Có thể nào việc chú trọng đến tôn giáo giúp Washington đạt được những mục tiêu trong chính sách ngoại giao hay không? Một cuộc nghiên cứu mới đây của Hội đồng Chicago về các Vấn đề Toàn cầu cho thấy điều này có thể xảy ra. Hội đồng này là một tổ chức không đảng phái với mục tiêu là ảnh hưởng đến việc luận giải những vấn đề toàn cầu. Phúc trình của Hội đồng kêu gọi sự đối thoại với các cộng đồng tôn giáo ở nước ngoài là “một vấn đề cấp bách mới trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.”
Ông Thomas Wright, giám đốc dự án của cuộc nghiên cứu mới của Hội đồng nói:
“Vai trò của tôn giáo càng ngày càng trở nên quan trọng trong nền chính trị thế giới và trong thập niên qua, Hoa Kỳ đã không đặc biệt tinh tường và khôn khéo trong việc đối thoại với tôn giáo.”
Ông Wright đưa ra ví dụ mà ông cho là sự thất bại của Washington trong việc kết giao với những nhà lãnh đạo tôn giáo có nhiều ảnh hưởng tại Iraq và Afghanistan trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Ông tin là việc kết nối với những nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng không có khuynh hướng bạo động sẽ tạo ra những đồng minh mới và xây dựng được những phương cách mới tiến tới hòa bình và thịnh vượng tại nhiều vùng có nhiều rối ren trên thế giới. Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực làm việc này trong bài diễn văn ông đọc tại Cairo, Ai Cập vào năm ngoái. Trong bài diễn văn này, ông đã đối thoại với các cộng đồng Hồi Giáo cũng như các quốc gia Hồi Giáo trên thế giới. Nghiên cứu của ông Wright khuyến cáo việc nới rộng những cuộc tiếp xúc như vây.
Ông Wright nói: “Đầu tiên là xây dựng khả năng trong chính phủ Hoa Kỳ để càng ngày càng có nhiều người hiểu rõ vai trò tôn giáo trong những vấn đề thế giới và đặc biệt là vai trò của các cộng đồng tôn giáo và những nhà lãnh đạo các cộng đồng này trên chính trường. Và điều thứ hai là nới rộng phạm vi đối thoại của Hoa Kỳ đối với những cộng đồng tôn giáo ở nước ngoài không những chỉ trong những vấn đề an ninh quốc gia truyền thống mà còn bao gồm cả giáo dục, tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp, khoa học và công nghệ.
Chẳng hạn như trong trường hợp Afghanistan, ông Wright nói là các đơn vị quân đội Mỹ nào tôn trọng và hiễu rõ văn hóa tôn giáo của một cộng đồng thì ít khi hành động theo lối tạo nên những căng thẳng quá độ. Ông nói thêm là Washington nên đối thoại với các đảng phái chính trị tôn giáo ngay cả khi những đảng này chống lại chính sách ngoại giao của Mỹ.
Cuộc nghiên cứu kết luận là nếu không có những cuộc đối thoại có ý nghĩa và nghiêm chỉnh hơn với tôn giáo xuyên qua một loạt những vấn đề và với những người đóng vai trò chủ chốt thì Hoa Kỳ sẽ mất những cơ hội quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp và xây dựng hòa bình.
Đối với ông Faisal Abdul Rauf, chủ tịch của Sáng kiến Cordoba, một tổ chức nhằm mang lại sự hiểu biết giữa thế giới Hồi Giáo và phương Tây, thì điều này rất có ý nghĩa.
Ông Abdul Rauf nói: “Tôn giáo là một phần của vấn đề. Do đó tôn giáo phải là một phần của giải pháp, bởi vì nếu không coi tôn giáo như là một yếu tố, nếu không đặt vấn đề tôn giáo lên bàn thì tôn giáo sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn nữa.”
Ông Abdul Rauf nói thêm là chỉ bằng cách công nhận và tôn trọng những giá trị chính yếu của một cộng đồng thì ngoại giao Hoa Kỳ mới có thể xây dựng được những liên minh và tạo nên một nền hòa bình bền vững.
Tuy nhiên, ông Sean Faircloth, giám đốc điều hành của Liên Minh Thế tục Mỹ phản biện lại lập luận này và cho rằng khi một quốc gia đưa vấn đề hội nhập tôn giáo vào chính sách ngoại giao thì những tai họa thường thường sẽ theo sau.
