Các nguồn tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quan hệ của nước này với phương Tây đang căng thẳng và Thổ Nhĩ Kỳ có thể không cho phép máy bay của liên minh sử dụng không phận của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công những kẻ chủ chiến nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đối diện với áp lực ngày càng tăng từ Washington giữa lúc có cáo buộc nói Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp hỗ trợ ngầm cho những kẻ chủ chiến.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quan hệ với Mỹ đã bị ảnh hưởng vì những thăng trầm đằng sau hậu trường.
Thổ Nhĩ Kỳ giáp ranh cả Iraq và Syria, và một số cơ sở của nhóm Nhà nước Hồi giáo nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara được xem là đóng vai trò chủ chốt trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm thánh chiến này. Mấy tuần vừa qua, cả Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều đã đến thăm Ankara.
Ngoại trưởng John Kerry tuần này nói với Thượng viện Mỹ rằng Ankara biết điều gì được trông đợi ở họ.
"Hãy tin tôi, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu được những thách thức này,” ông Kerry nói. “Chúng tôi đã có một số cuộc nói chuyện rất thẳng thắn về vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đưa ra quyết định của mình trong những ngày sắp tới. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra."
Nhưng một số nhà phân tích khu vực cho rằng không có rộng chỗ cho thỏa hiệp về vấn đề Nhà nước Hồi giáo. Một trong những lý do chính là một sự kiện hồi tháng 6 vừa qua, khi những kẻ chủ chiến tràn vào Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Nhóm này chiếm giữ lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở đó, bắt 49 người trong đó tổng lãnh sự. Họ vẫn đang bị giữ làm con tin.
Nhưng nhà khoa học chính trị Nuray Mert của Đại học Istanbul cho biết có những nghi vấn ngoài vấn đề con tin về động cơ trong chiến lược của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với những kẻ chủ chiến.
"Thậm chí còn không chắc là Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề con tin làm cái cớ để không làm gì cả,” ông Mert nói. “Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đánh mất uy tín trong mắt các đồng minh phương Tây trong việc thực thi đủ những biện pháp chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan."
Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức liệt nhóm Nhà nước Hồi giáo vào danh sách những nhóm khủng bố, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan vẫn miễn cưỡng sử dụng danh xưng đó.
Vào cuối tháng 6, ngay sau khi những kẻ chủ chiến chiếm giữ lãnh sự quán, ông Erdoğan cảnh báo giới truyền thông và phe đối lập chính trị Thổ Nhĩ Kỳ chớ tạo áp lực buộc ông đưa ra "những phát biểu khiêu khích liên quan đến nhóm này." Thủ tướng Ahmet Davutoglu gần đây gọi Nhà nước Hồi giáo là "một tổ chức cực đoan với cấu trúc giống khủng bố."
Kết quả là Ankara đang bị cáo buộc ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗ lực tuyển mộ chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdoğan tuần này giận dữ lên án những cáo buộc này.
Ông nói rằng một số cơ quan truyền thông quốc tế tìm cách đánh đồng Thổ Nhĩ Kỳ với khủng bố. Ông nói không có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí và hỗ trợ y tế cho các nhóm khủng bố.
Tuần này Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại.
"Những chiến binh nước ngoài thường vượt biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ vào. Nước này hoặc vì sợ hãi hoặc có thể vì ý thức hệ đã từ chối tham gia ngăn chặn dòng chiến binh và chống lại nhóm ISIL," ông Menendez nói.
Nhà phân tích Mert nói rằng vì đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ có gốc gác Hồi giáo bảo thủ nên Thổ Nhĩ Kỳ cần phải rõ ràng hơn nữa trong lời nói và hành động khi lên án những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Ông nói:
"Họ miễn cưỡng không muốn bị xem là lớn tiếng chỉ trích bất kỳ phong trào nào, dù tàn bạo hay sao đi nữa, bất cứ điều gì được thực hiện nhân danh đạo Hồi. Vì vậy mà nảy sinh mối ngờ vực. Huống hồ tất cả những lời cáo buộc này, đặc biệt là từ phía người Kurd, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp một số nhóm cực đoan chống lại đà tiến của người Kurd ở Syria.”
Trong lúc liên minh quốc tế nhanh chóng đẩy mạnh nỗ lực chống lại những kẻ chủ chiến, một số nhà phân tích khu vực cảnh báo rằng áp lực đòi Ankara đưa ra một lập trường rành rõ có phần chắc sẽ tăng lên.