Sau gần một tháng đảng Cộng hòa không có cuộc tranh luận nào, bốn ứng viên còn lại đã lên diễn đàn ở Mesa, bang Arizona để tham dự một cuộc tranh luận đầy thử thách trong đó đề cập đến một loạt vấn đề gồm cả thuế, chi tiêu của chính phủ và nhập cư trái phép.
Tuy nhiên, vào lúc sắp kết thúc, cuộc tranh luận đã chuyển sang vấn đề chính sách đối ngoại và đặc biệt là cách Hoa Kỳ nên hành xử đối với tham vọng hạt nhân của Iran.
Ba trong số bốn ứng viên của đảng Cộng hòa đã tỏ lập trường cứng rắn về Iran và chỉ trích chính quyền của tổng thống Barack Obama đã không hành động đủ để gây sức ép lên Tehran về chương trình hạt nhân của nước họ.
Trong số họ có cựu thượng nghị sĩ bang Pennsylvania Rick Santorum, người hiện đang dẫn đầu trong số các ứng viên Cộng hòa trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng toàn quốc.
Ông Santorum nói: "Khi họ đương đầu với một chế độ nguy hiểm muốn xóa sổ nhà nước Israel, muốn thống lĩnh thế giới Hồi giáo cực đoan và thách thức ‘Quỉ Satan vĩ đại’ , Hoa Kỳ, thì chúng ta chẳng có hành động nào. Đó là một vị tổng thống phải ra đi và quí vị muốn một nhà lãnh đạo sẽ có hành động đối với họ. Tôi sẽ làm điều đó.”
Đối thủ chính của ông Santorum trong đảng Cộng hòa là cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, người phải đối mặt với một thách thức to lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Michigan vào tuần tới, bang mà ông Romney đã lớn lên.
Ông Romney cũng có lập trường cứng rắn về chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran.
Ông Romney nói: “Nhưng không có điều gì trogn quan điểm của tôi sẽ thất bại nghiêm trọng như sự thất bại của ông ấy trong việc hành xử với Iran một cách đúng đắn. Vị tổng thống này lẽ ra phải đưa ra những hành động trừng phạt thêm đối với Iran. Nhưng ông ấy đã không làm như vậy.”
Cựu chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Newt Gingrich đã bị bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận nhưng vẫn tiếp tục cuộc đua. Ông Gingrich hy vọng sẽ có một bước đột phá vào ngày 6 tháng Ba khi bang nhà Georgia của ông và 9 bang khác sẽ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ được gọi là Siêu Thứ Ba và các cuộc họp bầu trong nội bộ đảng.
Ông Gingrich cũng cổ vũ cho một lập trường cứng rắn đối với Iran trong cuộc tranh luận.
Ông Gingrich nói: “Nếu quí vị nghĩ rằng một gã điên sắp sửa có vũ khí hạt nhân và quí vị nghĩ rằng gã điên đó sẽ sử dụng những vũ khí đó, thì quí vị chắc hẳn có nghĩa vụ đạo đức phải bảo vệ mạng sống của người dân nước mình bằng cách loại bỏ khả năng có vũ khí hạt nhân của hắn.”
Chỉ có một trong số 4 ứng viên Cộng hòa có quan điểm khác về chính sách đối với Iran. Dân biểu bang Texas Ron Paul đã phản đối các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan và nói rằng ông sẽ không ủng hộ một sự tham gia quân sự nữa ở Trung Đông.
Ông Paul nói: "Tôi không đồng tình vì chúng ta không biết liệu họ có vũ khí hạt nhân hay không. Sự thật là không có bằng chứng là họ có vũ khí đó. Israel nói rằng họ không có và chính phủ của chúng ta cũng vậy. Tôi không muốn họ có vũ khí hạt nhân nhưng tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm khuyến khích họ có vũ khí hạt nhân bởi họ cảm thấy bị đe dọa.”
Cuộc tranh luận này là màn trình diễn cuối cùng của các ứng viên trước các cuộc bầu cử sơ bộ ở Arizona và Michigan, và 10 cuộc bầu cử vào Siêu Thứ Ba ngày 6 tháng Ba.
Đến giờ, ba trong số bốn ứng viên đã giành thắng lợi ít nhất một cuộc bầu cử sơ bộ hoặc cuộc bầu nội bộ đảng, tuy nhiên, không ai trong số họ giành được động lương chính trị liên tiếp hay nhận được sự ủng hộ lớn của các đại biểu vốn sẽ quyết định ứng viên được đảng Cộng hòa đề cử tại hội nghị đề cử ứng viến tổng thống của đảng ở Tampa, Florida vào cuối tháng Tám.
Các chuyên gia chính trị cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn thì cuộc đua của đảng Cộng hòa có thể kéo dài tới cuối kỳ bầu cử sơ bộ vào đầu tháng Sáu.
Bốn ứng viên tổng thống còn lại của đảng Cộng hòa đã tham gia một cuộc tranh luận trên truyền hình tối hôm qua tại Arizona, một trong hai bang sẽ tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa vào thứ ba tuần tới. Phần lớn thời gian cuộc tranh luận đề cập đến các vấn đề trong nước, tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên Quốc gia của đài VOA Jim Malone từ Washington, khả năng hạt nhân của Iran cũng đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các ứng viên.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1