Khi còn là một học sinh môn sử, 12 tuổi, tại vùng thôn quê Illinois, bạn của bà Madeline Piller giới thiệu với bà về câu chuyện của một nhóm phụ nữ thuộc thành phố Ottawa gần đó, thuộc bang Illinois, làm việc tại xưởng Radium Dial trong những năm 1920 và 1930.
Bà Piller nói: “Tôi chưa bao giờ nghe đến việc này. Cô ấy nói chuyện này thật lớn, nhưng không ai nói đến. Do đó nếu không ai nói đến thì hẳn là phải đáng quan tâm.”
Điều không ai nói đến là những ảnh hưởng tai hại đối với con người do tiếp xúc với chất phóng xạ Radi.
Những phụ nữ trẻ vào tuổi 19, 20 được tuyển dụng làm việc tại xưởng Radium Dial tại Ottawa. Những người này sơn mặt đồng hồ bằng chất Radi để phát quang trong đêm tối.
Bà Piller nói: “Những phụ nữ này được chỉ dạy cho biết là phải liếm cho nhọn những cây cọ lông trước khi sơn lên mặt đồng hồ.”
Vào năm 1925, ban quản trị Radium Dial nhận thức được những hậu quả độc hại của nguyên tố hóa học này, nhưng đã không thông báo cho công nhân, hay có những biện pháp cẩn thận trong việc tiếp xúc chất này nhiều hơn nữa.
Nhiều phụ nữ bị bướu ung thư, xương xốp và dễ gãy, và bị cưa chân tay một cách đau đớn.
Ông Leonard Grossman, con trai luật sư của những phụ nữ bị nhiễm chất Radi nói:
“Những người này đang chết dần mòn. Bác sĩ nói dối họ. Thị trấn chống lại việc biểu tình phản đối của họ.”
Cha ông Leonard Grossman được thuê làm luật sư dại diện cho một trong 7 phụ nữ thuộc “Hội của những người Chết đang Sống”, bắt đầu một cuộc chiến pháp lý vào năm 1934 chống lại những chủ nhân của Radium Dial.
Ông Grossman nói: “ Đây là một hình thức bi thảm của những thương tật tại nơi làm việc vì công nhân không biết trong nhiều năm họ bị thương tích. Có cái gì âm ỉ đang xảy ra trong cơ thể họ và chủ nhân thuyết phục là chuyện này tốt cho họ.”
Vụ kiện của những Cô gái Radi, cũng bao gồm những công nhân của một nhà máy tương tự tại bang New Jersey, đã trải qua suốt hệ thống tư pháp và đến tận Tối cao Pháp viện Mỹ.
Những phụ nữ này thắng cuộc và nhận được một số tiền bồi thường khiêm nhường từ United States Radium Corporation, công ty mẹ của Radium Dial.
Giữa những phương cách khác nhau, vụ kiện của những phụ nữ này ảnh hưởng đến luật lao động Mỹ, là sự thay đổi tiền bồi thường cho công nhân và việc thiết lập tiêu chuẩn an toàn phóng xạ.
Việc này lẽ ra đóng lại một chương của một thời kỳ bất công trong lịch sử của thị trấn nhỏ Ottawa, bang Illinois.
Tuy nhiên nhiều người trong thị trấn đổ lỗi cho những phụ nữ này vì mất việc làm trong thời kỳ Đại Khủng hoảng. Vụ này sớm trở thành một đề tài cấm giữa lúc nhiều Cô gái Radi chết dần vì nhiễm phóng xạ.
Ông Bob Eschbach, thị trưởng Ottawa nói:
“Người ta không muốn nói nhiều về chuyện này vì chỉ làm thương tổn Ottawa, nhiều người có thể có những cảm tưởng sai lầm và họ thực sự muốn che giấu nó đi.”
Thị trưởng Eschbach nói thêm là sự vướng mắc của thị trấn với chất Radi không chấm dứt khi vụ các Cô gái Radi được giải quyết tại tòa án.
