Đường dẫn truy cập

Nền dân chủ Hoa Kỳ bị thử thách, vẫn vững như bàn thạch


Vệ binh quốc gia trong tòa nhà Quốc Hội, Washington, 11 tháng Giêng.
Vệ binh quốc gia trong tòa nhà Quốc Hội, Washington, 11 tháng Giêng.

Thiện Ý


Cuộc biểu tình quy mô lớn của hàng trăm ngàn người dân Hoa Kỳ ngày 6-1-2021 ở thủ đô Washington đã biến thành bạo động, khi họ kéo đến trụ sở quốc hội ở đồi Capitol; nơi đang diễn ra cuộc họp lưỡng viện quốc hội để thông qua các phiếu bầu cử tri đoàn toàn quốc và công bố kết quả bầu cử, ai đã đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa kỳ, theo đúng thủ tục hiến định và luật định.

I - Diễn biến thử thách

Đoàn biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người từ nhiều tiểu bang kéo về theo hiệu triệu của ứng viên tổng thống Cộng Hòa đương nhiệm Donald Trump. Họ tập trung tại một địa điểm không xa tòa nhà quốc hội liên bang, với rừng cờ, biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu hậu thuẫn ứng viên tổng thống Cộng Hòa, tố cáo bầu cử gian lận và phủ nhận kết quả bầu cử mà lưỡng viện quốc hội đang họp để thông qua và công bố kết quả chính thức.

Vì thế đoàn biểu tình đã nồng nhiệt chào đón ứng viên tổng thống Donald Trump khi xuất hiện trên khán đài lộ thiên nơi biểu tình và nghe Ông nhắc lại lý do phủ nhận kết quả bầu cử vì có gian lận bầu cử. Một sự gian lận mà tổng thống Trump đánh giá là tồi tệ chưa từng có, đánh cắp hàng triệu phiếu bầu của ông cho ứng viên Dân Chủ Joe Biden. Vì thế Ông kêu gọi đoàn biểu tình hãy kéo đến trụ sở quốc hội để hậu thuẫn cho các nghị sĩ dân biểu đồng quan điểm đang họp để phủ nhận kết quả bầu cử ở các tiểu bang ông thua phiếu bầu cử tri vì có gian lận. Ông nói cũng sẽ có mặt với họ ở đó, nhưng sau đó không biết vì lý do gì ứng viên tổng thống Trump đã lên xe trở về Nhà Trắng, thay vì đến tham dự với đoàn biểu tình ngoài tòa nhà quốc hội liên bang.

Sau lời kêu gọi của ứng viên tổng thống Donald Trump, đoàn biểu tình kéo đến trụ sở quốc hội cách địa điểm biểu tình không xa. Lúc đầu, đoàn biểu tình vẫn tuần hành và tụ tập trước trụ sở quốc hội một cách ôn hòa, thể hiện quyền biểu tình theo đúng luật định.

Thế nhưng vào khoảng 4 giờ chiều (giờ Washsington) ngày 6-1-2020, cuộc họp lưỡng viện bên trong, Phó tổng thống đương nhiệm làm nhiệm vụ theo thủ tục hiến định, bắt đầu tuyên đọc các phiếu cử tri đoàn của các tiểu bang bầu cho ứng viên tổng thống nào theo đúng kết quả bầu phiếu của cử tri đoàn mỗi tiểu bang. Điều này trái với mong đợi của ứng viên tổng thống Donald Trump và khoảng 75 triệu cử tri đã bầu cho ông và đoàn biểu tình nói riêng. Nỗ lực cuối cùng của người biểu tình là tạo áp lực quần chúng hỗ trợ cho một số nghị sĩ dân biểu đồng minh đang họp bên trong “lật kèo kết quả bầu cử” bằng quyền hiến định. Nhưng nay diễn tiến kiểm nhận và công bố kết quả bầu cử theo đúng thủ tục hiến định đang theo chiều hướng kết quả sau cùng phù hợp với kết quả từng được giới truyền thông công bố: ứng viên đắc cử với 306 phiếu bầu cử tri đoàn, với hơn 81 triệu phiếu bầu cử tri sẽ là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ; so với kết quả 232 phiếu bầu cử tri đoàn, với khoảng 75 triếu bầu cử tri của ứng viên Donald Trump. Vì thế, một số người biểu tình đã vượt hàng rào an ninh, kéo theo hàng ngàn người biểu tình tràn vào bên trong tòa nhà nhằm phản đối và ngăn chặn các nghị sĩ và dân biểu lưỡng viện quốc hội đang họp để thông qua kết quả phiếu bầu của các cử tri đoàn toàn quốc và công bố ai sẽ đắc cử Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 2020-2024.

