Thủ tướng Pakistan đang gặp rắc rối Nawaz Sharif nhắc lại rằng ông sẽ không từ chức dưới áp lực của nhiều ngày biểu tình ồ ạt chống chính phủ ở thủ đô mà mới đây đã biến thành bạo động. Một phiên họp khẩn của quốc hội được dự định vào ngày hôm nay để thảo luận vụ khủng hoảng chính trị, trong khi các nhà lãnh đạo biểu tình từ chối không chịu rời đi nếu các yêu sách không được thoả mãn. Từ Islamabad, thông tín viên VOA Ayaz Gul ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Hàng ngàn người biểu tình đã chiếm đóng một khu ở trung tâm thủ đô Pakistan từ hơn hai tuần nay, đòi Thủ tướng Sharif từ chức vì gian lận theo như lời cáo buộc.
Phần lớn các cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa cho đến ngày thứ bảy, khi những người lãnh đạo biểu tình kêu gọi tuần hành đến một toà nhà gần đó được dùng làm tư thất và văn phòng chính thức của người đứng đầu ngành hành pháp.
Sự kiện đó khiến cảnh sát phải bắn hơi cay và đạn cao su để buộc người biểu tình lùi bước. Vụ trấn áp an ninh làm ít nhất 3 người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, trong đó có cả cảnh sát.
Căng thẳng leo thang hồi sớm hôm qua khi một nhóm người biểu tình xông vào trụ sở đài truyền hình nhà nước ở gần đó, làm các buổi phát hình phải tạm ngưng trong giây lát.
Những kẻ tấn công, trang bị bằng dùi cui và nhiều người đeo mặt nạ, bị cho là đã gây thiệt hại tài sản lớn trước khi quân đội Pakistan đến buộc họ ra khỏi toà nhà. Các vụ đụng độ lẻ tẻ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh cũng vẫn tiếp tục.
Vào cuối ngày, Thủ tướng Sharif đã họp với các nhà lãnh đạo đảng phái tại quốc hội, kể cả các nhóm đối lập không ủng hộ biểu tình, để bảo đảm với họ rằng ông sẽ không từ chức mà cũng không nghỉ phép.
Cuộc họp diễn ra giữa lúc nhiều người tin rằng quân đội đầy thế lực đang bí mật ủng hộ người biểu tình để buộc ông Sharif rời chức.
Một phát ngôn viên quân đội phủ nhận các gợi ý đó trên các cơ quan truyền thông địa phương, và nói rằng quân đội không liên can gì đến vụ giằng co chính trị.
Tuy nhiên, những người hoài nghi như nhân vật hoạt động cho nhân quyền nổi tiếng Asma Jehangir nói các cuộc biểu tình ngoài đường phố giống như các hành động trước đây đã dẫn tới việc quân đội can thiệp trực tiếp hay gián tiếp ở Pakistan.
“Tôi nghĩ điều chúng ta sẽ thấy trong vài ngày nữa sẽ là một sự thay đổi trong thành phần chính trị. Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Các thành viên quốc hội có thể kháng cự đến mức nào và liệu họ có khả năng xử lý sự thay đổi theo ý muốn của họ hay không, hoặc liệu sẽ có một sự thay đổi toàn diện theo ý muốn của quân đội hay không, bởi vì vào lúc này, người biểu tình không còn đóng vai trò nào nữa, với ý nghĩa là họ đã làm xong nhiệm vụ.”
Một phiên họp khẩn chung của cả hai viện quốc hội Pakistan đã được triệu tập vào ngày hôm nay để thảo luận cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang. Các giới chức chính phủ nói một thông điệp mạnh mẽ dự trù sẽ được đưa ra thông qua viện lập pháp rằng các phương tiện “vi hiến và phi dân chủ” sẽ không được phép làm chệch hướng nền dân chủ.
Hôm qua, Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên ở Pakistan tự chế trước bạo lực, và nói người biểu tình có quyền biểu tình một cách ôn hoà. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng Washington cực lực phản đối “mọi nỗ lực áp đặt sự thay đổi vượt ra ngoài hiến pháp” đối với hệ thống chính trị của Pakistan.
Chính trị gia đối lập Imran Khan, người đứng đầu khối chính trị lớn thứ ba tại quốc hội, và một giáo sĩ hồi giáo gay gắt chống chính phủ, ông Tahir ul-Qadri đã tổ chức những cuộc vận động riêng rẽ chống lại ông Sharif.
Ông Khan tin rằng cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái đưa ông Sharif và đảng của ông lên nắm quyền là có rất nhiều gian lận, và ông đòi mở cuộc bầu cử mới.
Ông Khan, từng là môn ngôi sao môn bóng cricket, cũng đã liên tục phủ nhận việc quân đội hoặc các đơn vị quân báo đang ủng hộ ông, và nhấn mạnh rằng cuộc vận động dân chủ của ông mang tính ôn hoà và vụ cảnh sát trấn áp các ủng hộ viên của ông h6om thứ bảy là “vô cớ.”
Ông Qadri muốn bãi chức thủ tướng và hệ thống dân chủ của Pakistan, và khẳng định rằng hệ thống chủ yếu được thiết kể để giúp cho những thành phần tham nhũng và có thế lực thắng cử.
Tuy nhiên, hầu hết các quan sát viên địa phương và quốc tế cho rằng cuộc bầu cử tháng 5 năm 2013 phần lớn là đáng tin cậy.