Nguyên tố hóa học này xâm nhập vào đất đai và nước ngầm, làm ô nhiễm những cơ sở thương mại và nhà cửa cư dân trong thị trấn.
Những nguy hiểm của chất Radi không còn quanh quẩn nơi những công nhân làm việc cho nhà máy Radium Dial, hay nhà máy kế vị có tên là Luminous Processes.
Sau khi nhà máy Luminous Processes đóng cửa vào năm 1978, tòa nhà trống không vẫn còn đứng sừng sững để nhắc nhở về phóng xạ trong lịch sử lâu dài của thị trấn Ottawa do nguyên tố hóa học này gây ra.
Thị trấn trở thành nơi thi hành chương trình dọn sạch rất tốn kém của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ trong những năm 1980. Cấu trúc của nhà máy Luminous Processes bị phá hủy và địa điểm cũ của Radium Dial cũng như những vị trí khác trong thị trấn được khai quật.
Thị trưởng Eschbach nói: “ Chúng tôi có hơn một chục địa điểm bị nhiễm phóng xạ, tất cả đều được dọn sạch trừ hai nơi và chúng tôi đang làm việc trên hai nơi này. Do đó tôi nghĩ khi những chuyện này bắt đầu xảy ra, thái độ tại thị trấn Ottawa bắt đầu thay đổi.”
Ngày nay tại Ottawa, nói đến những Cô gái Radi không còn là một điều cấm kỵ nữa, một phần cũng nhờ vào những nỗ lực của bà Piller.
Bà Piller nói: “Tôi đã đọc hết một cuốn sách nói là không có đài kỷ niệm nào được dựng lên để nhớ đến những Cô gái Radi. Và điều này thực sự đánh mạnh vào tâm trí tôi, vì những phụ nữ này, không được nhiều người biết đến, đã giúp đặt ra tiêu chuẩn phóng xạ chúng ta sử dụng cho đến ngày nay.”
Bà Piller trong 5 năm qua đã nỗ lực gây quỹ cũng như nêu lên nhận thức để xây một đài kỷ niệm vĩnh cửu, đảm bảo không quên câu chuyện của những Cô gái Radi.
Một tượng đồng kích cỡ như người thật do cha cô Piller tạo nên, với một phụ nữ một tay cầm một cành hoa tulip, và một tay cầm một cây cọ sơn, hiện đang đứng trước địa điểm trước đây là nhà máy Luminous Processes.
Bà Piller nói: “Vết sẹo của chuyện này hằn lên Ottawa đã lành. Tôi muốn đây là một niềm cảm hứng, tôi muốn đây là sự ghi nhớ những phụ nữ này, điều chúng ta không bao giờ quên, vì nếu chúng ta không nói đến việc này thì cũng tồi tệ như quên lãng vậy.”
Một buổi lễ kỷ niệm Ngày Lao động cuối tuần được một đám đông hàng trăm người tham dự trong đó có bà Rose Baima, Pauline Fuller, và June Menne, ba trong số ít những công nhân sống sót của nhà máy Luminous Processes.
Trong khi bà Piller nỗ lực giúp thị trấn Ottawa hàn gắn vết thương do chất Radi giết người gây ra, những nỗ lực làm sạch chưa hoàn toàn xong.
Một vị trí bị ô nhiễm ở ngoại ô thị trấn vẫn còn cần phải được dọn sạch, một tiến trình có thể mất đến 5 năm với chi phí khoảng 80 triệu đô la.
Trong phần đầu của thế kỷ thứ 21, nguyên tố hóa học Radi được nhiều người tin là chữa trị được một số bệnh. Chất này cũng được dùng như là phương cách làm phát quang những mặt kính đồng hồ đeo tay và các loại đồng hồ để bàn hay treo tường. Tuy nhiên theo như tường trình của Thông tín viên Đài VOA Kane Farabaugh, trường hợp của một số phụ nữ sơn những mặt đồng hồ này tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Illinois miền Trung Tây nước Mỹ giúp nêu lên nhận thức về những nguy hiểm của chất radi, và làm thay đổi luật lao động tại nước Mỹ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1