Đường dẫn truy cập

Trong nhà, ngoài ngõ…


Hình minh họa. (Trần Toàn)
Hình minh họa. (Trần Toàn)

Nguyễn Thành Công

Chuyện này tôi để ý lâu rồi, nhưng cho đến khi chị bạn – người văn chương có điều kiện vân du nhiều – bộc lộ cảm xúc xứ ta xứ người mới ngộ nhiều sự khác biệt: nước “người ta” trong ngoài đều được chăm chút, còn xứ mình thường chỉ chăm sóc bên trong thôi. Đúng rồi!

Hồi còn nghèo (hơn bây giờ), đi nông thôn: đường sá lầy lội xơ xác, hạ tầng chông chênh lắm, vậy mà nhà tranh vách lá vẫn khang trang thoáng đãng sạch đẹp lắm. Cách phụ nữ bằng mọi cách làm dẹp mái ấm: nền đất được bào gọt công phu đến bóng ngời, nện chặt như hủ lô (xe lu) cán! Vách lá được tỉ mỉ dán họa báo phẳng phiu, trang trí bằng các sản phẩm thủ công như quạt, đồ thêu... Nhà lá thôi, vào thấy mát mẻ dễ chịu, ưng ý lắm. Nhưng ngoài đường hay nơi công cộng thì ôi thôi, cũng như bây giờ, cha chung không ai khóc, ngổn ngang.

Chị bạn tôi có nghề, làm báo chuyên nghiệp, đi nước nào cũng chụp cơ man ảnh và khi có thể, thích thú thuyết minh từng tấm cách hấp dẫn: này chiếc cầu tình yêu với những ổ khóa chứng nhân bên xứ hoa tu–líp, này dòng sông xanh đẹp bên thủ đô nước Pháp, này... Tôi dể ý thấy thực ra cầu và sông không lớn hơn xứ mình, chỉ khác ở bờ kè kiên cố và nước sạch như trong hồ kiếng, bằng chứng sự chăm sóc giữ gìn không phải của ít người, ý thức của số đông. Và chị bạn cứ nhắc hoài: mỗi lần xuất ngoại, về, thấy… sốc.

Mà cảm xúc này cũng dễ chia sẻ. Lần tôi mò đường thăm chị ở ngay nội thành Hòn Ngọc Viễn Đông cũng sốc nhiều: hẻm hóc không khác thị trấn vùng sâu xứ tôi, đường xe lửa rác đầy ra, cơ man hình xăm trong từng góc phố, và...

Nghèo, đã đành, ở đây muốn chia sẻ ý khác: trong nhà và ngoài ngõ chênh nhau trời vực phản ánh ý thức với cái chung còn yếu ớt lắm.

Quê tôi trầy trật nhiêu khê vận động được lên thị xã, vài công trình lớn xây dựng hoành tráng, có hẳn một công viên mi ni ngay khu hành chính. Nhân viên đô thị tưới tỉa chăm sóc từng gốc sao, dầu cùng thảm cỏ không thua đồng nghiệp trên thành phố lớn, nhưng rác… luôn luôn đầy! Cánh học trò ăn thường xuyên “họp lớp” trên thảm cỏ hay lối đi, và “chiến trường” họ để lại luôn phát ngán: lon bia, chai nước suối, hộp đựng thức ăn... Người lớn cũng không hơn gì. Kết quả công viên xanh thành công viên rác, nào phải chuyện giàu nghèo.

Kinh tế có phát triển, nhiều người ăn nên làm ra, vào nhà vui mừng thấy tiện nghi không thua đời sống trên thành phố lớn, nhưng ngoài ngõ vẫn rác đầy như… cũ, khạc nhổ tùm lum, bầy hầy ngổn ngang. Dòng kênh lẽ ra rất đẹp với kè tự nhiên trên phù sa của từng vạt mắm xanh rì và dòng nước cuồn cuộn về biển gần, nhưng rác lềnh bềnh phá hỏng ánh nhìn, đến mức đã lâu lắm không thấy trẻ nhỏ tắm sông nữa.

Có những quốc gia chưa giàu song thu hút được khách du lịch và môi trường sống rất khá, như những nơi chị bạn tôi đã đi qua và lắng đọng trong từng tấm ảnh. Xứ mình thiệt buồn khi trong nhà và ngoài ngõ chông chênh khác biệt quá, ý thức cộng đồng, vì cái chung còn thấp, người ta chỉ biết sạch nhà mình thôi, ngoài kia dù cách cửa cái một phân cũng mặc!

Khác biệt ấy không vui. Chừng nào ngoài ngõ cũng được chung tay lo như trong nhà, chừng ấy dù vẫn còn nghèo khó nhưng không hổ với khách du lịch và không còn sốc khi xuất ngoại về, như chị bạn tôi.

Mong thay...

Bạc Liêu, 03/02/2017

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG