Đường dẫn truy cập

Quốc hội Mỹ thương thảo về mức trần nợ, mở cửa lại chính phủ


Biểu tình yêu cầu Quốc hội nhanh chóng mở cửa lại cơ quan chính phủ.
Biểu tình yêu cầu Quốc hội nhanh chóng mở cửa lại cơ quan chính phủ.
Các nhà lãnh đạo Hạ Viện và Thượng Viện đang thương thảo về những kế hoạch để mở cửa lại chính phủ và ngăn ngừa trường hợp không trả đúng hạn các món nợ của Hoa Kỳ có thể đem tới tác dụng tai hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng Hòa nói rằng Hạ Viện dự trù bỏ phiếu về một dự luật vào ngày thứ Ba để sẽ mở cửa lại chính phủ và tránh một vụ không làm tròn nghĩa vụ tài chánh, nhưng Tòa Bạch Ốc và các nhà lãnh đạo Hạ Viện thuộc Đảng Dân Chủ đã bác bỏ kế hoạch đó ngay tức khắc.

Dự luật này và một dự luật khác được đề nghị tại Thượng Viện sẽ tài trợ cho chính phủ trong ba tháng, “tới ngày 15 tháng Giêng” và nâng giới hạn vay nợ của chính phủ cho gần bốn tháng “qua tới mùng 7 tháng Hai”.

Kế hoạch của Hạ Viện yêu cầu có hai nhượng bộ về đạo luật mới cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ. Những yêu cầu này bao gồm việc hoãn lại hai năm một sắc thuế về thiết bị y khoa và việc loại bỏ trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, cũng như các giới chức trong nội các và các thành viên quốc hội.

Ông Obama đã khước từ thương thảo về các cải tổ đạo luật chăm sóc sức khỏe thường được biết tới với tên gọi “Obamacare.”

Các nhà lập pháp nói rằng Thượng Viện có thể sẽ không kết thúc kế hoạch của họ cho tới thứ Tư, gần với kỳ hạn chót là thứ Năm, khi Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đã nói rằng họ sẽ đạt được giới hạn vay nợ và nguy cơ không trả được nợ đúng hạn.

Hôm thứ Ba, các nhà lãnh đạo Hạ Viện nói rằng, sẽ không thể có đối xử đặc biệt cho bất cứ ai dưới đạo luật chăm sóc sức khỏe. Lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện Nancy Pelosi gọi kế hoạch của Đảng Cộng Hòa là “phá hoại bất cứ nỗ lực nào để tiến tới.”

Nếu mức trần vay nợ không được nâng lên trong ngày thứ Năm, Hoa Kỳ Hoa Kỳ có thể không trả được tất cả các món nợ của họ. Hiện không rõ liệu Hạ Viện có thể đáp ứng được kỳ hạn chót hay không, ngay cả trong trường hợp các nhà lãnh đạo đạt được một thỏa thuận tại Thượng Viện. Những người bảo thủ cứng rắn như ông Ted Cruz thuộc Đảng Cộng Hòa đại diện tiểu bang Texas có thể gây chậm trễ trong một cuộc bỏ phiếu cuối cùng.

Hôm thứ Ba, chủ tịch Hạ Viện John Boehner nói rằng Hoa Kỳ sẽ không rơi vào trường hợp không làm tròn nghĩa vụ tài chánh. Ông Boehner nói:

“Có nhiều ý kiến về việc đi theo chiều hướng nào, hiện chưa có những quyết định về những gì chính xác chúng tôi sẽ làm. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các thành viên của cả hai phía để tìm cách biết chắc rằng sẽ không có vấn đề không trả được nợ và để chính phủ của chúng ta mở cửa lại.”

Bất cứ thỏa thuận nào cũng phải được chấp thuận bởi toàn bộ Hạ Viện và thành viên trước khi có thể được ký bởi Tổng thống Obama.

VOA Express

XS
SM
MD
LG