Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, người đang bị giam giữ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Trưởng văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 10/2 vì bị cho là đã lập ra các tài khoản Facebook không chính danh để “nói xấu lãnh đạo”. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị quyết định tạm giữ hình sự nhà báo này trong hai tháng để điều tra hành vi mà họ cho là vi phạm điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Năm ngày trước khi bị bắt, nhà báo Bảo Thy đã bị công an Quảng Trị thẩm vấn. Với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, nhà báo 50 tuổi này đang đối diện với mức án lên tới 7 năm tù giam.
“RSF kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Phan Bùi Bảo Thy”, tổ chức bảo vệ nhà báo có trụ sở chính ở Paris nói trong một thông cáo đưa ra hôm 16/2 và cho rằng nhà báo này chỉ “hành động vì lợi ích chung” khi đăng tải các thông tin cáo buộc những lãnh đạo địa phương tham nhũng trên mạng xã hội Facebook.
Nhà báo Bảo Thy bị cáo buộc lập ra và điều hành một số tài khoản Facebook, bao gồm trang Quảng Trị 357, trong đó có nhiều bài viết cáo buộc các vụ tham nhũng liên quan đến Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Du lịch và Thể thao Nguyễn Văn Hùng, người từng là lãnh đạo ở Quảng Trị, và Chủ tịch tỉnh Võ Văn Hùng.
Theo truyền thông trong nước, các tài khoản Facebook mà nhà báo Bảo Thy bị cáo buộc đứng sau đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh và video có nội dung “nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm đến uy tín, danh dự của các cá nhân, trong đó có lãnh đạo tỉnh, Bộ ngành Trung ương”. Công an Quảng Trị đã khám xét chỗ ở và nơi làm việc của nhà báo này, và thu giữ nhiều tài liệu mà họ cho là liên quan đến hành vi nói trên.
“Số phận (của ông Phan Bùi Bảo Thy) nêu bật (sự kìm hãm) đối với các nhà báo truyền thông đại chúng của Việt Nam, những người bị bức hại ngay khi họ đi chệch ra khỏi đường lối chính thống do ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản áp đặt”, Daniel Bastard, trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo, và cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã “vi phạm điều 25 trong hiến pháp của chính họ” khi làm như vậy.
Nhà báo Bảo Thy bị bắt 5 tuần sau khi một toà án ở TP.HCM tuyên án tù đối với 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn với mức tù giam từ 11 đến 15 năm về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người được RSF trao Giải thưởng Tự do Báo chí hạng mục tầm ảnh hưởng năm 2019, cũng bị bắt với các buộc tương tự hồi tháng 10 năm ngoái. Nữ nhà báo này cũng bắt đầu sự nghiệp của mình khi làm việc cho truyền thông của nhà nước trước khi chuyển sang hoạt động báo chí độc lập để có quyền tự do biên tập vốn không tồn tại trong báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam.
Việt Nam bị coi là ít có tự do báo chí khi xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của RSF.