Đường dẫn truy cập

Quốc dân Việt Nam muốn biết, vì sao?


Ông Phạm Bình Minh đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, New York, 28 tháng Chín.
Ông Phạm Bình Minh đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, New York, 28 tháng Chín.

Thiện Ý


- Từ những sự kiện thực tế,

- Quốc dân Việt Nam muốn biết vì sao?

Đó là nội dung bài viết này,

I - TỪ NHỮNG SỰ KIỆN THỰC TẾ

Những sự kiện thực tế đó là, trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần ra những quyết định pháp lý, hành chánh và bằng hành động quân sự bạo lực xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải, biển đảo của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ lãnh hải biển đảo Việt Nam và vi phạm công ước quốc tế cũng như các hiệp định song phương về biên giới lãnh thổ và lãnh hải giữa hai nước Việt - Trung đã ổn cố và được tôn trọng từ hàng thế kỷ qua.

Thực tế là Trung Quốc đã dùng bạo lực tấn công, chiếm đoạt một phần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, lúc đó thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam trong bối cảnh đất nước chia đôi, cuộc chiến tranh Quốc-Cộng Nam và Bắc Việt Nam; và năm 1988 tấn công, chiếm đoạt đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt nghiêm trọng và gần nhất là vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lưu lại ở đây trong nhiều tháng qua, vào ra như vùng “ao nhà” của họ; tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 18-9-2019 còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền sai trái tại vùng này và đòi Việt Nam phải tôn trọng; cũng như trước đó đơn phương tuyên bố chủ quyền “9 đoạn” chiếm hầu hết Biển Đông, theo kiểu quân cướp nước “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, hải đảo của Việt Nam mới nhất này, nhưng vẫn chưa phải là hành động cuối cùng, Trung Quốc đã ỷ mạnh hiếp yếu, vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển, mà Trung Quốc đã ký và cam kết thi hành. Đồng thời Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên đang có tranh chấp trong biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó, DOC quy định tạm thời các bên phải tự kiềm chế, duy trì nguyên trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.

II - QUỐC DÂN VIỆT NAM MUỐN BIẾT VÌ SAO?

Đứng trước các sự kiện thực tế trên, quốc dân Việt Nam (những công dân của Tổ quốc Việt Nam) trong cũng như ngoài nước muốn biết:

1 - Vì sao trong bài phát biểu hôm 28/9 tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Phó Thủ tường kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã không chỉ đích danh Trung Quốc, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam dưới quyền ông trong những tháng qua đã nhiều lần cáo buộc đích danh Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam?

Vì tại phiên họp này, ông Minh chỉ nói "Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển Việt Nam" và rằng "các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển."

Quốc dân Việt Nam quan tâm đều cảm thấy thất vọng trước cách hành xử này của nhà đương quyền Việt Nam thể hiện qua bài phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam, trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc; là đã đánh mất một cơ hội cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của mình để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.Trong khi Việt Nam đã và đang đi tìm kiếm sự hậu thuẫn quốc tế để có thế lực đương đầu, ngăn chặn tham vọng xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, luôn ỷ thế mạnh “bắt nạt Việt Nam” và các nước nhỏ yếu khác trong vùng.

2 - Vì sao, cũng trong bài phát biểu dài 16 phút, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có đề cập đến chủ trương chính sách giải quyết tranh chấp lãnh thổ lãnh hải biển đảo một cách hòa bình theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và căn cứ trên luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển; lại không vận dụng ngay vào việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam khi cả hai nước Việt –Trung đều là hội viên Liên Hiệp Quốc?

Nói cách khác, tại sao Việt Nam không “quốc tế hóa việc tranh chấp” trên Biển Đông với Trung Quốc” như nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales. ?

Ông Phạm Bình Minh nói Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – ‘Hiến chương của Biển và Đại dương’,

Thế tại sao giờ này Việt Nam vẫn rụt rè như “gà phải cáo”, hay “vừa tố cáo vừa run”, vẫn không dám đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc hay trước các tòa án quốc tế có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế?

3 - Vì sao đến giờ này Quốc hội Việt Nam mệnh danh là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân, đẻ ra chính phủ, nhất là Ông Tổng Trọng người lãnh đạo tối cao Đảng, Quốc Hội và chính phủ thì vẫn im hơi lặng tiếng, không dám lên tiếng; lại chỉ để cho người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gần đây mới lên tiếng tố cáo đích danh Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của Việt Nam; còn người đứng đầu Bộ ngoại giao Phạm Bình Mình thì trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc lại tránh né không dám gọi đích danh “Ông Trung Quốc” vì sợ “phạm húy” chăng?

Trong bài viết trước “Đến Non Nước Này Quốc Hội Việt Nam cần và phải lên tiếng” chúng tôi có đề nghị đôi điều Quốc hội cần làm ngay, thiết nghĩa không cần nhắc lại ở đây.

III - THAY LỜI KẾT

Với trách nhiệm bảo vệ đất nước, quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước đòi hỏi Đảng, Quốc hội, chính phủ đương quyền phải:

- Một là thực hiện khẩn cấp mọi đối sách chính trị, ngoại giao, pháp lý, quân sự kiên quyết, để tranh thủ sự hậu thuẩn mạnh mẽ của quốc tế, tạo thế lực chặn đứng các hành động xâm lăng trắng trợn ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc.

- Hai là, nhà cầm quyền Việt Nam cần cấp thời đưa những vi phạm chủ quyền lãnh thổ lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc. Vì cả Trung Quốc và Việt Nam đều là hội viên Liên Hiệp Quốc.Đồng thời, đưa vụ việc tranh chấp chủ quyền ra trước các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình theo tinh thần Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, căn cứ trên Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển, và bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên đang có tranh chấp trong biển Đông (DOC) năm 2002.

- Ba là, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải thay đổi đường lối cai trị, mở rộng tự do, dân chủ, thả hết các tù nhân chính trị, tôn giáo, bất đồng chính kiến đang bị cầm tù và chấm dứt đàn áp, bắt bớ giam cầm những người đấu tranh ôn hòa cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước, để đoàn kết toàn dân, huy động toàn lực quốc gia vào công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

XS
SM
MD
LG