Đường dẫn truy cập

Quan ngại về chính sách kinh tế của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ


Ứng viên Tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump (trái) và ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, ngày 03 tháng 11 năm 2016.
Ứng viên Tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump (trái) và ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, ngày 03 tháng 11 năm 2016.

Ông Donald Trump kêu gọi cắt giảm thuế triệt để, giảm bớt luật lệ, và tăng sản lượng dầu hỏa và than đá. Ông nói các hiệp định thương mại ký với nước ngoài có nhiều khuyết điểm đã khiến ngành sản xuất của Mỹ mất đi hàng triệu công ăn việc làm.

Ông hứa sẽ tăng thuế đánh trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico và sẽ thương thuyết với các đối tác thương mại để giành các hiệp định có lợi hơn cho Mỹ.

"Chúng ta phải thương thuyết lại các hiệp định thương mại."

Nhưng các kinh tế gia cảnh báo rằng Trung Quốc và Mexico sẽ trả đũa bằng cách tăng thuế quan, khiến cho giao thương và tăng trưởng chậm lại. Kinh tế gia Marcus Noland của Viện Ngiên cứu Peterson về Kinh tế Quốc tế nhận định rằng hậu quả là Mỹ lại mất công ăn việc làm.

"Kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái nhẹ, và Mỹ sẽ mất đi khoảng 4,8 triệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân."

Ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton khi còn làm bộ trưởng ngoại giao đã ủng hộ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP. Giờ đây, cả hai đối thủ chính trị đều chỉ trích Hiệp định này.

Lập trường của bà Clinton phản đối hiệp định TPP lập tức bị chỉ trích, bà bị coi là một người theo cơ hội chủ nghĩa, mặc dù bà giải thích rằng hiệp định TPP mà bà từng ủng hộ không giống với những điều kiện trong thoả thuận TPP cuối cùng, mà bà nói là không phục vụ người lao động Mỹ đúng mức.

"Tôi sẽ không ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào trừ phi nó tạo ra công việc làm tốt và lương cao cho người lạo động Mỹ."

Ông Peter Thiel, một tỉ phú ngành công nghệ ủng hộ ông Trump, nói rằng bà Clinton xa rời giới lao động Mỹ.

"Tất cả những thành phần ưu tú của chúng ta đều rao giảng tự do thương mại. Những người học cao hiểu rộng hoạch định chính sách nói rằng hàng nhập khẩu rẻ có lợi cho mọi người theo các học thuyết kinh tế. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã mất đi hàng chục ngàn nhà máy và hàng triệu công ăn việc làm trong các hoạt động giao thương với nước ngoài."

Phân tích gia Joel Prakken nói với VOA rằng các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về ông Trump nhiều hơn là với bà Clinton.

"Xác suất bà Clinton thắng cử càng lên cao, ít nhất là dựa trên kết quả các cuộc thăm dò, thì chúng ta thấy giá cả trên thị trường chứng khoán tăng, trong khi xác suất ông Trump thắng càng lên cao, thì giá cả chứng khoán trên thị trường càng giảm."

Những bất đồng về chính sách kinh tế khác là vấn đề thuế khóa. Những người chỉ trích nói rằng đề xuất cắt giảm thuế của ông Trump chỉ có lợi cho người giàu và làm tăng khối nợ công.

Bà Clinton đề xuất tăng mức lương tối thiểu, tăng thuế đánh vào người giàu và cải cách luật thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp giữ công ăn việc làm ở Mỹ.

Tuy nhiên những người chỉ trích bảo thủ nói tăng thuế có nghĩa là giảm tăng trưởng kinh tế.

Đối phó với khối nợ công khổng lồ của Mỹ lại là một vấn đề khác. Ủy ban Ngân sách Liên bang lưỡng đảng nói rằng cả hai ứng cử viên đều không đưa ra một kế hoạch thực tiễn nào để bảo đảm thuế và công chi đi theo đúng hướng để có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên ủy ban này kết luận rằng chính sách kinh tế của ông Trump xem ra tệ hơn chính sách của bà Clinton.

Quan ngại về chính sách kinh tế của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:53 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG