Đường dẫn truy cập

Quân đội Gabon đảo chính, bắt giam tổng thống


Xe quân sự chạy ngang qua những người dân ăn mừng đảo chính ở Port Gentil
Xe quân sự chạy ngang qua những người dân ăn mừng đảo chính ở Port Gentil

Các sĩ quan quân đội ở Gabon, quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Trung Phi, cho biết họ giành quyền lực hôm 30/8 và quản thúc Tổng thống Ali Bongo tại gia, chỉ vài phút sau khi cơ quan bầu cử tuyên bố ông đã đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Các sĩ quan này, tự nhận rằng họ đại diện cho lực lượng vũ trang đất nước, tuyên bố trên truyền hình rằng kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ, biên giới đóng cửa và các cơ quan nhà nước bị giải tán, sau một cuộc bầu cử căng thẳng mà không có các quan sát viên quốc tế với kết quả sẽ kéo dài thêm hơn nửa thế kỷ nắm quyền của gia tộc Bongo.

Hàng trăm người đã ăn mừng sự can thiệp của quân đội, trong khi Pháp, nước cai trị thực dân cũ ở Gabon và hiện đang đóng quân tại nước này, đã lên án cuộc đảo chính.

“Tôi tuần hành hôm nay vì tôi vui mừng. Sau gần 60 năm, gia tộc Bongos đã không còn quyền lực”, Jules Lebigui, một thanh niên 27 tuổi thất nghiệp hòa vào đám đông trên đường phố ở Libreville, nói.

Trong một tuyên bố khác, các sĩ quan cho hay họ đã bắt giữ ông Bongo, người hồi năm 2009 đã tiếp quản quyền lực từ thân phụ của mình là ông Omar, vốn đã cầm quyền từ năm 1967. Họ nói đã bắt giữ con trai của tổng thống, Noureddin Bongo Valentin, và những người khác vì tội tham nhũng và phản quốc.

Các đối thủ nói rằng gia tộc của tổng thống đã không làm được gì trong việc chia sẻ lợi tức từ tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản của đất nước với 2,3 triệu người dân. Bạo loạn đã nổ ra sau khi ông Bongo thắng cử một cách gây tranh cãi hồi năm 2016 và đã có một nỗ lực đảo chính vào năm 2019 nhưng bất thành.

Nếu thành công, cuộc đảo chính Gabon sẽ là cuộc đảo chính thứ 8 ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020. Cuộc đảo chính mới nhất là ở Niger hồi tháng 7. Quân đội cũng đã lên nắm quyền ở các nước Mali, Guinea, Burkina Faso và Chad, xóa bỏ những thành tựu dân chủ kể từ những năm 1990.

Các sỹ quan quân đội Gabon, tự đặt tên là Ủy ban Quá độ và Khôi phục các định chế, nói rằng đất nước đối mặt với ‘cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế, chính trị, kinh tế và xã hội’. Họ cho rằng cuộc bỏ phiếu vào ngày 26/8 là không đáng tin cậy.

Không rõ ai là lãnh đạo đảo chính, nhưng hình ảnh trên truyền hình cho thấy một người đàn ông trong quân phục và đội mũ nồi xanh được binh lính nâng lên và hô ‘Oligui là tổng thống’ – có lẽ nhắc đến Brice Oligui Nguema, người đứng đầu Vệ binh Cộng hòa Gabon.

Mặc dù có tiếng súng nổ trong một lúc ngắn ngủi ở thủ đô ngay sau khi các sĩ quan có thông báo đầu tiên, đường phố Libreville vẫn tĩnh lặng cho đến khi người dân đổ ra ăn mừng. Cảnh sát tỏa ra các nơi để bảo vệ các giao lộ lớn.
Tổng thống Bongo, 64 tuổi, được nhìn thấy lần cuối là khi ông đang bỏ phiếu hôm 26/8. Trước cuộc bỏ phiếu, người ta thấy ông có vẻ khỏe mạnh hơn so với những lần xuất hiện trông xanh xao trên truyền hình sau khi ông bị đột quỵ hồi năm 2019.

“Chúng tôi lên án cuộc đảo chính quân sự và nhắc lại cam kết của chúng tôi về bầu cử tự do và minh bạch”, phát ngôn nhân chính phủ Pháp, ông Olivier Veran, ông nói.

Cuộc đảo chính này tạo thêm bất định cho sự hiện diện của quân Pháp trong khu vực. Pháp hiện có khoảng 350 quân đóng ở Gabon. Binh sĩ của họ đã bị đẩy ra khỏi Mali và Burkina Faso sau các cuộc đảo chính ở các nước này trong hai năm qua.

Không như Niger và các nước vùng Sahel, tức hạ Sahara, Gabon, nằm sâu hơn về phía nam bên bờ biển Đại Tây Dương, đã không phải chiến đấu với các cuộc nổi dậy của phiến quân Hồi giáo. Nhưng cuộc đảo chính là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thụt lùi của dân chủ ở một khu vực đầy biến động.

Trung Quốc kêu gọi giải pháp hòa bình và Nga nói họ hy vọng nước này sẽ nhanh chóng trở lại ổn định.

“Với việc các lãnh đạo đảo chính tuyên bố họ đại diện cho tất cả các phe phái trong bộ máy an ninh của Gabon, ông Bongo sẽ không thể dẹp được cuộc binh biến”, ông Rukmini Sanyal, phân tích gia tại Economist Intelligence Unit, viết và chỉ ra ‘sự bất mãn lan rộng của người dân đối với Bongo, gia đình và đảng cầm quyền của ông’.

Gabon sản xuất khoảng 200.000 thùng dầu mỗi ngày, chủ yếu từ các mỏ gần cạn. Các tập đoàn quốc tế hoạt động ở Gabon bao gồm TotalEnergies của Pháp và hãng Perenco của Anh-Pháp.

Công ty khai mỏ Eramet của Pháp, vốn khai thác mangan quy mô lớn ở Gabon, cho biết họ đã tạm dừng hoạt động.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG