Phiến quân al-Shabab
Phiến quân al-Shabab2006 – Phát động cuộc nổi dậy để lật đổ chính phủ Somalia và áp đặt luật Hồi giáo khắt khe.
2008 – Mỹ công bố nhóm al-Shabab là một tổ chức khủng bố.
2009 – Nắm quyền kiểm soát nhiều phần của Mogadishu và thành phố cảnh Kismayo.
2010 – Mở rộng vòng kiểm soát khắp miền trung và nam Somalia, thực hiện vụ đánh bóm gây chết người ở Kampala, Uganda.
2011 - Ngăn chặn cứu trợ hạn hán và nạn đói không cho vào các khu vực thuộc quyền kiểm soát của nhóm.
2011 – Các nhà lãnh đạo Ðông Phi tuyên bố al-Shabab là một mối đe dọa trong khu vực; quân đội Ethiopia và Kenya vào Somalia để truy lùng nhóm này, và đẩy ra khỏi Mogadishu.
2012 - Tự xưng là đồng minh của al-Qaida, mất căn cứ ở Somalia, bỏ rơi cứ địa chiến lược Kismayo ở ven biển.
2013 - Tấn công khu tòa án Mogadishu, giết hại hơn 30 người và tấn công thương xá ở Nairobi, Kenya, làm thiệt mạng ít nhất 69 người.
Tảng sáng hôm nay, những người bên ngoài thương xá Westgate đã nghe thấy nhiều loạt súng nổ bên trong trung tâm mua sắm hạng sang ở Nairobi. Những tiếng súng lại vang lên khoảng 3 giờ đồng hồ sau đó.
Bộ Nội vụ Kenya hồi khuya thứ hai cho biết binh sĩ chính phủ đang lục soát từng lầu một và tất cả những người bị bắt làm con tin đã được giải cứu.
Giới hữu trách cho biết 62 người thiệt mạng trong vụ tấn công bắt đầu hôm thứ bảy, khi các tay súng xông vào khu thương xá mà khách hàng phần đông là những người Kenya giàu có và người nước ngoài. 3 kẻ tấn công đã bị hạ sát trong những vụ chạm súng với lực lượng an ninh. Phía chính phủ có 11 binh sĩ bị thương. Giới hữu trách nói rằng ít nhất 10 nghi can đã bị bắt.
Nhóm hiếu chiến al-Shabab ở Somalia tuyên bố các chiến binh của họ thực hiện vụ tấn công này.
Các giới chức Kenya nói rằng họ tin là có công dân của nhiều nước trong nhóm khủng bố thực hiện vụ tấn công. Ngoại trưởng Amina Mohamed nói với đài truyền hình PBS của Mỹ rằng hai hoặc 3 công dân Mỹ – người gốc Somalia hoặc gốc Ả Rập, cùng với một công dân Anh tham gia vụ tấn công.
"Theo thông tin mà chúng tôi có được, những người Mỹ này là những người trẻ, trong độ tuổi 18 hoặc 19, người gốc Somalia hoặc gốc Ả Rập; nhưng họ sinh sống ở Mỹ, trong tiểu bang Minnesota và những nơi khác. Tôi nghĩ rằng điều này nêu bật tính chất toàn cầu của cuộc chiến mà chúng tôi đang chiến đấu."
Phát biểu hôm thứ hai tại trụ sở Liên hiệp quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết ông đã đích thân ngỏ lời chia buồn với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Ông nói thêm như sau:
"Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ mọi sự trợ giúp cần thiết trong lãnh vực chấp hành luật pháp và chúng tôi tin rằng Kenya, một trong những cột trụ của ổn định ở vùng Đông Phi, sẽ xây dựng lại. Nhưng điều này, theo tôi, cho thấy mọi thành viên của cộng đồng quốc tế cần phải sát cánh với nhau để chống lại những hành vi bạo động vô nghĩa của những tổ chức này. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước trên toàn lục địa Phi châu và trên khắp thế giới để bảo đảm là chúng ta sẽ tháo dỡ những mạng lưới phá hoại này."
Nhóm al-Shabab nói rằng vụ tấn công ở Nairobi là để trả đũa cho hành động can thiệp quân sự của Kenya ở Somalia. Họ đòi Kenya triệt thoái toàn bộ lực lượng ra khỏi Somalia, một yêu cầu đã bị chính phủ Kenya bác bỏ.
Các lực lượng Kenya đã tiến vào Somalia cách nay hai năm để giúp chính phủ nước này chiến đấu chống lại nhóm al-Shabab, là tổ chức của những phần tử cực đoan muốn biến Somalia thành một nước Hồi giáo bảo thủ.
Các chiến binh của nhóm này thường vượt biên sang Kenya để thực hiện những vụ tấn công.