Đường dẫn truy cập

Quốc tế phản ứng về việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ


Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva.
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Việt Nam ngày 12/11 thắng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc giữa lúc những tai tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội không ngừng leo thang.

Tại cuộc biểu quyết hôm qua, Việt Nam lần đầu tiên được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc khóa 68 chọn là một trong số 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với 184/193 quốc gia bỏ phiếu tán thành.

Cùng bước vào nhiệm kỳ 3 năm tại Hội đồng với Việt Nam còn có những nước lâu nay cũng bị quốc tế lên án về thành tích nhân quyền như Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê-út, hay Cuba.

Chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện đàn áp hơn nữa một khi đã lọt được vào Hội đồng...
Bà Julie Gromellon, Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH).
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York cho rằng với thành tích nhân quyền tệ hại, Việt Nam không thể trở thành một thành viên hữu ích trong Hội đồng.

Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch, ông Phil Robertson nói với VOA Việt ngữ:

“Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đóng một vai trò như một thành viên tiêu cực trong Hội đồng và bênh vực cho các chính phủ bị Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tố cáo là vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng Hà Nội sẽ chứng minh rằng tôi sai. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi chính sách nhân quyền bởi vì họ gia nhập vào Hội đồng.”

Human Rights Watch cũng bất bình trước thể lệ Việt Nam được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong một ‘cuộc thi’ mà các ứng viên không phải cạnh tranh.

Ông Phil Robertson tiếp lời:

“Sau khi Jordan rút lui, chỉ còn 4 nước trong khu vực cho 4 ghế ở Hội đồng và như vậy hoàn toàn không có một cuộc chọn lựa mang tính cạnh tranh. Với sự ủng hộ của ASEAN, Việt Nam được hậu thuẫn mạnh mẽ. Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ với chiến dịch leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Điều này chứng tỏ các yêu cầu cơ bản quy định các nước thành viên trong Hội đồng phải có thành tích bảo vệ nhân quyền và hợp tác với thế giới trong lĩnh vực nhân quyền, các tiêu chí ấy, đã không được tôn trọng."

Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ với chiến dịch leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Ông Phil Robertson, Human Rights Watch.
Human Rights Watch nói các nước cần phải cho Việt Nam hiểu rõ rằng đã là một thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam có nghĩa vụ cải thiện nhân quyền, cụ thể nhất là phải phóng thích tù nhân lương tâm, hủy bỏ những điều luật mơ hồ trấn áp quyền tự do ngôn luận của công dân như 258, 79, 88 trong Bộ Luật Hình sự.

Phó Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch:

“Việt Nam giờ đây phải chứng tỏ cho quốc tế thấy rằng họ xứng đáng với chiếc ghế trong Hội đồng và tôn trọng các luật lệ quy ước của Hội đồng bằng những bước cải thiện nhân quyền thật cụ thể.”

Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) gồm 178 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới tỏ ra hoài nghi về khả năng cải thiện nhân quyền của Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hà Nội có được ghế tại Hội đồng Nhấn quyền Liên hiệp quốc.

Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneva phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Việt Nam đã không chứng tỏ những cam kết cải thiện nhân quyền trước khi trở thành thành viên của Hội đồng. Cho nên, chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện đàn áp hơn nữa một khi đã lọt được vào Hội đồng. Tôi không nghĩ thực trạng nhân quyền Việt Nam sẽ sớm có những thay đổi.”

Bà Gromellon kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực để buộc Việt Nam trong tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền phải cải thiện chính thành tích nhân quyền của mình trước khi nói tới chuyện tham gia bảo vệ hay kêu gọi các nước khác bảo đảm nhân quyền.

Sự tiêu cực và nghịch lý khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đối với chúng tôi lại là một điều tích cực... bây giờ đã ngồi trong Hội đồng theo nguyên tắc không thể nào đàn áp nhân quyền như Việt Nam đã đàn áp từ trước tới nay...
Ông Võ Văn Ái, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam.
Tổ chức UN Watch có trụ sở ở Geneva, cơ quan theo dõi các hoạt động toàn diện của Liên Hiệp Quốc, nói kết nạp các quốc gia vi phạm nhân quyền có tiếng như Việt Nam, Trung Quốc làm thành viên Hội đồng Nhân quyền chẳng khác nào cho ‘kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu sở cứu hỏa’.

Tuy nhiên, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Pháp cho rằng để Hà Nội gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cũng có thể có tác dụng ‘tích cực’.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban:

“Sự tiêu cực và nghịch lý khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đối với chúng tôi lại là một điều tích cực. Tích cực ở chỗ rằng bây giờ một quốc gia đã ngồi trong Hội đồng theo nguyên tắc không thể nào đàn áp nhân quyền như Việt Nam đã đàn áp từ trước tới nay, nhất là trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Thành ra, nếu có một sự kiện đàn áp trong nước thì các tổ chức phi chính phủ đều có thể nói thẳng lên cho dư luận, công luận thế giới biết rằng một quốc gia ngồi trong Hội đồng Nhân quyền mà lại đi đàn áp nhân quyền.”

Truyền thông nhà nước dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tuyên bố việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền với tỷ lệ cao là sự ghi nhận của quốc tế đối với các thành tựu gần đây của Hà Nội trong việc thực thi các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của công dân.
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:54 0:00
Tải xuống
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam nói đây không phải là lần đầu tiên các nước bị xem là ‘đao phủ nhân quyền’ lại được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Ông Võ Văn Ái cho biết từ khi bắt đầu hoạt động tại Hội đồng Nhân quyền năm 1986 tới nay, ông chứng kiến nhiều nước vi phạm nhân quyền hay phản nhân quyền chiếm được ghế thành viên trong Hội đồng này.

Tất cả 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 1/1/2014.

Hội đồng gồm 47 nước đại diện cho tất cả các khu vực là cơ quan chủ chốt và quan trọng nhất của Liên hiệp quốc trong việc thăng tiến và bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Truyền hình vệ tinh VOA Asia 12/11/2013
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG