Đường dẫn truy cập

Rối loạn chính trị Campuchia không có dấu hiệu thuyên giảm


Một công nhân dệt may bị bắt trong cuộc biểu tình ở ngoại ô Phnom Penh.
Một công nhân dệt may bị bắt trong cuộc biểu tình ở ngoại ô Phnom Penh.
Campuchia đã ra lệnh cấm những người biểu tình chống chính phủ không được thực hiện những cuộc biểu tình sau khi xảy ra vụ đụng độ với cảnh sát làm 4 người thiệt mạng hồi tuần trước. Nhưng trong lúc công nhân dệt may đình công tiếp tục cuộc tranh đấu và phe đối lập chính trị tiếp tục chiến dịch chống lại Thủ tướng Hun Sen, nhiều người e rằng vương quốc Đông Nam Á này sẽ có thêm những vụ xung đột. Từ thủ đô Phnom Penh, thông tín viên Rick Valenzuela của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Với tần suất mỗi lúc một cao sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 7, những người biểu tình ở Campuchia đã công khai nói lên tiếng nói bất đồng với nhà cầm quyền. Những người thợ may đang đòi tăng gấp đôi mức lương tối thiểu. Phe đối lập tiếp tục tố cáo chính phủ gian lận trong cuộc bầu cử năm ngoái. Và có một điều rất đáng lưu ý là những người tham gia các cuộc biểu tình, bất kể là vì lý do kinh tế hay chính trị, đều không còn sợ hãi trước sự đàn áp của lực lượng an ninh của nhà nước.

Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy, người đứng đầu Đảng Cứu Quốc Campuchia, cho biết như sau.

"Như quí vị đã thấy, dân chúng bây giờ họ không còn sợ hãi nữa. Dĩ nhiên, khi nhà cầm quyền ra tay giết người, thì sau một vài ngày dân chúng vẫn còn cảm thấy sợ hãi. Nhưng họ không thể giết hết mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc."

Nhà hoạt động nhân quyền Ou Virak cho rằng sự thay đổi có tính chất kịch liệt này phát xuất một phần từ yếu tố tuổi tác. Công chúng Campuchia trước đây luôn luôn có tâm lý né tránh xung đột, nhưng khối người này đã được thay thế bởi một thế hệ trẻ của nhưng người sẵn sàng khẳng định và bảo vệ các quyền của mình.

"Đây chỉ là một sự thay đổi về dân số học. Chúng tôi có thế hệ hậu Khmer Đỏ. Đó là những người sinh ra trong thập niên 1980, những người không phải sống dưới chế độ Cộng Sản. Nhiều người trong số những người trẻ tuổi này có thái độ sẵn sàng hơn để thách thức nhà cầm quyền và sẵn sàng nói lên ý kiến của mình. Và những người trẻ họ có nhiều tham vọng hơn."

Trong bối cảnh của sự thay đổi về tình trạng phân bổ dân số như vậy, nhiều người tham gia hoạt động chính trị ở Campuchia là những người lớn tuổi và bị chỉ trích là lỗi thời. Ông Ou Virak cho rằng tình trạng này đã dẫn tới vấn đề đứt đoạn lãnh đạo trong chính phủ cũng như trong hàng ngũ đối lập.

"Hai đảng phái này đang mang tất cả những vấn đề chính trị trở lại với những thứ mà họ biết và do đó họ cảm thấy thoải mái. Nhưng khi họ nhìn vào chính trị của tương lai, họ không cảm thấy thoải mái. Và vì họ sẽ không vui khi phải nhìn về phía trước, nên họ luôn luôn nhìn về phía sau."

Cảnh sát đánh đập các nhà sư trong một cuộc biểu tình ủng hộ Đảng Cứu Quốc tại Phnom Penh.
Cảnh sát đánh đập các nhà sư trong một cuộc biểu tình ủng hộ Đảng Cứu Quốc tại Phnom Penh.
Trong phần lớn thời gian của những tháng vừa qua, chính phủ đã chứng tỏ một sự tự chế khác thường trong việc đối phó với những vụ phản kháng. Nhưng họ đã thay đổi hồi đầu tháng này, khi những vụ xuống đường của phe đối lập chính trị và những cuộc biểu tình của công nhân đình công gặp phải một phản ứng mạnh tay. Về việc này, nhà tranh đấu nhân quyền Ou Virak có nhận xét như sau.

"Chính phủ này, đặc biệt là ông Hun Sen, đã nắm quyền trong nhiều thập niên. Ông ấy biết cách đánh nhau. Ông ấy biết phải làm thế nào trên chiến trường. Nhưng ông ấy và chính phủ của ông ấy, họ chưa sẵn sàng để ứng phó với những phong trào tranh đấu ôn hòa. Và thực tế đáng buồn là họ chỉ phản ứng bằng cách thức mà họ biết và cách đó chính là đưa nó trở lại với chiến trường."

Vào lúc này, với lệnh cấm biểu tình, thành phố Phnom Penh đang yên tĩnh. Nhưng phe đối lập đang tập hợp lại ở các tỉnh và cho biết họ đang lập kế hoạch để thực hiện lại những cuộc biểu tình ở thủ đô.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG