Đường dẫn truy cập

Quan chức LHQ ‘kinh hoàng’ về vụ việc được nói là thường dân bị thảm sát ở Myanmar


Phó Tổng thư ký đặc trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths
Phó Tổng thư ký đặc trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths

Một quan chức cao cấp của Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền Myanmar điều tra vụ giết hại ít nhất 35 thường dân được báo cáo mà các nhà hoạt động đối lập nói là do binh sĩ chính phủ gây ra, nói rằng ông "kinh hoàng" trước vụ bạo lực.

Quân đội cầm quyền chưa bình luận về các vụ giết người gần làng Mo So ở bang Kayah vào ngày thứ Sáu và một số cuộc gọi trong thứ Bảy tới phát ngôn viên quân đội Zaw Min Tun không được hồi đáp, Reuters cho biết.

Truyền thông nhà nước hôm Chủ nhật đưa tin binh sĩ đã nổ súng và tiêu diệt một số lượng không xác định "những kẻ khủng bố có vũ khí" trong làng. Họ không nói gì về dân thường.

Phó Tổng thư ký đặc trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths cho biết đã có những báo cáo đáng tin cậy về việc thường dân, trong đó có ít nhất một trẻ em, bị buộc rời khỏi xe, bị giết chết và bị thiêu cháy. Ông không nói rõ lý do tại sao ông xem các báo cáo này là đáng tin cậy.

“Tôi kinh hoàng trước các báo cáo về vụ tấn công nhắm vào thường dân... Tôi lên án vụ việc đau buồn này và tất cả các vụ tấn công nhắm vào thường dân trên khắp nước, vốn bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế,” ông nói trong một phát biểu.

Ông Griffiths kêu gọi "một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch" để những thủ phạm có thể bị đưa ra trước công lý.

Tổ chức Save the Children cho biết hai nhân viên của họ, đang về quê để nghỉ lễ cuối năm, đã bị quân đội Myanmar giết chết trong vụ tấn công. Tổ chức này đã đình chỉ các hoạt động ở Bang Kayah và một số nơi ở Bang Karen lân cận và vùng Magway.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án các cuộc tấn công và kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt bán vũ khí và công nghệ lưỡng dụng cho quân đội Myanmar trong nỗ lực ngăn chặn "những hành vi tàn bạo" tái diễn.

"Nhắm mục tiêu vào người vô tội và các tổ chức nhân đạo là không thể chấp nhận được và các hành vi tàn bạo rộng khắp của quân đội đối với người dân Miến Điện nêu bật sự cấp thiết của việc buộc các thành viên của họ phải chịu trách nhiệm," ông Blinken nói trong một phát biểu, sử dụng một tên khác của Myanmar.

Hai cư dân và Nhóm Nhân quyền Karenni, hoạt động trong khu vực, cho biết binh lính đã giết chết hơn 30 thường dân. Họ nói rằng các chi tiết vẫn còn mập mờ nhưng có vẻ như các nạn nhân ngồi trên xe, bao gồm ít nhất một xe tải, bị dừng lại trên đường. Họ bị giết và thi thể bị thiêu cháy, người dân và tổ chức nhân quyền này nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG