Giữa biển thông tin, hình ảnh liên quan đến sự kiện Afghanistan lọt vào tay Taliban khiến nhiều người thất vọng, thương cảm,… trước sự kiện Mỹ và các đồng minh đang hối hả vận chuyển cả người của họ lẫn dân chúng Afghanistan muốn đào thoát khỏi xứ sở giờ đang nằm trong tay Taliban… vẫn còn một số những câu chuyện giúp nhen nhóm niềm tin vào tương lai nơi những người vốn đã rớt xuống đáy của khốn cùng khi phải bỏ lại tất cả ở nơi vốn là quê hương của mình…
***
Hôm qua (25/8/2021), tướng Tod Daniel Wolters – Đại tướng Không quân Mỹ, hiện là Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tối cao của NATO - vừa tâm tình với báo giới rằng ông – gốc là phi công điều khiển chiến đấu cơ - hi vọng Reach sẽ lớn, sẽ trở thành công dân Mỹ, sẽ gia nhập Không quân Mỹ và trở thành một trong những sĩ quan lái chiến đấu cơ của Mỹ… Khi tướng Wolters chia sẻ tâm tình đó, Reach chỉ mới được… năm ngày tuổi...
Thứ bảy tuần trước, trên đường vận chuyển thường dân Afghan từ Kabul (thủ đô Afghanistan) đến căn cứ không quân Ramstein (tọa lạc tại Tây Nam nước Đức và là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở bên ngoài biên giới Mỹ - nơi chuyên tiếp nhận, đồng thời là trạm chung chuyển nhân lực, trang bị, thiết bị cho quân đội Mỹ tại châu Âu, châu Phi, Trung Đông), phi công điều khiển một vận tải cơ loại C-17, thông báo với Bộ Chỉ huy rằng, dường như chuyến bay do ông thực hiện sắp… có thêm một hành khách!
Trước tin một phụ nữ Afghan trên chiếc C-17 đang vận chuyển người tị nạn, đột nhiên chuyển dạ, hệ thống điều khiển không lưu của cả quân sự lẫn dân sự thuộc một số quốc gia trong khối NATO đã phối hợp với nhau để dọn đường cho chiếc C-17 ấy giảm độ cao ở chặng còn lại trong hành trình đến Ramstein. Người ta hy vọng điều đó sẽ giúp huyết áp của người mẹ ổn định, bà có thể cầm cự tới khi phi cơ đáp ở Ramstein để nhận đủ sự giúp đỡ cần thiết lúc lâm bồn...
Khi chiếc C-17 tiếp đất ở Ramstein, bác sĩ chuyên khoa sản và các điều dưỡng của Quân y viện Landstuhl (cách Ramstein khoảng 15 cây số và là quân y viện lớn nhất của quân đội Mỹ bên ngoài biên giới Mỹ - nơi chuyên điều trị cho quân nhân và thương binh của quân đội Mỹ tại châu Âu, châu Phi, Trung Đông) đã chờ sẵn… Họ hối hả vào khoang chứa hàng của chiếc C-17, kịp giúp sản phụ Afghan “mẹ tròn, con vuông”… Sau đó cả hai mẹ con được chuyển về Quân y viện Landstuhl để chăm sóc.
Ở Quân y viện Landstulh, cha mẹ của bé gái ra đời trong lòng chiếc C-17, tình cờ biết rằng, chuyến bay mà chiếc C-17 đưa họ thoát khỏi Afghanistan được gọi là “Reach 828” (trong tiếng Anh, “reach” có nghĩa là vói tới, chạm đến). Lúc khai sinh cho bé, cha mẹ bé quyết định lấy Reach làm tên của bé. Reach là một trong ba đứa trẻ Afghan chào đời vào thời điểm cha mẹ của các bé rời khỏi Afghanistan. Tuy nhiên chỉ có Reach sinh trong lòng một vận tải cơ quân sự. Hai đứa trẻ kia chào đời tại Quân y viện Lanstuhl (1).
Từ thứ Sáu vừa qua, khoảng 7.000 người Afghan đã được đưa từ Afghanistan đến Ramstein và Sigonella (một căn cứ của không quân thuộc hải quân Mỹ ở Ý). Theo tướng Wolters, họ sẽ tạm trú trong hai căn cứ quân sự này khoảng hai tuần để chờ hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi đến Mỹ định cư. Ngoài hai căn cứ vừa kể, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu đã ra lệnh cho sáu căn cứ quân sự khác của Mỹ ở Đức, Tây Ban Nha, Kosovo chuẩn bị đón nhận người Afghan di tản. Tổng số người di tản khoảng 25.000 (2).
***
Chưa biết trong tương lai Reach có muốn và đáp ứng ước vọng của tướng Wolsters hay không bởi tự do lựa chọn là quyền của bé. Chỉ có thể khẳng định, trên xứ người, bé sẽ được tôn trọng, đối xử như một con người. Nếu đủ nỗ lực, bé có thể đạt được tất cả những gì bé muốn. Sẽ không có ai dùng những yếu tố như bé từ đâu đến, theo tôn giáo nào, ông bà và cha mẹ từng phục vụ… ta hay theo… địch để chặn bé lại, vùi dập bé. Tuy được cứu nhưng chắc chắn sẽ không có ai buộc Reach phải biết ơn, tin tưởng tuyệt đối!
Chú thích