Một số phần tử quá khích đã đạp đổ hàng rao an ninh, tấn công nhân viên công lực và đập phá cửa kính, xâm nhập vào tận bên trong phòng họp chung của Quốc hội và phòng làm việc của các chuyên viên, nhân viên hành chánh. Rất may là các vị dân cử và các chuyên viên, nhân viên hành chánh phục vụ trong quốc hội đã kịp di tản đến nơi an toàn trong tòa nhà phức hợp, đã có hàng trăm năm tuổi; nơi đặt trụ sở của cơ quan lập pháp cao nhất và là biểu tượng thiêng liêng của nền dân chủ Hoa Kỳ..

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ quậy phá của các phần tử cực đoan trong đoàn người xâm nhập, trật tự được vãn hồi; nhờ lực lượng cảnh sát an ninh cho tòa nhà quốc hội được tăng cường hỗ trợ của vệ binh quốc gia và sự trợ giúp của cảnh sát, mật vụ vùng lân cận. Theo tin truyền thông sơ khởi, đã có một phụ nữ tuyến đầu xâm nhập bị chết vì trúng đạn của lực lượng an ninh từ bên trong bắn ra, ba người khác chết vì dị ứng khói cay và môi trường đông người chen lấn. Về phía lực lượng an ninh bảo vệ quốc hội cũng có một số người bị thương và hai người bị chết sau đó vì vết thương quá nặng.

Cảnh tượng hàng ngàn người biểu tình xâm nhập vào tòa nhà quốc hội, quậy phá gây cảnh tan hoang đã tạo kinh hoàng, bất bình, phẫn nộ trong nhân dân Hoa Kỳ, sự kinh ngạc của công luận thế giới và là cơ hội cho các chế độ độc tài mỉa mai, diễu cợt. Bởi vì, không ai ngờ được, cảnh tượng như thế lại có thể xảy ra ở nơi tôn nghiêm, được dân chúng Hoa Kỳ coi là biểu tượng uy quyền quốc gia và tính ưu việt của nền dân chủ Hoa Kỳ từng được thế giới ngưỡng phục, tôn vinh.

Nhìn quang cảnh biểu tình biến thành bạo loạn, chúng tôi liên tưởng đến luận điểm cộng sản Marxist-Leninnist về đấu tranh giành chính quyền.

Luận điểm rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Cuộc cách mạng giành chính quyền của quần chúng nhân dân nhất định thắng lợi, khi nổ ra trong tình thế cách mạng chín muồi. Thực tế những người cộng sản Nga đã vận dụng sức mạnh quần chúng làm cuộc cách mạng cướp được chính quyền Nga hoàng, thiết lập chế độ cộng sản Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-Viết (1917). Rồi thì vào năm 1991, sau 74 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa thất bại, những người cộng sản Bolsevick Nga phản tỉnh đã lại dùng sức mạnh quần chúng bao vây viện Duma (quốc hội Liên Xô) lật đổ được chế độ độc tài XHCN, dân chủ hóa đất nước. Nhiều người tự hỏi, không rõ những người tổ chức biểu tình biến thành bạo động tấn công vào quốc hội liên bang Hoa Kỳ hôm 6-1-2020 có mang ý đồ cướp chính quyền theo kiểu cộng sản hay không? Liệu các cuộc điều tra hậu biểu tình bạo loạn để quy trách cho các kẻ chủ mưu có quan tâm đến nghi ngờ này?

Nhưng có điều, nếu những kẻ chủ mưu biểu tình bạo loạn cướp chính quyền theo kiểu cộng sản, thì thật sai lầm. Vì không bao giờ có được “tình thế cách mạng chín muồi” tại Hoa Kỳ. Vì chế độ dân chủ pháp trị vững mạnh của Hoa Kỳ luôn điều hòa được quyền lợi giữa các giai cấp xã hội sống chung; không bao giờ có tình trạng mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị (tư bản) và các giai cấp bị trị đến tột cùng, không thể điều hòa để trở thành đối kháng (một mất một còn) giữa giai cấp thống trị và bị trị.

Thành ra, có thể khẳng định không sợ sai lầm, rằng qua biến cố đen tối ngày 6-1-2020, không ai mong đợi này, nền dân chủ Hoa Kỳ đã chỉ có thêm một thử thách. Nhưng đây không phải là thử thách lần đầu tiên, cũng chưa phải thử thách cuối cùng. Vì trong quá khứ lịch sử hơn 244 năm lập quốc (1776-2020), nền dân chủ Hoa Kỳ từng bị thử thách nhiều lần. Nhưng đây có lẽ là lần thử thách táo bạo đầy tính mạo hiểm chưa từng có. Tuy nhiên, trên thực tế, một lần nữa đã chứng minh nền dân chủ pháp trị Hoa Kỳ vẫn vững như bàn thạch.

II - Nền dân chủ Hoa Kỳ bị thử thách thế nào?

Nền dân chủ Hoa Kỳ bị thử thách qua tiến trình tranh cử và bầu cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2020-2024.

Thử thách về nguyên tắc sinh hoạt dân chủ đã ổn cố hàng thế kỷ qua, đã trở thành truyền thống bầu cử hài hòa, tốt đẹp của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Đó là nguyên tắc ứng cử, tranh cử và bầu cử tự do, công bằng cho mọi công dân; hoàn toàn khác với các chế độ độc tài hay dân chủ giả hiệu. Các chính trị gia, các chính đảng muốn nắm quyền phải thông qua tranh cử bằng vương đạo. Nghĩa là, dùng lý lẽ và thành tích để chứng minh nhân cách năng lực, tư cách đạo đức, để thuyết phục tìm sự tín nhiệm của đa số cử tri để thắng cử qua phiếu bầu của họ; theo nguyên tắc đa số thắng thiểu số,thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng thiểu số có quyền khiếu nại theo luật bầu cử trước các cơ quan thẩm quyền để bảo lưu quyền lợi, ý kiến của mình. Nếu có lý do chính đáng đủ làm đảo ngược kết quả bầu cử, thiểu số trở thành đa số sẽ thắng cử. Trong hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ trước đây, nguyên tắc sinh hoạt dân chủ đã diễn ra hiệu quả hài hòa đúng theo tiến trình trên.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, bầu cử các chức vụ dân cử như nghị sĩ, dân biểu liên bang cũng như tiểu bang đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp theo đúng hiến định và pháp định. Duy chỉ có bầu cử tổng thống và phó tổng thống nhiệm kỳ 2020-2024 thì gặp thử thách, khi liên danh ứng viên tổng thống và phó tổng thống thất cử không thừa nhận liên danh tổng thống và phó tổng thống thắng cử, với lý do có gian lận bầu cử ở các tiểu bang mà liên danh này thua phiếu liên danh thắng cử. Sự từ chối này là hợp pháp vì là quyền chấp nhận hay không chấp nhận, quyền khiếu tố khiếu nại của công dân, hay của ứng cử viên thất cử theo luật bầu cử. Việc giải quyết các khiếu tố khiếu nại này cũng đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền, theo đúng tiến trình luật định. Vì vậy thử thách này đã được vượt qua để có thêm bằng chứng thực tế về sự vững mạnh của nền dân chủ Hoa Kỳ; mà chúng tôi cụ thể hóa qua hình tượng “vững như bàn thạch”.

