lạc hậu, điển hình như Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Vietnamplus cho biết.

Theo số liệu của giới chức y tế thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 dân ở thành phố vào năm 2016 là 16,07 đã tăng lên 20 vào năm 2020, còn với 128 bệnh viện đang hoạt động, thành phố đã có 42 giường/10.000 dân, tờ Tuổi Trẻ dẫn số liệu của Sở Y tế cho biết hồi đầu năm 2023.

Mặc dù trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân Campuchia sang thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh, nhưng cũng có nhiều người Việt Nam đi sang các thành phố ở các nước lân cận như Singapore hay Bangkok của Thái Lan để chữa bệnh do tin tưởng vào chuyên môn y tế cũng như chất lượng dịch vụ ở các nước này, theo tìm hiểu của VOA.

Hiện tại, thành phố lớn nhất nước còn thiếu trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao và khu phức hợp điều trị và chăm sóc cho người cao tuổi, cũng theo Vietnamplus.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG