Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh bị chỉ trích vì không lên án một bộ luật mới của Việt Nam vừa được đưa ra nhằm ngăn cấm những chỉ trích chính trị trên internet, theo báo The Guardian của Anh. Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực 24 giờ trước khi vị bộ trưởng này đặt chân tới Việt Nam hôm 2/1.
Quốc vụ khanh phụ trách về châu Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Anh, Mark Field, viết trên Twitter vào sáng đầu tiên ở Việt Nam rằng “Tự do báo chí và Tự do internet giúp cho kinh tế phát triển” và “Tự do truyền thông sẽ giúp Việt Nam thực hiện được tiềm năng to lớn của mình.”
Ông Field, trong một bài viết riêng cho báo Tuổi Trẻ ra ngày 2/1, còn cho biết rằng sau khi rời EU, Anh sẽ “thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam” trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh mạng.
Theo The Guardian, an ninh mạng là một ngành xuất khẩu của Anh mà chính phủ nước này đã nhắm mục tiêu để phát triển. London đã thông qua các hoạt động bán thiết bị chặn mạng viễn thông trị giá gần 5 triệu bảng Anh cho Việt Nam kể từ năm 2015 tới nay.
Đáp lại bình luận của Quốc vụ khanh Anh, ông Phil Robertson, Giám đốc châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói rằng thực sự không có một cơ sở nào để có thể nói Việt Nam sẽ chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận và xã hội dân sự, theo The Guardian.
“Thực tế là tự do báo chí không tồn tại ở Việt Nam bởi vì chính phủ quản lý mọi cơ quan truyền thông ở đó,” ông Robertson được tờ báo Anh trích lời nói. “Cho tới lúc này truyền thông xã hội là nơi cho tự do báo chí nhưng chính phủ Việt Nam giờ đây đưa ra bộ luật an ninh mạng hà khắc có thể được dùng như là một công cụ cần có để dập tắt những thảo luận trên mạng và truy tố người dân vì những gì họ nói.”
Luật An ninh mạng của Việt Nam, được thông qua vào giữa tháng 6/2018 bất chấp phản đối từ công chúng, bắt đầu có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm nay. Bộ luật hà khắc này bị nhiều chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quyền chỉ trích. Họ cho rằng luật này sẽ được nhà cầm quyền sử dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và ngăn cản tự do ngôn luận trên mạng.
Theo Văn phòng Quốc vụ khanh thuộc Bộ Ngoại giao Anh, ông Field đã nêu vấn đề về tự do truyền thông, bao gồm những mối quan ngại về bộ luật mới với các đối tác Việt Nam hôm 2/1. Tờ The Guardian trích nguồn tin của văn phòng này cho biết ông Field cũng đã triệu tập những chuyên gia về tự do truyền thông và các nhà tranh đấu ở Hà Nội để thảo luận vấn đề này trong cùng ngày. Văn phòng này nói rằng dòng tweet của ông Field được đưa ra cùng với sự kiện này và ý muốn nói là Việt Nam phải có tự do truyền thông để có thể thực hiện được những tiềm năng to lớn của mình.
Trong năm 2018, gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng đề nghị chính phủ Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi luật An ninh mạng trước khi nó có hiệu lực. Hồi tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố trên khắp nước để phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo luật về đặc khu kinh tế. Đến tháng 11, có ít nhất là 127 người bị xử có tội vì tham gia biểu tình. Các mức án dao động từ vài tháng tù treo cho đến năm năm tù giam.
Bất chấp tình hình nhân quyền ở Việt Nam, các quan chức Anh coi Việt Nam là một khách hàng tiềm năng về quân sự và công nghệ an ninh của Anh, theo The Guardian. Anh đã thông qua các thương vụ bán vũ khí và công nghệ lưỡng dụng trị giá 77 triệu bảng Anh kể từ khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền ở quốc gia này vào tháng 5/2015.
Theo Tuổi Trẻ, Quốc vụ khanh của Bộ Ngoại giao Anh cho biết hôm 3/1 rằng quốc gia này còn muốn đạt được một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch, Robertson, kêu gọi chính phủ Anh hãy “công khai đòi Việt Nam hủy Luật An ninh mạng, đồng thời đảm bảo là không có một chương trình nào của chính phủ Anh, hoặc đầu tư nước ngoài nào tạo điều kiện cho các vụ đàn áp.”