Đường dẫn truy cập

Gần ngày bầu cử, Thủ tướng Nga muốn tăng chi tiêu quốc phòng


Thủ tướng Nga Vladimir Putin phát biểu trong 1 cuộc mít tinh lớn ủng hộ ông tại sân vận động Luzhniki ở Moscow, 23/2/2012
Thủ tướng Nga Vladimir Putin phát biểu trong 1 cuộc mít tinh lớn ủng hộ ông tại sân vận động Luzhniki ở Moscow, 23/2/2012

Sau nhiều tuần lễ đả kích Hoa Kỳ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã công bố một kế hoạch mới cho ngân sách quốc phòng khổng lồ.

Trong tuần này Thủ tướng Putin công bố một danh sách các quân cụ cần phải có: 28 tầu ngầm mới, 50 chiến hạm, 100 vệ tinh quân sự, 400 phi đạn đạn đạo xuyên đại lục mới, 600 phi cơ trực thăng mới, 600 chiến đấu cơ mới, và 2.300 xe tăng.

Quay sang kế hoạch của Hoa Kỳ về một mạng lưới phòng thủ phi đạn để bảo vệ Châu Âu trước một cuộc tấn công bằng rocket của Iran, ông Putin hứa là đáp ứng của Nga sẽ “hữu hiệu và không có gì sánh kịp.”

Sau đó, trong một cuộc họp với các tư lệnh quân đội, ông Putin đã ca ngợi “những gián điệp nguyên tử” thời Xô Viết đã lấy cắp được các chi tiết sản xuất bom nguyên tử của Mỹ vào lúc khởi đầu Chiến Tranh Lạnh.

Cuối cùng, hôm thứ Năm, nhân ngày kỷ niệm những người vệ quốc, trước một cuộc tụ họp đông đảo hằng chục ngàn người tại Moscow, ông đã hô to:

“Chúng ta sẽ không cho phép bất cứ ai áp đặt ý muốn của họ lên chúng ta vì chúng ta có nguyện vọng của chúng ta, đã giúp chúng ta thắng trong tất cả mọi lúc.”

Liệu Nga có phát động một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới hay không?

Không, Nga có bầu cử tổng thống vào ngày 4 tháng 3.

Ông Putin, ứng cử viên dẫn đầu, muốn cầm chắc lá phiếu của 250.000 người Nga làm trong công nghiệp quốc phòng.

Kế hoạch chi tiêu mới này sẽ gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nga từ 3 phần trăm hiện nay lên 6 phần trăm trong 10 năm tới.

Ông Putin có vẻ như đang trên đường thắng lợi trong cuộc bầu cử nhờ giá dầu của Nga tăng lên tới 125 đô la một thùng, gần tới mức kỷ lục, gấp 3 lần mức thấp nhất của 3 năm trước đây.

Nhưng nhiều kinh tế gia cảnh cáo về những khoản đầu tư quân sự quá đáng của Nga, quốc gia có dân số già nua tương tự như dân số các nước Tây Âu. Các kinh tế gia này nói nếu bị buộc phải chọn giữa xe tăng và trợ cấp hưu bổng thì điện Kremlin sẽ chọn chi tiêu về xã hội.

Mùa Thu năm ngoái, chi tiêu quá mức cho quân đội đã khiến ông Alexei Kudrin phải từ nhiệm sau 11 năm phục vụ trong vai trò bộ trưởng tài chánh Nga. Ông gọi những kế hoạch chi tiêu quân sự là “hoàn toàn không thể làm được.”

Nhiều nhà phân tích tin rằng nếu ông Putin đắc cử thì có thể ông sẽ yêu cầu ông Kudrin trở lại trong vai trò Thủ tướng.

Có một thuận lợi khác cho ông Putin, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Mỹ tỏ ra không thích thú tham gia một cuộc chạy đua võ trang với Nga. Trước đây hai tuần lễ viện Gallup đã hỏi 1.000 người Mỹ xem kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ là ai, thì chỉ có hai người trả lời là Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG