Lúc Vitalii Khroniuk nằm úp mặt xuống đất để tránh hỏa lực pháo binh Nga, người lính Ukraine này chỉ có một điều hối tiếc là chưa từng có con.
Biết rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào, chàng trai 29 tuổi quyết định thử phương pháp bảo quản tinh trùng, tức quá trình đông lạnh tinh trùng hoặc trứng mà một số binh sĩ Ukraine đang áp dụng khi đối mặt với khả năng họ có thể không bao giờ trở về nhà.
Anh Khroniuk, người đã nhanh chóng tham gia vào nỗ lực chiến tranh mà không cần nghĩ đến tương lai của mình, khi Nga xâm lược Ukraine gần một năm trước, nói: “Chết không đáng sợ, nhưng thật đáng sợ khi bạn không để lại con nối dõi.”
Trong một kỳ nghỉ vào tháng 1, anh và người phối ngẫu của mình đã đến một bệnh viện tư nhân ở Kyiv, IVMED, nơi miễn giảm 55 đô la chi phí đông lạnh tinh trùng cho binh lính. Bác sĩ trưởng Halyna Strelko cho biết bệnh viện đã có khoảng 100 binh sĩ cho đông lạnh tinh trùng kể từ sau cuộc xâm lược. Các dịch vụ thụ thai được hỗ trợ hiện có giá từ 800 đến 3.500 đô la.
“Chúng tôi không biết làm thế nào khác để giúp đỡ. Chúng tôi chỉ có thể tạo ra những đứa trẻ hoặc giúp tạo ra chúng. Chúng tôi không có vũ khí, chúng tôi không thể chiến đấu, nhưng những gì chúng tôi làm cũng rất quan trọng,” bác sĩ Strelko nói. Bệnh viện của bà phải đóng cửa trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến khi Kyivv bị tấn công nhưng đã mở cửa trở lại sau khi quân đội Nga rút khỏi khu vực này.
Khi anh Khroniuk nói với người phối ngẫu của mình, Anna Sokurenko, 24 tuổi, về những gì anh ấy muốn làm, ban đầu cô ấy không chắc lắm.
“Thật đau đớn khi nhận ra rằng có khả năng anh ấy sẽ không trở lại,” Sokurenko nói và cho biết thêm rằng cô đã mất một đêm suy nghĩ để đồng ý.
Cô và anh Khroniuk đã nói chuyện với hãng tin AP khi đang ngồi tại phòng khám, nơi có những tấm áp phích về những đứa trẻ đang cười, trong đó có một tấm có nội dung: “Tương lai của bạn được bảo vệ an toàn,” treo ở hành lang. Phòng thí nghiệm của bệnh viện có nguồn điện dự phòng riêng, hoạt động trong thời gian mất điện thường xuyên do các cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga làm hỏng cơ sở hạ tầng điện.
Bác sĩ Strelko, người đã hoạt động trong lĩnh vực sinh sản từ năm 1998, cho biết dịch vụ mà bà đang cung cấp cho binh lính hiện nay đặc biệt quan trọng, nhắc đến “một phần rất khốc liệt của cuộc chiến này với những tổn thất lớn”.
Các lực lượng Nga đã đẩy mạnh tiến công vào thành phố Bakhmut phía đông bằng các cuộc pháo kích và tấn công dữ dội được cho là đã gây tổn thất lớn về quân số cho cả Ukraine và Nga. Không bên nào nói có bao nhiêu người đã chết.
Cô Sokurenko và anh Khroniuk kết hôn vài ngày sau chuyến thăm bệnh viện, và anh hiện đang chiến đấu ở vùng Chernihiv gần biên giới. Cô tin rằng cơ hội có con, ngay cả sau khi người bạn đời bị giết trong chiến tranh, có thể xoa dịu nỗi đau mất mát sâu sắc.
Cô Nataliia Kyrkach-Antonenko, 37 tuổi, mang thai khi đến thăm chồng ở một thị trấn tiền tuyến vài tháng trước khi chồng tử trận. Chồng cô, Vitalii, về nhà ở Kyiv trong một kỳ nghỉ ngắn 10 ngày trước khi anh qua đời vào tháng 11 và được thấy siêu âm đứa con gái chưa chào đời của anh. Anh ấy cũng đã đến một bệnh viện sinh sản để đông lạnh tinh trùng của mình.
Cô Kyrkach-Antonenko hy vọng cuối cùng sẽ có một đứa con khác nhờ tinh trùng đó. Cô nói rằng có thể có những đứa con của người chồng quá cố “là một sự hỗ trợ đáng kinh ngạc.”
Cô nói: “Chúng tôi đã yêu nhau vô cùng bền chặt trong 18 năm.”
Cô cũng coi bảo quản đông lạnh tinh trùng là một cuộc chiến vì tương lai của đất nước.
“Cha của các đứa trẻ đã làm mọi thứ có thể để biến tương lai này thành hiện thực. Bây giờ đến lượt chúng ta, với tư cách là phụ nữ đấu tranh cho tương lai của Ukraine, nâng cao phẩm giá con người. Những người có thể tiếp tục thay đổi đất nước tốt đẹp hơn,” cô nói.
Một cặp vợ chồng khác đến bệnh viện IVMED vào tháng 12 là Oles và Iryna.
Anh Oles ở khu vực Donetsk, nơi một số thành phố đã bị biến thành địa ngục do những trận chiến khốc liệt trong những tháng qua và coi việc bảo quản lạnh là một biện pháp đảm bảo.
Cô Iryna dành cả đêm một mình trong căn hộ của họ ở ngoại ô Kyiv, trằn trọc giữa lo lắng cho chồng khi anh chiến đấu ở khu vực khốc liệt và nguy hiểm nhất của tiền tuyến phía đông và nhiều lần đến bệnh viện nơi cô đang cố gắng thụ thai.
“Vâng, đây là một cuộc sống khó khăn, với những lo toan, dồn dập, với sự lo lắng thường trực cho người thân. Nhưng đồng thời, cái gì tới thì sẽ tới,” cô nói. “Làm cha mẹ bây giờ tốt hơn là trì hoãn cho đến khi bạn không thể có con được nữa.”
Cô nói: “Gia đình là những gì sẽ nắm giữ đất nước của chúng ta, và trẻ em là tương lai của chúng ta. “Chúng tôi chiến đấu vì chúng.”
Diễn đàn