Bùi Văn Phú
Hôm 20/1/18 vừa qua, tại nhiều thành phố Mỹ đã có hằng trăm nghìn người tham gia cuộc xuống đường có tên “Women’s March” – Ngày Phụ nữ Tuần hành. Sự kiện này được khởi xướng khi Donald Trump được bầu chọn làm lãnh đạo Hoa Kỳ.
Năm ngoái, một ngày sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống đã có “Ngày Phụ nữ Tuần hành” đầu tiên tại Thủ đô Washington với gần nửa triệu người tham gia. Nhiều nơi khác trên nước Mỹ phụ nữ cũng đã xuống đường với mũ nón mầu hồng, biển chữ, biểu ngữ cũng hồng là sắc mầu tranh đấu của phụ nữ Mỹ hiện nay.
Bực tức với một lãnh đạo ăn nói bỗ bã, khinh miệt phụ nữ, quá khứ có những hành động, lời nói xàm sỡ nên nhiều phụ nữ đã lên tiếng phản đối và còn muốn Tổng thống Trump chết đi. Diễn viên Meryl Streep coi Trump là kẻ hay bắt nạt người khác. Ca sĩ danh tiếng Madonna muốn cho Bạch Ốc nổ tung. Kathy Griffin của đài CNN đưa ra tấm hình bà đang cầm một mặt nạ trông giống đầu của Trump bị chặt và đang chảy máu.
Tuy nhiên một số hành động quá khích chống Trump không được chấp nhận. Sau phát biểu muốn cho nổ tung Bạch Ốc, Madonna đã lên tiếng nhận lỗi rằng lời nói như thế của cô không thích hợp. Còn bà Griffin bị CNN cho thôi việc vì hành động của bà.
Năm nay “Ngày Phụ nữ Tuần hành” được tái diễn ngày 20/1/18 trong tình cảnh với những tố cáo đưa ra năm qua là nhiều phụ nữ đã bị lạm dụng, xách nhiều tình dục từ chính trường liên bang, tiểu bang qua đến phim trường điện ảnh.
Vua phim ảnh Harvey Weinstein bị cả chục phụ nữ cáo buộc đã bị ông sờ mó, ép buộc quan hệ tình dục nên ông bị mất hết các chức vụ liên quan đến điện ảnh và phim trường.
Trong chính trường, vì những hành động xàm sỡ hay xách nhiễu phụ nữ cũng đã khiến Thượng Nghị sĩ Al Franken (Dân chủ, MN), Dân biểu John Conyers (Dân chủ, MI) và Dân biểu Trent Franks (Cộng hòa, AZ) phải từ chức. Sự kiện lạm dụng phụ nữ cũng đã đưa đến thất bại trong cuộc tranh cử vào thượng viện của ứng viên Roy Moore tại bang Alabama.
Từ California, Texas qua New York, Florida có đến hơn ba chục dân cử tiểu bang từ chức vì những hành vi không tôn trọng hay thiếu đạo đức đối với phụ nữ.
Trước tình hình đó, phong trào #MeToo ra đời với mục đích vận động phụ nữ mạnh dạn lên tiếng tố giác đàn ông dê sồm. Phong trào đã được tuần báo TIME chọn là “Person of the Year” cho năm 2017.
Phong trào lên cao khi nữ hoàng truyền trình Oprah Winfrey trong buổi lễ trao giải “Golden Globes” đầu năm nay có bài diễn thuyết nhấn mạnh đến nữ quyền được nhiều người tán thưởng. Ngay sau đó có những gợi ý là bà có thể trở thành ứng viên tổng thống, nhưng bà không có ý định theo đuổi con đường chính trị. Điều này cho thấy Đảng Dân chủ đang cần tìm một ứng viên sáng giá, có thể lại là một phụ nữ, ra tranh cử tổng thống năm 2020.
Với Đảng Cộng hòa nắm cả quốc hội và Bạch Ốc, trước mắt thì Đảng Dân chủ đang có những kế hoạch để chiếm lại đa số tại Hạ viện trong kỳ bầu cử tháng 11 tới và nhiều phụ nữ đã được đảng ủng hộ ra tranh cử.
Nói về sự tham gia chính trường của phụ nữ Mỹ, Hoa Kỳ còn thua kém nhiều quốc gia.
Dân Mỹ chưa bao giờ bầu chọn một phụ nữ lên làm lãnh đạo. Năm 2008 tưởng như Hillary Clinton được Đảng Dân chủ đề cử, nhưng đảng đã chọn ứng viên da đen Barack Obama.
Năm 2016 Đảng Dân chủ đề cử Hillary Clinton, tưởng chắc sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ nhưng bất ngờ thua Donald Trump, tuy đa số cử tri phái nữ ủng hộ Clinton, với 54%, Trump 42%. Phụ nữ da trắng có trình độ đại học cũng bầu cho Clinton, với 64%, theo một thăm dò sau bầu cử của Edison National Election Polls.
Trước Hillary Clinton, bầu cử năm 1984 có ứng viên phó tổng thống Geraldine Ferraro, đứng chung với ứng viên tổng thống dân chủ Walter Mondale. Năm 2008 có Sarah Palin đứng phó cho ứng viên tổng thống cộng hòa John McCain. Cả hai liên danh với phụ nữ là phó tổng thống khi đó đã không thể chiến thắng. Những phân tích hậu bầu cử cho thấy yếu tố nữ không làm thay đổi lựa chọn của cử tri, có khi còn gây bất lợi. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Brendan Nyhan từ Đại học Stanford, bà Sarah Palin đã làm mất đi 1.6% số phiếu cho liên danh McCain-Palin trong bầu cử 2008.
Dân Mỹ dường như chưa sẵn sàng để chọn một phụ nữ làm lãnh đạo. So với nhiều quốc gia khác thì Hoa Kỳ đã đi sau khá lâu.
Đầu thập niên 1980 nước Anh đã có nữ Thủ tướng Magaret Thatcher và hiện nay có Thủ tướng Theresa May. Nước Đức với đương kim nữ Thủ tướng Angela Merkel. Do Thái đã có bà Golda Meir làm lãnh đạo, Ấn Độ từng có nữ Thủ tướng Indira Gandhi.
Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Nam Hàn ở châu Á hay gần với Hoa Kỳ là Nicaragua, Argentina, Brazil, Chile cũng đã có lãnh đạo quốc gia là phái nữ.
Sự tham gia chính trường của phụ nữ Mỹ vẫn còn thấp. Một khảo sát của World Bank cho thấy số dân cử phái nữ trong quốc hội tại nhiều quốc gia cũng cao hơn Hoa Kỳ, hiện chỉ chiếm 19% trong số 435 dân biểu tại Hạ Viện.
Bên Anh Quốc, trong 650 đại biểu quốc hội có 208 phụ nữ, chiếm 32%. Hà Lan có 36%, Đức 37%, Pháp 39% và Finland đạt 41%.
Láng giềng của Mỹ là Canada có 26% nữ dân biểu, Mexico có 43%. Ở nước đông dân theo Hồi giáo là Indonesia cũng có 20% phụ nữ trong lập pháp. Ngay Việt Nam, số nữ đại hiểu quốc hội cũng chiếm đến một phần ba.
Tại những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ hay Anh quốc, những dân cử phái nữ đa số theo khuynh hướng tự do hơn là bảo thủ.
Trong lập pháp Anh có 119 nữ dân biểu thuộc Đảng Lao Động (Labour Party), trong khi chỉ có 67 theo Đảng Bảo Thủ (Conservative Party). Tại Hạ viện Hoa Kỳ, với 83 nữ dân biểu thì 62 theo Dân chủ, 21 theo Cộng hòa.
Như thế phụ nữ Mỹ có thực sự dẫn đầu thế giới trong phong trào tranh đấu đòi được tôn trọng, được bình quyền, bình đẳng hay không mà khi trong chính trường, nơi làm ra những chính sách có ảnh hưởng đến phụ nữ và toàn dân lại có ít phụ nữ.
Nửa thế kỷ trước Quốc hội Mỹ có hơn chục phụ nữ, chiếm chừng 5%. Ngày nay tại cả hai viện quốc hội, con số này là 104, chiếm 19.4%, vẫn là con số khiêm nhường so với chính trường ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đảng Dân chủ Mỹ đang đứng trước những thử thách lớn trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay. Sau hai lần xuống đường tuần hành phản đối những chính sách của Tổng thống Trump, nhiều phụ nữ đã dấn thân vào chính trị bằng cách ra tranh cử.
Phụ nữ Mỹ đã có tổ chức chính trị vận động hành lang mang tên National Organization for Women (NOW) được thành lập từ năm 1966 và hiện có văn phòng ở khắp mọi tiểu bang. Qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, NOW có những tranh đấu cho nữ quyền nhưng khuynh hướng chính trị của tổ chức này nghiêng theo và ủng hộ Đảng Dân Chủ.
Một trong những mục tiêu lâu dài của NOW là vận động quốc hội ban hành Equal Rights Amendment (Tu Chính án về bình quyền), cho phụ nữ được bình quyền với nam giới về mọi mặt, từ công việc, lương bổng đến các quyền. Đến nay tu chính án vẫn chưa được phê chuẩn.
Qua nửa thế kỷ hoạt động, NOW chưa làm thay đổi được nhiều về nhân sự, chưa đưa được nhiều phụ nữ vào quốc hội Mỹ, cho tới gần đỉnh điểm quân bình là 50% dân cử phái nữ. Đó là thất bại của phụ nữ Mỹ nói chung.
Với một tổng thống khinh miệt những phụ nữ không đồng quan điểm với mình, gọi đối thủ, cựu ngoại trưởng và ứng viên tổng thống là “Crooked Hillary”, có lời nói khiếm nhã với người dẫn chương trình hội luận truyền hình Megyn Kelly thì đã đến lúc phụ nữ cần xuống đường, tham gia bầu cử và ứng cử nhiều hơn.
“Chị em ơi hãy vùng lên”. Đợt này nếu phụ nữ Mỹ không làm thay đổi được cục diện chính trị Hoa Kỳ, nơi nam giới đã chủ động từ bao năm qua thì không biết đến bao giờ mới có được bình đẳng, bình quyền cho giới tính.