Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và người tương nhiệm Nga là Tổng thống Dmitri Medvedev dự kiến sẽ ký một hiệp ước tài giảm vũ khí vào ngày mùng 8 tháng Tư tới đây. Hiệp ước này sẽ giảm số vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Sau khi được ký, hiệp ước còn phải được Thượng viện Mỹ và viện Duma của Nga phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Theo tường trình từ Washington của Thông tín viên đài VOA Suzanne Presto thì một giới chức cao cấp Hoa Kỳ tuyên bố bà hy vọng hiệp định này sẽ được phê chuẩn trong năm nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ đặc trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, bà Ellen Tauscher, cho biết mục tiêu là đệ trình hiệp ước ra Thượng viện trong vòng 3 tháng tới.
Bà Tauscher nói rằng 3 phần của hiệp ước đã hoàn tất và các phụ trương về kỹ thuật giải quyết các chi tiết về thủ tục phê chuẩn và thanh tra đang được đúc kết:
Bà Tauscher cho biết: “Vì thế vào khoảng cuối tháng này nhiều điều khoản khác nhau trong bản hiệp định sẽ được công bố và được đưa ra thảo luận.”
Hiệp ước mới này thay thế cho Hiệp ước tài giảm vũ khí chiến lược năm 1991, thường gọi là START, đã hết hiệu lực tháng 12 năm ngoái. Thỏa thuận mới sẽ giảm số vũ khí hạt nhân chiến lược của cả hai nước khoảng 1/3 - giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược mỗi bên bố trí xuống còn 1,550 và đưa ra các biện pháp kiểm chứng và theo dõi.
Bà Tauscher cho biết bản thỏa thuận chứng tỏ sự cam kết của Hoa Kỳ và Nga đối với việc tài giảm binh bị và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, và làm nổi bật sự chú ý nhắm vào các nước mà người ta tin là đang theo đuổi việc sản xuất vũ khí hạt nhân.
Bà Tauscher nói: “Chúng ta càng biến Hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân thành nền tảng cho chiến lược cấm phổ biến vũ khí của thế giới thì hiệp định này sẽ càng thách thức những nước như Iran và Bắc Triều Tiên, và chúng ta càng có khả năng đưa dân chúng các nước lại với nhau trong một bầu không khí đoàn kết để đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.”
Các giới chức Hoa Kỳ và Nga đã thương lượng ráo riết trong năm qua để đạt được thỏa thuận START mới này. Sự chống đối của Nga đối với kếâ hoạch của Hoa Kỳ định thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn ở châu Âu là một trở ngại chính trong các cuộc thương thảo.
Bà Tauscher nhấn mạnh rằng hiệp ước mới không hạn chế hệ thống phòng thủ phi đạn của Hoa Kỳ. Bà nói thêm rằng các giới chức Hoa Kỳ và Nga đang thảo luận về phương cách hợp tác về vấn đề phòng thủ phi đạn.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và người tương nhiệm Nga là Tổng thống Dmitri Medvedev dự kiến sẽ ký một hiệp ước tài giảm vũ khí vào ngày mùng 8 tháng Tư tới đây. Hiệp ước này sẽ giảm số vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Sau khi được ký, hiệp ước còn phải được Thượng viện Mỹ và viện Duma của Nga phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Theo tường trình từ Washington của Thông tín viên đài VOA Suzanne Presto thì một giới chức cao cấp Hoa Kỳ tuyên bố bà hy vọng hiệp định này sẽ được phê chuẩn trong năm nay.