Mặc dù là lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời cố Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn nhưng việc Đảng Cộng sản Việt Nam tôn sùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như hiện nay là ‘điều rất xấu’ cho đất nước, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nhận định với VOA.
Nhà quan sát này cũng cho rằng cần phải có khảo sát khoa học, khách quan mới biết chính xác lòng dân nghĩ gì về ông Nguyễn Phú Trọng và chỉ trích ông Trọng là ‘bảo thủ, kiềm hãm sự phát triển của đất nước’ và rằng ông ‘tham nhũng quyền lực’.
‘Niềm tin yêu của nhân dân’
Trong một hành động hiếm hoi dành cho một tổng bí thư đương chức, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản những cuốn sách đồ sộ ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách dày 620 trang có tựa đề ‘Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’ đã được Báo Nhân dân phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt trong một buổi lễ long trọng hôm 18/1 tại Hà Nội.
Theo lời giới thiệu của báo Nhân dân thì cuốn sách này ‘mang đến nhiều thông tin, tư liệu quý, chân thực với những góc nhìn phong phú, đa dạng, không chỉ là tình cảm trân quý dành cho Tổng Bí thư mà cũng là niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Ðảng, Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới đất nước’.
Đây là cuốn thứ hai ca ngợi ông Trọng chưa đầy ba năm sau khi cuốn thứ nhất có tựa đề ‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế’ được xuất bản hồi tháng 6/2019.
Cuốn sách được cho là ‘tổng hợp các bài viết trên các trang mạng xã hội, báo điện tử của những người dân bình thường, không phải là cây bút chuyên nghiệp bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc và gửi gắm sự tin tưởng tuyệt đối’ đối với ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh đồng thời là phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương được dẫn lời nói tại lễ ra mắt cuốn sách.
Ông Minh cũng nhân đó ca ngợi ông Trọng là ‘nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, chỉ biết hy sinh, cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước mà không hề màng quyền lực, bổng lộc, vun vén cá nhân hay gia đình’.
Các tổng bí thư khác như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu hay Nông Đức Mạnh cũng từng được bộ máy tuyên truyền của Đảng ra sách ca ngợi nhưng sách được xuất bản sau khi các vị này không còn nắm quyền nữa.
Chẳng hạn như bộ ‘Nông Đức Mạnh tuyển tập’ được cho in vào năm 2018, 7 năm sau khi ông Mạnh rời ghế tổng bí thư, còn ‘Lê Khả Phiêu tuyển tập’ ra mắt vào năm 2015, 14 năm sau khi ông bị mất chức lãnh đạo cao nhất Đảng.
Nhưng hai cuốn sách đồ sộ trên dành cho ông Trọng vẫn chưa hết. Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sắp sửa cho ra mắt vào tháng 2 năm 2022 cuốn ‘Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ dày 460 trang do chính ông Trọng viết.
Trước đó, hồi tháng 11 năm 2021, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã chủ trì buổi lễ ra mắt cuốn ‘Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’.
Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, và Thông tấn xã Việt Nam còn được trao giải đặc biệt về thông tin đối ngoại vì đã tuyên truyền bài viết của ông Trọng về chủ nghĩa xã hội đến với thế giới.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng do Đảng nắm giữ, những lời phát biểu của ông Trọng được trích dẫn dày đặc, thậm chí còn nhiều lần được các vị lãnh đạo khác như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lại trước công chúng như khuôn vàng thước ngọc.
Những thành tích của đất nước được cho là ‘nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng’ và bản thân ông Trọng cũng nhiều lần ca ngợi là đất nước dưới sự lãnh đạo của ông ‘chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay’.
Để so sánh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng dành những hành động tôn sùng hiếm thấy đối với Tổng bí thư-Chủ tịch Tập Cận Bình khi đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng và ra nghị quyết lịch sử thứ ba của Đảng để tôn vinh ông Tập là ‘nòng cốt của Đảng’ và tư tưởng của ông là ‘bản sắc văn hóa và tinh thần của Trung Quốc’. Ông Tập lâu nay được xem là nhà ‘lãnh đạo hạt nhân’ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc xoay quanh.
‘Muốn được ca tụng’
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, nhà quan sát chính trị đồng thời là nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A cho rằng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam thì ‘ông nào làm lãnh đạo cũng muốn được ca ngợi cả’. “Vấn đề là đội ngũ cận thần có ca ngợi hay không mà thôi,” ông nói.
