Đường dẫn truy cập

Quần đảo Solomon khẳng định không cho TQ xây căn cứ quân sự tại đây


Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare.
Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare.

Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare, ngày 14/7 nói hiệp ước an ninh mới của nước ông với Bắc Kinh sẽ không cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại quốc gia Nam Thái Bình Dương này và không biến công dân nước ông thành “mục tiêu cho các cuộc tấn công quân sự tiềm tàng”.

Ông Sogavare ký thỏa thuận với Bắc Kinh vào tháng 4 về hỗ trợ an ninh. Chi tiết về hiệp ước chưa được công bố nhưng thỏa thuận đã làm dấy lên lo ngại về một căn cứ quân sự thường trực của Trung Quốc trong vòng 2.000 km của bờ biển đông bắc Úc.

Thủ tướng Quần đảo Solomon tại cuộc họp của lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương ngày 14/7 ở Fiji mạnh mẽ phủ nhận rằng đất nước của ông sẽ trở thành một chỗ dựa quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

“Không có căn cứ quân sự nào cả, cũng không có bất kỳ cơ sở hoặc định chế quân sự nào khác, trong thỏa thuận. Và đó là một điểm rất quan trọng mà chúng tôi tiếp tục nhắc lại với các nước trong khu vực,” ông nhấn mạnh.

Không nêu đích danh Hoa Kỳ hay đối tác an ninh quan trọng của Solomons là Australia, ông Sogavare hồi tháng 5 nói trước Quốc hội rằng các bên phản đối hiệp ước này đã đe dọa và xúc phạm đất nước của ông.

Cả Hoa Kỳ và Úc từng nói với Quần đảo Solomon rằng sẽ không dung chấp nước này cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.

Tân chính phủ của Thủ tướng Úc Anthony Albanese được bầu lên với lời hứa sẽ viện trợ nhiều hơn và gắn bó hơn với các quốc đảo láng giềng.

Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương là một tập hợp của 18 quốc đảo nhưng tuần này Kiribati rút lui không tham gia.

Ông Albanese mô tả cuộc họp là “rất xây dựng”, nhấn mạnh rằng “lợi ích của Australia sẽ không được phục vụ nếu có một căn cứ quân sự quá gần Australia.”

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bà đã nói chuyện thẳng thắn với ông Sogavare trong cuộc họp ngày 13/7 về những lo ngại về hiệp ước với Trung Quốc. Bà nói đôi bên đã tìm thấy “điểm chung” về sự cần thiết phải hạn chế quân sự hóa trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh vừa kể chìm trong căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, cả hai đều thể hiện lợi ích chiến lược cao độ trong khu vực.

Thủ tướng Fiji, Frank Bainimarama, người chủ trì hội nghị, nói với các nhà lãnh đạo đồng cấp trong diễn văn khai mạc rằng “bối cảnh địa chính trị và toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt”.

Ông Bainimarama đã mời Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đọc diễn văn trực tuyến vào ngày 13/7. Hành động này gây chú ý vì các đối tác đối thoại của diễn đàn - bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh và Pháp - đã không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Bà Harris đề nghị mở tòa đại sứ mới ở Tonga và ở Kiribati.

Bà cũng yêu cầu Quốc hội Mỹ tài trợ gấp ba lần để trợ giúp nghề cá lên 60 triệu đô la một năm và chỉ định đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tham dự diễn đàn.

Hai tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Trung Quốc ngồi nghe diễn văn của bà Harris trong khu vực dành cho báo chí tại hội nghị đã bị phát hiện và bị cảnh sát yêu cầu rời đi, tờ Guardian đưa tin.

Các quan chức của Diễn đàn đã không trả lời khi truyền thông hỏi liệu các quan chức Trung Quốc có được phép tham dự hay không.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai người vừa kể không vi phạm quy tắc nào khi xem bài phát biểu của bà Harris.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói: “Các đại diện của Trung Quốc đã được mời tham dự các cuộc họp và sự kiện liên quan.”

Cả Quần đảo Solomon và Kiribati gần đây đã chuyển sự công nhận ngoại giao của họ từ Đài Loan sang Bắc Kinh. Việc Kiribati rút khỏi diễn đàn được giải thích là do sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG