Đường dẫn truy cập

Quan ngại sốt rét kháng thuốc lan tới Châu Phi


Ảnh tư liệu - Những người phụ nữ cầm chiếc màn chống muỗi sau khi nhận được tại một điểm phân phát ở Sesheke, Zambia, ngày 30 tháng 9 năm 2010.
Ảnh tư liệu - Những người phụ nữ cầm chiếc màn chống muỗi sau khi nhận được tại một điểm phân phát ở Sesheke, Zambia, ngày 30 tháng 9 năm 2010.

Người ta tiếp tục quan ngại rằng một chủng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc hiện thấy tại Đông Nam Á có thể lây lan sang Châu Phi, nơi chiếm 88% các trường hợp sốt rét trên toàn cầu.

Tỷ lệ các ca bệnh sốt rét mới đã giảm 42% tại Châu Phi kể từ năm 2000.

Thành quả này phần lớn nhờ người dân nằm mùng chống muỗi có xịt thuốc diệt côn trùng, phun thuốc trừ muỗi trong nhà, và tiếp cận tốt hơn với các phương pháp điều trị hiệu quả.

Nhưng tiến bộ đạt được có thể gặp trở ngại bởi làn sóng sốt rét kháng thuốc mới hiện thời ở Châu Á.

Ông Abdoulaye Djimde, người đứng đầu khoa dịch tễ học phân tử và kháng thuốc tại Trung tâm Nghiên cứu-Huấn luyện về Sốt rét ở Mali, cho biết:

“Chúng ta cần lưu tâm... Với các kết nối thường xuyên giữa Châu Á với Châu Phi, các chuyến bay trực tiếp từ gần như ở khắp mọi nơi tới nhiều khu vực của Châu Phi, có nguy cơ du nhập các ký sinh trùng kháng thuốc này và nguy cơ đó ngày càng cao hơn.”

Trong những năm 1970, hàng triệu người Châu Phi nhiễm sốt rét kháng thuốc với dược phẩm hàng đầu lúc bấy giờ là chloroquine và hậu quả thật là thảm khốc.

Tính tới năm ngoái, 5 nước ở Đông Nam Á ghi nhận các trường hợp sốt rét kháng thuốc với phương pháp điều trị mới nhất: liệu pháp phối hợp các thuốc sốt rét gốc Artemisinin hoặc gọi tắt là ACT.

Bà Eunice Misiani thuộc Chương trình Kiểm soát Sốt rét Quốc gia ở Nam Phi.

“Chúng ta cần phải cảnh giác để những gì đã xảy ra với tình trạng kháng thuốc chloroquine không tái diễn. Phải bảo đảm tiến hành các tiêu chuẩn thử nghiệm hữu hiệu một cách thường xuyên mỗi 2-3 năm.”

Thuốc giả vẫn còn là một vấn đề lớn ở Châu Phi. Các loại thuốc giả, rẻ hơn, thường có ít thành phần hoạt chất dược phẩm hơn, dần dà có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Làm sao để bệnh nhân hoàn tất phát đồ điều trị cũng là một điều khó khăn. Nhiều người ngưng dùng thuốc sau một hoặc hai ngày, một khi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn.

Ông Hans Rietveld, giám đốc tiếp cận thị trường thuộc công ty dược Thụy Sĩ Novartis, cho biết các bác sĩ ở Châu Phi thường kê toa rộng tay với các loại thuốc chống sốt rét.

Ông Rietveld nói:

“Trước hết phải đảm bảo chẩn đoán đầy đủ trước khi bắt đầu điều trị. Phải chắc chắn là bệnh nhân bị nhiễm sốt rét rồi sau đó mới cho uống thuốc. Đây là một vấn đề tại nhiều quốc gia nơi mà thực hành chẩn đoán trước khi điều trị chưa được lồng vào trong thực hành y tế thông thường.”

Nghiên cứu cho thấy khoảng 40 đến 60% các trường hợp điều trị sốt rét ở Châu Phi thật ra không phải là sốt rét.

Ông Rietveld nói mở rộng việc sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán nhanh ở Châu Phi có thể giúp ngăn chặn việc điều trị quá mức cần thiết. Các xét nghiệm tại gia có thể chẩn đoán bệnh sốt rét chỉ bằng một vết chích vào đầu ngón tay.

Công ty Novartis cho biết hiện đang nghiên cứu phát triển hai loại thuốc tiềm năng mới điều trị bệnh sốt rét khác với các loại thuốc gốc Artemisinin.

Nhưng phải mất ít nhất vài năm nữa hai loại thuốc mới này mới được bày bán ra thị trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG