Đường dẫn truy cập

Sadako Ogata, phụ nữ đầu tiên đứng đầu Cao Ủy Tị nạn, qua đời ở tuổi 92


Tư liệu: Bà Sadako Ogata, Cao Ủy Trưởng Tị nạn LHQ phát biểu tại tp Bonn, Đức, ngày 2/2/1999. REUTERS/Michael Urban/File Photo
Tư liệu: Bà Sadako Ogata, Cao Ủy Trưởng Tị nạn LHQ phát biểu tại tp Bonn, Đức, ngày 2/2/1999. REUTERS/Michael Urban/File Photo

Bà Sadako Ogata vừa qua đời ở tuổi 92. Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất phục vụ trong cương vị Cao Ủy Trưởng tị nạn Liên Hiệp Quốc.

Các quan chức chính phủ Nhật Bản cho hay bà Ogata trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22/10 nhưng họ chỉ loan báo tin này hôm nay, thứ Ba 29/10. Họ không cho biết nguyên nhân về cái chết của bà.

Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói:

“Bà Ogata luôn luôn tỏ lòng thương xót đối với những người phải chịu đựng đau khổ.”

Nhiệm kỳ Trưởng Cao Ủy của bà trong những năm 1990 trùng hợp với các vụ diệt chủng ở Rwanda và các cuộc tranh chấp sắc tộc ở cựu Liên bang Nam Tư.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 29/10, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói:

“Bà Ogata luôn luôn đứng ở tuyến đầu trong các vấn đề nhân đạo như nghèo đói, người tị nạn và các cuộc tranh chấp, nơi mà bà chứng tỏ tài lãnh đạo ngoại hạng của bà.”

“Cách tư duy của bà, như phải bảo đảm an toàn cho con người và nhấn mạnh nhu cầu phải tới tận hiện trường làm việc, mãi cho tới bây giờ vẫn là nền tảng của các nỗ lực nhân đạo tại Nhật Bản cũng như ở nước ngoài”, ông Suga nói thêm:

“Chúng tôi xin bày tỏ lòng kính trọng sâu xa nhất và gửi lời cầu nguyện cho linh hồn bà được yên nghỉ đời đời.”

Là chắt của Tsuyoshi Inukai, Thủ Tướng Nhật thời trước Thế Chiến thứ Hai, bà Ogata bảo vệ bằng Tiến sĩ về môn Khoa học Chính trị tại Đại học California ở Berkeley, và sau đó phục vụ trong vai trò đặc sứ của Nhật Bản đặc trách tái thiết Afghanistan.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào năm 2015, bà Ogata hối thúc Nhật Bản hãy chứng tỏ tài lãnh đạo trong các vấn đề liên quan tới người tị nạn. Bà kêu gọi chính phủ Nhật hãy mở cửa để đón nhận những người cần được giúp đỡ.

Nhật Bản, một đất nước nơi nhiều người tự hào về tính thuần nhất của nền văn hóa và nguồn gốc sắc tộc bản địa, chỉ nhận vỏn vẹn có 42 người tị nạn trong suốt năm ngoái, trong tổng số 10.000 hồ sơ xin tị nạn.

Trong một thông báo, đương kim Cao Ủy trưởng Tị nạn Filippo Grandi, ca tụng bà Ogata về những đóng góp to lớn của bà:

“Bà Ogata là một nhà lãnh đạo có viễn kiến, đã lèo lái Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc qua một trong những thập kỷ hệ trọng nhất trong lịch sử. Bà đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người tị nạn và những người khác mà cuộc đời đã bị tan nát vì chiến tranh, hay vì nạn thanh tẩy chủng tộc và nạn diệt chủng. Bà đã giúp định nghĩa lại hành động nhân đạo trong một bối cảnh địa chính trị có nhiều thay đổi lớn.”

(Theo Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG