Một nhóm tự nhận là “Mạng lưới những người ủng hộ Putin” đã tổ chức một cuộc biểu tình chớp nhoáng hôm thứ Năm ngay trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow. Nó được tổ chức thật nhanh, và đã trở thành thường xuyên, và nhanh đến nỗi nó đã kết thúc trước khi các nhà báo đến được hiện trường.
Trong tháng qua, Đại sứ quán Mỹ đã được khơi ra làm đề tài nóng bỏng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Nga.
Thủ tướng Vladimir Putin đã cáo buộc những người biểu tình chống chính phủ là những kẻ được chính phủ Mỹ trả lương. Những nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền Nga từng nói là những nhà làm luật nào vào Tòa đại sứ Mỹ là kẻ phản quốc.
Vào ngày thứ nhì sau khi đến Nga làm việc, Đại sứ Michael McFaul bị đài truyền hình quốc gia Nga cáo buộc là một người mang một sứ mạng bí mật đến Nga để cổ vũ cho Mùa Xuân Ả Rập ở đây.
Ở bên trong và bên ngoài Tòa đại sứ, các cuộc tranh luận đã bùng lên về đề tài: Sự kiện này chỉ là trò chính trị trước bầu cử hay nó là một chấm dứt của dự tính “chỉnh sửa lại” mối quan hệ giữa hai nước?
Chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, ông Nicolai Petrov, nói ông Putin không nâng cao được mức ủng hộ của cử tri trước ngày bầu cử 4 tháng Ba. Ông nói:
”Giờ đây Điện Kremlin quá chú trọng tới bầu cử, và chơi lá bài chống Mỹ là một trong những rủi may mà họ đang cố tìm cách khai thác.”
Ông Petrov nói chỉ còn 3 tuần nữa là đến ngày bầu cử, ông Putin cần phải có ngay một kẻ thù nặng ký. Ông phát biểu tiếp:
”Là một siêu cường duy nhất nên Hoa Kỳ là một ứng viên thích hợp nhất để ông Putin gán ghép vào vai trò kẻ thù này.”
Mối nguy cơ nằm ở chỗ những lời lẽ và thái độ tấn công nhắm vào Đại sứ McFaul sẽ đi thẳng về tòa Bạch Ốc. Nếu thái độ tấn công như vậy vẫn tiếp tục sau ngày bầu cử 4 tháng Ba, giới phân tích cho rằng Tổng thống Obama sẽ bỏ ít thời giời hơn cho những vấn đề liên hệ tới nước Nga, tin rằng công lao cố gắng chỉnh sửa lại đã hết và thời giờ ông bỏ vào sẽ chẳng thu được bao nhiêu kết quả.
Theo dự kiến ông Putin sẽ thắng một nhiệm kỳ tổng thống thứ ba nữa trong cuộc bầu cử vào tháng Ba, ngay vòng đầu vào ngày này hoặc vòng nhì vào ngày 25 tháng Ba.
Mặc dù Tổng thống Barack Obama đã giữ chức vụ tổng thống được 3 năm, ông chỉ biết rất ít về ông Putin. Vì những lý do nghi lễ ngoại giao, hầu hết các cuộc họp của Tổng thống Barack Obama chỉ diễn ra với Tổng thống Dmitry Medvedev.
Trong 3 năm qua, tổng thống hai nước đã theo chính sách chỉnh sửa, làm việc trong những lãnh vực có cơ sở chung.
Ông Mark Feygin và các phân tích gia khác cho rằng chính sách này không bị bỏ rơi.
Ông tiên đoán chỉ một thời gian ngắn sau bầu cử, các giới chức Điện Kremlin sẽ hạ giọng điệu chống Mỹ và tìm cách giảm bớt những tai hại mà họ gây ra cho mối quan hệ Nga- Mỹ từ những giọng điệu đó.
Và ngay cả khi Đại sứ McFaul đang bị báo chí của nhà nước Nga tấn công tới tấp hàng ngày, những chuyên gia như ông Petrov tin là ông có một tương lai trong chức vụ đại sứ ở Nga.
Ông Petrov nói: ”Tôi thực sự nghĩ là ông Michael McFaul có thể rất hữu hiệu.”
Theo kịch bản này thì những giọng điệu chống Mỹ thời chiến tranh lạnh sẽ tan biến dần, cùng với băng tuyết của mùa đông trong tháng Hai.
Trong suốt 3 năm, ông Michael McFaul đã cố gắng làm việc trong tòa Bạch Ốc tìm cách chỉnh sửa để thăng tiến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga. Nhưng chỉ trong vòng mấy ngày sau khi ông đến Nga trong tư cách đại sứ, ông đã trở thành mục tiêu tấn công của những lời lẽ chống Mỹ gay gắt nhất kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1