Đường dẫn truy cập

Quân đội Myanmar điều tra cáo buộc người Rohingya bị sát hại, ngược đãi


Những người Hồi giáo Rohingya mới tới Bangladesh từ Myanmar chuẩn bị rời một nơi tạm trú ở Shahparirdwip, Bangladesh, ngày 2 tháng 10, 2017.
Những người Hồi giáo Rohingya mới tới Bangladesh từ Myanmar chuẩn bị rời một nơi tạm trú ở Shahparirdwip, Bangladesh, ngày 2 tháng 10, 2017.

Quân đội Myanmar đã mở một cuộc điều tra nội bộ về hành xử của binh lính trong cuộc phản công đã khiến hơn một nửa triệu người Hồi giáo Rohingya chạy sang Bangladesh, nhiều người nói rằng họ đã chứng kiến những vụ giết người, hãm hiếp và đốt phá do binh lính gây ra.

Những vụ tấn công có phối hợp của những phần tử nổi dậy người Rohingya nhắm vào 30 chốt an ninh vào ngày 25 tháng 8 đã làm bùng lên phản ứng quân sự ác liệt trong vùng phía bắc bang Rakhine nơi người Hồi giáo chiếm đa số mà Liên Hiệp Quốc gọi là thanh tẩy sắc tộc.

Một ủy ban do Trung tướng Aye Win dẫn đầu đã bắt đầu một cuộc điều tra về những hành vi của các binh sĩ quân đội, văn phòng của tổng tư lệnh quân đội cho biết hôm thứ Sáu, nhấn mạnh rằng hoạt động này là thỏa đáng theo hiến pháp của nước Myanmar với đa số dân theo Phật giáo.

Theo một thông cáo đăng trên trang Facebook của Thống Tướng Min Aung Hlaing, ban điều tra sẽ hỏi, "Họ có tuân theo quy tắc ứng xử của quân đội không? Họ có tuân lệnh chính xác trong hoạt động này không? Sau đó (ban điều tra) sẽ công bố thông tin đầy đủ."

Myanmar từ chối cho ban điều tra của Liên Hiệp Quốc nhập cảnh. Ban điều tra này có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc ngược đãi sau một cuộc phản công quân sự nhỏ hơn được thực hiện vào tháng 10 năm 2016.

Nhưng các cuộc điều tra trong nước, bao gồm một cuộc điều tra nội bộ của quân đội trước đây, phần lớn bác bỏ lời kể của những người tị nạn về các hành động ngược đãi xảy ra trong "những hoạt động truy quét" của lực lượng an ninh.

Hàng ngàn người tị nạn tiếp tục băng qua sông Naf ngăn cách bang Rakhine của Myanmar và Bangladesh trong những ngày gần đây, dù Myanmar nhất mực nói rằng các hoạt động quân sự đã chấm dứt vào ngày 5 tháng 9.

Các cơ quan viện trợ ước tính 536.000 người đã tới khu vực Cox's Bazar, làm quá tải nguồn lực khan hiếm của các nhóm cứu trợ và các cộng đồng địa phương.

Khoảng 200.000 người Rohingya đã có mặt ở Bangladesh sau khi chạy lánh sự bức hại ở Myanmar, nơi mà họ bị từ chối quốc tịch và đối mặt với những hạn chế về đi lại và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG