Thính giả Y.C. hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ,
Bác sĩ cho em hỏi là em có những triệu chứng này là bệnh gì ạ:
Em thường xuyên có cảm giác rung giật trong cơ thể, đặc biệt là vùng cánh tay, ngón tay, đôi lúc là toàn cơ thể. Huyết áp thường xuyên hơi thấp 90/60. Em luôn có cảm giác lo âu sợ hãi.
Xin Bác sĩ tư vấn giúp em.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
1) Hôm nay chúng ta bàn đến một chứng gọi là Benign fasciculation syndrome" (BFS), tạm dịch là “Hội chứng rung giật cơ lành tính", có thể tương đương với “Chứng giật cơ chưa rõ nguyên nhân". Vì theo nguyên tắc, chúng ta không thể có ý kiến về một trường hợp cá biệt, và thêm nữa những thuật ngữ dùng ở VN hơi khác thuật ngữ tiếng Anh tại Mỹ, nếu đi vào chi tiết có thể gây hiểu lầm.
Về từ ngữ: fasciculation gốc chữ fascia, nghĩa là một chùm, một bó, ở đây, nói về một bó sợi cơ (fasciculus, a bundle of muscle fibers). Mỗi sợi cơ là một tế bào riêng rẻ, hình dài; có bắp cơ (muscle) chứa hàng ngàn sợi cơ, có bắp cơ chỉ có vài chục sợi cơ. Lúc có dòng điện từ các dây thần kinh kích thích, các sợi cơ sẽ co vào trong một thời gian rồi giãn ra.
Trong BFS, một nhóm sợi cơ co giật mà mình không kiểm soát được, chứ không phải toàn cơ bắp, ở những cơ bình thường mình cử động theo ý muốn. Những nơi thường xảy ra là mí mắt, cánh tay , cẳng chân , bàn chân; nhưng cũng có khi ở lưỡi, họng. Rung giật ngưng lúc mình cố tình cử động phần cơ bắp đó, nhưng lại tái diễn lúc mình giữ yên, có thể lan ra vùng bên cạnh, hoặc nhảy qua vùng khác (vd như từ dưới bàn chân, nhảy lên đầu, xuống bụng). Đặc biệt là các cơ không bị liệt, hay bị yếu đi.
Các triệu chứng khác:
-mệt mỏi
-đau nhức cơ bắp
-lo âu
-yếu , mau mệt, co rút bắp thịt,
-cảm thấy nghẹn họng (globus sensation, như có cục gì trong họng)
-ngứa
-rung tay chân (tremor)
-tăng các phản xạ gân xương (hyperreflexia)
Nguyên nhân: Chưa hiểu rõ, có thể ở các sợi cơ, các tế bào thần kinh vận động hay nơi tiếp xúc giữa tế bào thần kinh và cơ (neuromuscular junction). Có thể do thiếu magnesium, thiếu calcium do thiếu vitamin D. Một số thuốc: Benadryl dùng lâu dài, morphine lúc cai thuốc, có thể gây ra co giật bó sợi cơ.
Định bịnh BFS:
Căn cứ trên triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ cần chắc chắn là các cơ không bị liệt hay yếu. Cần loại bỏ trường hợp thiếu Calci, Magnesium, vitamin D, liên hệ tới việc dùng thuốc.
BFS khác với những trường hợp mà fasciculation có thể là thành phần một số bịnh làm bại liệt mà nguyên nhân nằm ở các tế bào thần kinh vận động của tủy sống (MND: motor neuron disease). Như bịnh ALS (amyotrophic lateral sclerosis) cũng có fasciculation nhưng triệu chứng ALS chính là các cơ bị teo và bắt đầu ở hai chân bị yếu, hay đi vấp ngã; bịnh nhân chỉ sống được vài năm. Trong cơ điện đồ (EMG) của ALS, có dấu hiệu dây thần kinh bị hư hại, có thể có fasciculation trong EMG (nhưng không đặc thù cho bịnh này), do đó dễ gây lẫn lộn giữa benign fasciculation syndrome (BFS bịnh hiền, EMG bình thường) và ALS.
Chữa trị:
-Giảm stress; chữa rối loạn lo âu. Thuốc dùng trong nhóm này:
- Các thuốc chống trầm cảm, thường là loại “thuốc ức chế có chọn lọc tái thu hồi serotonin” (SSRI, serotonin selective reuptake inhibitor) (tác dụng trên mức serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh [neurotransmitter] ở các liên hợp sợi thần kinh, nơi các tế bào thần kinh liên kết với nhau [synapses ] )Ví dụ paroxetine (Paxil, Seroxat), sertraline (Zoloft).
- Phản ứng phụ của SSRI: Rối loạn tính dục, ngái ngủ, lên cân, mất ngủ, lo âu, chóng mặt, nhức đầu, khô miệng, buồn nôn, rung tay, bón, đau bụng. Riêng đối với lứa 18-24 tuổi, SSRI có thể gia tăng nguy cơ tự tử.
- Các thuốc SSRI có thể bắt đầu tác dụng sau 6 tuần, và tác dụng tới mức tối hảo sau 12-16 tuần. Có thể chữa trị bằng thuốc từ 6-12 tháng để tránh bịnh tái lại, hoặc phải dùng thuốc lâu hơn.
-Tránh cà phê, thuốc lá.
-Sống lành mạnh điều độ; tập thể thao, thể dục, thiền, đọc kinh, yoga; ngủ đủ giờ, tránh thức khuya, ăn ngủ bất thường, stress.
-Trị liệu tâm lý bằng "cognitive behavioral therapy" (CBT): thay đổi nhận thức, hiểu biết và tập tính, hành vi (behavior) của bịnh nhân. Vi du: bịnh nhân lo âu sợ hãi xã hội (social anxiety) đánh giá sai lạc về cách mình giao tiếp trong xã hội, cho rằng người ta nghĩ tiêu cực (xấu) về mình và gán cho thái độ của người khác một tầm quan trọng quá đáng. Một lời nói, một cử chỉ vô hại, “vô thưởng vô phạt “(neutral) có thể được bịnh nhân xem như là lời trách móc, quở mắng có ảnh hưởng nhiều đến mình. Cái sợ này làm cho bịnh nhân rụt rè thêm, thu mình lại, lại càng làm cho bịnh nhân mất cơ hội để thấy là không có gì đáng lo sợ, tạo nên vòng lẩn quẩn. Tâm lý gia giúp cho người bịnh hiểu thêm về nhận định sai của mình, đồng thời khuyến khích bịnh nhân thay đổi sự "co cụm, rút lui" của mình để giải tỏa , cắt đứt cái vòng lẩn quẩn càng ngày càng giữ bịnh nhân bị vây hãm trong mối lo.
Giản dị hơn, chúng ta có thể tự học hỏi, tìm hiểu và tự giúp lấy mình ý thức về nỗi lo sợ của mình, và ý thức được cái sợ của mình là vô căn cứ. Phương pháp chánh niệm quen thuộc với người Việt giúp ý thức về giây phút hiện tại cũng là một phương tiện hữu hiệu giải toả tình trạng lo âu. Phương pháp này (mindfulness) được nhắc đến và thực hành nhiều ở Mỹ (“experiencing the present moment”).
Dự hậu:
Đa số bịnh nhân thuyên giảm với thời gian. Chữa bịnh lo âu (anxiety) là yếu tố quan trọng nhất.
Có khi bịnh nhân tự khỏi bịnh (spontaneous remission). Nếu bác sĩ không chắc chắn là bịnh BFS mà có thể có dấu hiệu của các bịnh tế bào thần kinh vận động (motor neuron disease) (như teo cơ, liệt, yếu cơ), bác sĩ sẽ cần theo dõi bịnh nhân theo định kỳ, bịnh nhân cần cho bs biết nếu thấy triệu chứng nặng thêm, hay có triệu chứng mới xuất hiện; với thời gian có thể sẽ kết luận dứt khoát hơn. Theo những tài liệu tôi tìm được, không thấy có liên hệ giữa chứng động kinh và đột quỵ với bịnh BFS.
2) Áp huyết thấp (hypotension), thường được định nghĩa như là áp suất kỳ thu tâm = hoặc < 90mm thuỷ ngân (systolic pressure = or <90 mmHg), áp suất trương tâm= hoặc < 60 mmHg (diastolic pressure = or <60 mm Hg). tuy nhiên cũng tùy theo bịnh nhân, tuổi bịnh nhân, áp huyết thông thường của người đó. Có nhiều nguyên nhân, giản dị như bịnh nhân thiếu nước, bị xúc động, ngâm nước nóng quá lâu (mạch máu giãn nở), có thai, ít vận động. Phức tạp hơn ví dụ bịnh nhân thiếu máu (anemia, bần huyết, lượng hồng cầu quá thấp), chảy máu đâu đó (ví dụ rong kinh, chảy máu bao tử, ruột), hay suy cơ năng tuyến giáp (hypothyroidism), nang thượng thận (adrenal glands, bịnh Addison: đi đôi với da sẫm màu [hyperpigmentation], các vùng niêm mạc như miệng cũng đen hơn bình thường), nhiễm trùng máu, phản ứng thuốc, dị ứng, phản vệ (anaphylaxis=huyết áp hạ nhanh, shock kèm theo khó thở, nổi mẩn ngoài da). Cũng nên nêu rõ áp huyết thấp (hypotension) và thiếu máu (anemia) là hai bịnh khác nhau, mặc dù thiếu máu có thể gây ra áp huyết thấp, chóng mặt, xỉu.
Nói chung chúng ta không muốn áp huyết cao, và áp suất thấp là mục đích của chữa trị bịnh cao áp huyết. Tuy nhiên, nếu áp huyết thấp kèm theo các chứng như chóng mặt, muốn xỉu, mờ mắt, ói, tay chân lạnh, xanh xao, thở khó hay yếu, chán nản, trầm cảm (depression), nên đi khám bác sĩ.
Những nhận xét trên đầy hoàn toàn tổng quát, trong mục đích thông tin. Bịnh nhân cần được bác sĩ khám và hướng dẫn.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 16 tháng 12 năm 2018
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.