Ông Faircloth nêu lên cuộc chiến tranh Iraq do Hoa Kỳ dẫn dạo như là một ví dụ điển hình.
Ông nói: “Phủ Tổng thống dưới thời ông George W. Bush nổi tiếng khi đề cập đến cuộc chiến Iraq như là một “Cuộc Thập tự chinh” khi Tổng thống Bush nói đến việc hướng tới một quyền lực cao hơn khi quyết định chiến tranh. Tổng thống Bush nói với Tổng thống Pháp là ông đặc biệt quan tâm đến Sách Khải huyền trong Kinh Thánh khi có quyết định liên hệ đến cuộc chiến Iraq. Điều này rất là khó hiểu và trái ngược với những giá trị của nước Mỹ.”
Ông Faircloth nói thêm là điều chắc chắn thích hợp đối với Hoa Kỳ là nhận thức được tình hình tôn giáo trên căn bản những quốc gia khác nhau. Tuy nhiên ông cho rằng chính sách ngoại giao của Mỹ là tìm kiếm sự tốt đẹp hơn cho tất cả các công dân trên toàn thế giới không kể đến tôn giáo và điều này đòi hỏi một đường lối thế tục.
Ông Faircloth nói tiếp: “Chính sách ngoại giao của chúng ta phải là một chính sách thế tục. Chính sách ngoại giao của chúng ta phải đặt trọng tâm, theo như Hiến pháp, là giúp những công dân của chúng ta như là “Chúng tôi, những người dân” Đây không phải là một sự chỉ đạo từ Thượng đế của Cơ Đốc nhân hay Thượng đế của người Hồi Giáo hay bất cứ Thượng đế nào khác. Đây phải là sự chỉ đạo của “Chúng tôi những người dân” tức là sự chỉ đạo của Hiến pháp. Và chúng ta tìm kiếm hòa bình với tất cả các dân tộc, gồm cả những người theo tôn giáo thuộc các thực thể khác nhau trên toàn thế giới.”
Giáo sĩ Abdul Rauf công nhận là không có hiểm nguy nào khi đưa tôn giáo trở thành một thành phần trong chính sách ngoại giao. Tuy nhiên ông nói thêm là nếu đề cập đến tôn giáo theo một đường hướng sai lầm thì chỉ tạo nên những vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi.
Giáo sĩ Abdul Rauf nói: “Nếu xử dụng không đúng chỗ, tôn giáo sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Đó là sự thực đối với những gì có quyền lực. Cần phải sử dụng tôn giáo như một nhịp cầu cũng như sử dụng ngôn từ theo đường lối kết nối và nêu lên vấn đề tôn giáo theo một chiều hướng rất sáng tạo.”
Cuộc nghiên cứu của Hội đồng Chicago về các Vấn đề Toàn cầu kết luận là vấn đề tôn giáo nên được nêu lên. Tuy nhiên cuộc nghiên cứu này cũng cảnh báo là nếu thúc đẩy một đường lối thế tục không có những thỏa hiệp có thể đưa đến kết quả không mong muốn là nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố bằng cách gạt bỏ những nguồn truyền thống của văn hóa được xác định. Những tác giả của cuộc nghiên cứu đưa ra nhận xét là thách thức đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là gạt ra ngoài lề chủ nghĩa cực đoan tôn giáo chứ không phải chính tôn giáo.
Hiến pháp Mỹ qui định là chính phủ đứng ra ngoài các vấn đề tôn giáo: không có tôn giáo nào được nhà nước yễm trợ và không có chuyện kìm hãm tự do của người dân theo tôn giáo của họ. Thomas Jefferson, một trong những nhà sáng lập nước Mỹ viết là những cấm đoán như vậy đưa đến việc dựng nên một bức tường ngăn cách giữa tôn giáo và nhà nước. Tuy nhiên theo như giải thích của thông tín viên Mohammed Elshinnawi, một số học giả nói rằng khi có dính líu đến các vấn đề quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ nên để ý nhiều hơn đến tôn giáo và vai trò mạnh mẽ của tôn giáo trong đời sống của dân chúng cũng như của các quốc gia trên toàn thế giới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1