Thật vậy, quyền khiếu tố, khiếu nại của công dân, đã được thực hiện qua đội ngũ hùng hậu các luật sư của liên danh thất cử. Họ đã khởi sự trận chiến pháp lý ngay khi có kết quả sơ khởi bầu cử do giới truyền thông đưa ra. Đội ngũ pháp lý này, theo ước tính của giới truyền thông, khởi kiện khoảng 60 vụ kiện lớn nhỏ về gian lận bầu cử trước các cơ quan thẩm quyền là tòa án các cấp tiểu bang, liên bang, tối cao pháp viện tiểu bang cũng như liên bang. Nhưng hầu hết các vụ kiện này đều đã bị Tòa án các cấp tiểu bang và liên bang bác khước. Vì các luật sư của ứng viên Trump đã không đưa ra được bằng chứng khả tín, hội đủ các yếu tố cấu thành tội gian lận bầu cử có tính hệ thống, trên diện rộng, có thể làm thay đổi kết quả bầu cử cục bộ (các phòng phiếu địa phương) hay toàn cuộc (kết quả bầu cử Tiểu bang hay Liên bang).

Qua phán quyết về khiếu tố các vụ kiện, tính độc lập của các tòa án đã được thử thách, và đã cho thấy tính độc lập của hệ thống tòa án. Các phán quyết hầu hết bất lợi cho ứng viên Cộng Hòa là tổng thống đương nhiệm Donald Trump, mặc dầu ông có ưu thế đang nắm quyền, với đa số các thẩm phán, chánh án ngồi xử là đảng viên Cộng Hòa do chính ông bổ nhiệm. Sự thể này cho thấy nguyên tắc tam quyền phân lập (Lập pháp, hành pháp và tư pháp, độc lập song không biệt lập) của nền dân chủ pháp trị Hoa Kỳ thực sự vững mạnh, bền vững và phát huy hiệu quả thực dụng trong sự vận hành, quân bình quyền lực, trong cơ cấu công quyền quốc gia (trái ngược với tam nhiệm phân lập tập quyền trong tay độc đảng hay nhà độc tài).

Chính nhờ sự vững mạnh, bền vững được xây đắp, từng bước củng cố hàng thế kỷ qua, mà nền dân chủ Hoa Kỳ đã vượt qua được mọi thử thách lớn nhỏ, để có vị thế một cường quốc dân chủ hàng đầu, với vai trò lãnh đạo thế giới được thừa nhận ngày nay. Đồng thời, đã trở thành một chế độ dân chủ pháp trị mẫu mực cho nhiều quốc gia noi theo và là ước mơ của nhiều dân tộc trên hành tinh.

III - Sự vững mạnh thực sự của nền dân chủ pháp trị Hoa Kỳ

Cuộc biểu tình ngày 6-1-2020 vừa qua là hợp pháp. Sau đó, đã biến thành bạo động, bạo loạn phi pháp, là thử thách mới nhất, nghiêm trọng nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng thử thách này một lần nữa đã được khắc phục rất nhanh sau khoảng 2 giờ đồng hồ. Quốc hội đã tái họp và đã hoàn thành nhiệm vụ hiến định là thông qua và công bố kết quả bầu cử của các cử tri đoàn toàn quốc. Liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống của đảng Dân Chủ là Joe Biden và Kamala Harris đã đắc cử tổng thống và phó tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Tình hình an ninh chính trị tại thủ đô Washington tái lập rất nhanh, bằng các biện pháp dân chủ pháp trị, không sử dụng bạo lực đàn áp biểu tình bạo loạn như trong các chế độ độc tài, mà vẫn vãn hồi trật tự rất nhanh.

Hiện tại tình hình toàn quốc Hoa Kỳ vẫn ổn định và sinh hoạt bình thường. Nhân dân Hoa Kỳ đang chờ đón liên danh đắc cử Joe Biden và Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021 tới đây. Tất nhiên, cơ quan hành pháp Hoa Kỳ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ chấp pháp với những kẻ chủ mưu hay hành động phạm pháp vượt quá giới hạn của quyền biểu tình biến thành bạo loạn trong ngày 6-1-2020 vừa qua. Việc làm này để thể hiện sức mạnh của nền dân chủ pháp trị Hoa Kỳ trước mọi thử thách bất cứ khi nào, bất cứ từ đâu tới (nội loạn cũng như ngoại xâm).

Thiên Ý

Houston, ngày 11-1-2021

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG