Đường dẫn truy cập

Giải đáp một vài thắc mắc về cải tổ y tế


Luật cải tổ y tế vừa được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua khuya chủ nhật 21/3 vừa qua. Theo các cuộc thăm dò cho biết, một số khá đông dân chúng Mỹ không hiểu rõ lắm về luật này. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhà bình luận Ngô Nhân Dụng để nêu lên một số thắc mắc nhờ ông giải đáp. Mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn sau đây do Lan Phương thực hiện cho Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay.

VOA: Thưa ông, Hạ viện đã thông qua dự luật này khuya chủ nhật 21/3 và Tổng thống Obama đã ký ban hành hôm thứ Ba tuần rồi. Theo như chỗ được biết, để thực hiện cuộc cải cách này, phí tổn sẽ lên tới khoảng gần 1 ngàn tỉ đô la. Làm sao mà một số tiền gần 1 ngàn tỉ đô la trong 10 năm để chi cho chương trình cải tổ y tế lại có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách như lý lẽ đảng Dân Chủ đưa ra?

Ông Ngô Nhân Dụng:
Khi nghe tin nhiều khi người ta không nghe rõ, hoặc người loan tin họ nói không rõ. Đạo luật về cải tổ y tế sẽ tốn kém gần 1 ngàn tỉ đô la. Nhưng mà cũng trong luật đó có những điều khoản để tăng số thu của ngân sách quốc gia, dùng số thu đó để chi cho số tốn kém khoảng 940 tỉ đó. Thành thử những người nói rằng chương trình này sẽ làm ngân sách tốn cả ngàn tỉ đô la thì họ quên không nói là cũng trong luật đó có những điều khoản để thu thêm cho ngân sách quốc gia.

Thế thì số thu là bao nhiêu so với số chi là 940 tỉ? Ở đây người ta căn cứ vào sự tính toán của Ủy ban Ngân sách Quốc hội. Ủy ban này là một nhóm công chức không thuộc đảng phái nào cả. Như những người làm kế toán, họ chỉ ngồi xem đạo luật đó, chi bao nhiêu, thu bao nhiêu, họ ước tính rồi đưa ra quyết định rằng cuối cùng đạo luật này thu nhiều hơn hay chi nhiều hơn.

Sau khi tính toán, hôm Chủ nhật vừa rồi, Ủy ban chuyên về ngân sách của cả hai viện Quốc hội đã tuyên bố rằng cuối cùng, trong 10 năm, theo luật này, số chi sẽ ít hơn là số thu, cho nên họ nói dù rằng chi 940 tỉ nhưng cuối cùng sau 10 năm có thể hy vọng tiết kiệm được cho ngân sách quốc gia 138 tỉ, bởi vì sẽ thu nhiều hơn. Đó là lý lẽ giải thích thắc mắc chi gần 1 ngàn tỉ mà làm sao lại giảm được khiếm hụt ngân sách.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên cẩn thận, điều mà Ủy ban Ngân sách Quốc hội công bố như vậy là họ dựa trên những giả thuyết trong đạo luật đó về mức chi thu. Trong thực tế người ta không biết được là trong thời gian 10 năm tới sẽ có những thay đổi như thế nào.

VOA: Thưa ông, theo như đạo luật thì làm cách nào để tăng thu?

Ông Ngô Nhân Dụng:
Trong đạo luật đó có mấy khoản để tăng thu. Một là trong vòng mấy năm nữa người ta sẽ đánh thuế cao hơn trong số những người giàu nhất nước Mỹ, thí dụ một người kiếm được 200 ngàn đô la một năm trở lên thì phần thuế mà người đó phải đóng sẽ tăng lên. Hoặc một cặp vợ chồng kiếm trên 250 ngàn đô la một năm thì sẽ bị tăng thuế. Tính ra thì số người đó chỉ chiếm khỏang 1% dân số nước Mỹ mà thôi.

Thứ hai, hiện nay ở Mỹ những người đi làm được công ty, chủ nhân trợ cấp về tiền đóng bảo hiểm y tế. Số trợ cấp đó đúng ra phải coi là lợi tức (thu nhập) của những người đó. Từ trước đến nay, luật của nước Mỹ cho phép người đó được hưởng số lợi tức mà công ty trợ cấp để đóng bảo hiểm nhưng không phải đóng thuế trên khoản mà họ được hưởng. Điều này khiến cho rất nhiều người, những vị giữ những chức vụ rất quan trọng ở trong những công ty lớn, được công ty trợ cấp để mua bảo hiểm thứ đắt tiền nhất, tốt nhất. Công ty có thể phải trợ cấp cho họ đến cả 50 ngàn hay 100 ngàn một năm cho loại bảo hiểm đó mà họ không phải đóng một đồng thuế nào cả.

Bây giờ luật của Thượng viện và được Hạ viện đồng ý, qui định rằng những người nào được công ty trợ cấp một số tiền, thí dụ, mỗi năm là 27.500 đô la về bảo hiểm y tế, thì số tiền trên con số đó coi như công ty trả lương và bị đánh thuế. Đó cũng là một khoản rất lớn có thể thu vào cho ngân sách để trả cho những chi phí.

VOA:
Ngoài ra còn có những phương cách nào khác để tăng thu?

Ông Ngô Nhân Dụng:
Một khoản bất ngờ nữa là người ta sẽ cải tổ hệ thống cho các sinh viên vay tiền học. Trước tới giờ các sinh viên vay nợ là vay ở các ngân hàng, nhưng tất cả các chương trình cho vay nợ đó chính phủ giúp bảo đảm, có nghĩa là các ngân hàng có thể cho vay yên tâm mà không sợ bị mất. Riêng chuyện bảo đảm đó làm cho chính phủ mất rất nhiều tiền. Bây giờ chính phủ sẽ làm trực tiếp, khỏi cần các ngân hàng trung gian. Riêng chuyện này cũng tiết kiệm cho chính phủ Mỹ mấy chục tỉ đô la trong vòng 10 năm.

VOA: Y phí tại Hoa Kỳ quá cao so với các quốc gia khác, vậy đạo luật này có đem lại hy vọng hạ giảm bớt y phí hay không?

Ông Ngô Nhân Dụng: Người ta hy vọng là luật mới sẽ làm cho các dịch vụ y tế giảm bớt phí tổn. Đó mới là điều quan trọng nhất đối với ngành y tế tại Mỹ. Trung bình một người Mỹ mỗi năm tốn đến gần 7500 đô la cho y tế. Trong khi ở Pháp, Đức người ta chỉ tốn có hơn 3 ngàn đô la cho mỗi đầu người. Nếu người ta cải tổ hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, hệ thống bảo hiểm và chi trả về dịch vụ y tế thì người ta hy vọng sẽ cắt giảm được chi phí nói chung cho tất cả nền y tế nước Mỹ, đó có thể là một số tiền rất lớn để giảm chi về y tế.

Thưa quý vị, trong tuần tới nhà bình luận kiêm chuyên gia tài chính học Ngô Nhân Dụng sẽ giải đáp tiếp một số thắc mắc khác liên quan đến đạo luật cải tổ y tế của Hoa Kỳ vừa được Tổng thống ký ban hành hôm thứ Ba 23/3, mời quý vị đón nghe.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG