Có lẽ chưa bao giờ Quốc hội Việt Nam được theo dõi kỹ như lúc này, bởi người dân thấy rõ mỗi một động thái của Quốc hội, mặc dù chỉ trong mơ hồ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.
Trong tâm thế đó, khi báo chí loan tin việc Quốc hội biểu quyết về người điều khiển phương tiện giao thông trong lúc máu có nồng độ cồn sẽ bị xử lý ra sao qua hai phương án:
Phương án 1: Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông).
Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Kết quả biểu quyết, chỉ có 44,21% Đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 và có 49,59% Đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2. Do vậy, cả 2 phương án đều không quá bán, tức không được Quốc hội thông qua.
Với kết quả bất ngờ như thế, người dân thật sự bị ‘kích động’ vì nhận ra rằng những người được gọi là Đại biểu nhân dân ấy thật ra không thể đại diện cho họ để bấm những chiếc nút trong nghị trường Quốc hội. Kết quả của hai phương án đều dưới 50% làm cho người dân hỏi nhau: Vậy Quốc hội cho phép uống rượu bia có nồng độ không giới hạn và kết quả này sẽ dẫn đất nước về đâu?
Thật ra, tình trạng uống rượu lái xe gây tai nạn chết người đã đến mức báo động trong vài năm qua. Theo một bài báo của Thanh Niên Online (1) cho biết “Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ TNGT với 8.700 người chết thì chỉ riêng TNGT do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử trong 4 ngày Tết dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do TNGT, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu, nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn”.
Bài báo này cũng chỉ ra từ nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ. Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới.
Người dân chứng kiến không biết bao nhiêu là tai nạn xảy ra do rượu bia mang lại và những hình ảnh ghê rợn ấy phải được phòng ngừa bằng các biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, khi đọc bản tin của báo chí liên quan tới đề tài này, ngay lập tức sự giận dữ bùng vỡ trên mạng xã hội với nhiều ý kiến phản biện của các nhà báo, trí thức, ngay cả những người không quen viết lách cũng đưa ra những nhận xét sát với thực tế cuộc sống.
Quốc hội bị cho là được các nhóm lợi ích lobby để ngăn cản một cách gián tiếp Điều 8, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ-CP về mức xử phạt đối với người điều khiển xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định.
Từ bao lâu nay, người dân biết rất rõ nếu uống rượu lái xe gắn máy mà độ cồn bị CSGT đo được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ cồn vượt quy định bao nhiêu. Riêng người lái các loại xe bốn bánh thì độ cồn là 0 vì vậy chỉ cần một lon bia cũng đủ bị tịch thu bằng lái.
Việc báo chí loan tải các Đại biểu Quốc hội biểu quyết dưới quá bán tức là không thông qua có vẻ như Quốc hội vô ý đạp lên những quy định mà Bộ công an đã thực hiện từ bao lâu nay nhằm ổn định tình trạng an toàn giao thông.
Có vẻ thông tin mà báo chí loan tải thiếu một chi tiết quan trọng khiến cho dư luận liên tục đưa ra những chống đối mạnh mẽ. Phải chăng “Quốc hội biểu quyết về độ cồn trong máu phải tăng hơn hay giảm xuống căn cứ theo quy định 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở như đang hiện hành”?
Nhưng cũng không đúng. Nếu quả thật có sự xem xét lại độ cồn cho hợp lý thì đại biểu nào là tác giả trình dự thảo luật này? Tất cả các bài báo đều không nói đến việc này chỉ chung chung viết rằng: “Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp cuối năm 2018, dự kiến thông qua ngày 14-6. Tuy nhiên, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo Luật.”
Và quá trình thảo luận ấy bị kẹt lại mà người dân không hiểu nguyên nhân, chỉ biết là Quốc hội không chịu thông qua mà thôi.
Không lẽ Quốc hội chơi trò cút bắt với người dân để đến khi họ mỏi mệt rã rời thì nhóm lợi ích nào đó ngồi đếm thành quả mà họ đã bỏ công vận động trong nhiều tháng trời qua?
Ngay sau phiên biểu quyết, bà Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phấn khởi cho rằng con số hơn phân nửa chống đối chứng tỏ tình trạng dân chủ trong nghị trường đã tiến tới một tầm cao mới. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với nhận xét này và họ cho rằng sở dĩ đại biểu bỏ phiếu chống vì họ rất mơ hồ về khái niệm độ nguy hiểm của rượu bia tác động tới người dân.
Có người như TS Nguyễn Ngọc Chu thẳng thừng cho rằng “Một nghị quyết của Quốc hội là sáng suốt chỉ khi các Đại biểu Quốc hội sáng suốt. Một nghị viện gồm các nghị sĩ dân trí thấp không bao giờ cho ra các quyết định sáng suốt. Cho nên muốn Quốc hội hoạt động hiệu quả nhất thiết phải nâng cao dân trí của các Đại biểu Quốc hội.” (2)
Mặc Lâm
(1) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/toc-do-tieu-thu-ruou-bia-o-viet-nam-dung-dau-the-gioi-1081039.html
(2) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1631297610336996