Nhận định về hai cuốn sách ca ngợi ông Trọng, ông A nói: “Họ lấy một số bài viết của người này người kia và bảo đấy là nhân dân.”
“Nếu có thăm dò dư luận nghiêm túc, ví dụ hỏi ngẫu nhiên khoảng một ngàn người ở khắp đất nước không nêu danh tích thì bức tranh sẽ hoàn toàn khác,” ông khẳng định và nói ông phỏng đoán ‘có đến 99,9 % người dân Việt Nam không đọc và không muốn đọc sách viết về ông Trọng’.
“Tôi đi trên xe buýt, tôi đi gặp những người trẻ hay đi ăn ở đâu đó hay đến những nơi đông người tôi nghe người ta nói những lời không hay về ông ấy rất nhiều,” ông A giải thích cho phỏng đoán của ông.
Bên cạnh việc in sách giấy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng có kế hoạch ra phiên bản điện tử các cuốn sách của ông Trọng để mọi người có thể đọc miễn phí trên mạng. Song song đó cũng có đề xuất dịch sách sang tiếng Anh để ‘giới thiệu đến quốc tế’, theo tường thuật của báo Nhân dân.
Ông A cho rằng tệ sùng bái lãnh tụ không có gì lạ ở các nước cộng sản vì ‘lãnh đạo độc tài thì luôn muốn được sùng bái’ nhưng điều này ‘rất xấu cho bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam và cho đất nước’.
‘Tham nhũng quyền lực’
Nhận định về đương kim tổng bí thư, ông A cho rằng ‘còn tệ hơn các vị tiền nhiệm’ vì ‘bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của đất nước’. “Ông ấy rất trung thành với tư tưởng Mác-Lê nin và đã tham gia soạn thảo cương lĩnh phát triển đất nước vào năm 1991’.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng phản bác lập luận của ông Trọng cho rằng nhờ sự lãnh đạo của ông mà Việt Nam ‘có được cơ đồ như ngày nay’.
“Đúng là Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay nếu so với 40 năm trước,” ông nói. “Nhưng nếu không có những ông ấy thì Việt Nam bây giờ sẽ không kém gì Hàn Quốc hay Đài Loan cả.”
“Chính sách của Đảng đã làm cho nền kinh tế Việt Nam lụn bại, làm cho người dân thực sự đau khổ,” ông lập luận. “Cái gọi là đổi mới từ năm 86 cho đến nay chẳng có công gì cả mà chỉ là trao lại một phần quyền tự do kinh tế cho người dân.”
“Toàn bộ thành tích tăng trưởng là do người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tạo ra,” ông A khẳng định.
Nhà bất đồng chính kiến này cũng không cho rằng ông Trọng là người trong sạch vì, theo lời ông, ông Trọng ‘tỏ ra vô cùng liêm khiết, đạo đức nhưng làm mọi cách để giữ ghế của mình’.
“Tham nhũng quyền lực, tham nhũng danh vọng còn kinh khủng hơn tham nhũng tiền bạc rất nhiều,” ông A nói và chỉ trích ông Trọng đã ‘bất chấp tuổi tác, bất chấp sức khỏe và bất chấp luôn điều lệ của Đảng để giữ ghế Tổng bi thư thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Ông Trọng là tổng bí thư đầu tiên nắm quyền nhiều hơn hai nhiệm kỳ kể từ thời cố Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, vượt qua những người tiền nhiệm khác như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.
Mặc dù nhìn nhận ông Trọng là vị tổng bí thư quyền lực nhất sau nhiều đời tổng bí thư, ông A chỉ ra việc ông Trọng không thể ngăn ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai đối thủ chính trị một thời của ông là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lên làm Bộ trưởng Xây dựng để cho thấy ông Trọng ‘không hoàn toàn kiểm soát hết mọi thứ trong Đảng’.
Ông A cho rằng cho dù ông Trọng có muốn theo bước ông Tập Cận Bình trở thành ‘lãnh đạo hạt nhân’ của Đảng nhưng ‘tình hình nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam khác Đảng Cộng sản Trung Quốc’.
Hiện tại có thể không thấy rõ ràng có ai là đối thủ của ông Trọng trong Đảng như ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây nhưng ‘có những người có thể là đối thủ thật sự của ông Trọng nhưng bây giờ dưới quyền ông Trọng thì gió chiều nào họ phải theo chiều ấy và tâng bốc ông Trọng hết lời’, cũng theo lời Tiến sỹ Nguyễn Quang A.