Đường dẫn truy cập

Quan chức Hong Kong, Trung Quốc dè bỉu các chế tài mới của Mỹ


Nhà lãnh đạo Hong Kong và đại diện hàng đầu của Trung Quốc tại thành phố này ngày thứ Bảy chỉ trích Mỹ sau khi chính quyền Trump chế tài họ và chín quan chức khác về cáo buộc trấn áp các quyền tự do và làm suy yếu quyền tự trị địa phương.

Trưởng quan Hành chính Carrie Lam viết trên Facebook rằng Mỹ đã ghi sai địa chỉ của bà, thay vào đó liệt kê địa chỉ chính thức của cấp phó của bà. Bà lưu ý rằng bà từng giữ chức vụ này khi bà nộp đơn xin thị thực Mỹ vào năm 2016.

Các biện pháp chế tài được áp dụng theo một quyết định hành pháp mà tổng thống Donald Trump ký ban hành hồi tháng rồi, trừng phạt Trung Quốc vì các hành động đối với người bất đồng chính kiến ở Hong Kong. Đây là biện pháp mới nhất của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh trong giai đoạn đương kim tổng thống chuẩn bị cho cuộc tái cử vào tháng 11.

“Nhân tiện, thị thực nhập cảnh Mỹ của tôi còn hiệu lực đến năm 2026. Vì tôi không mong muốn đến thăm đất nước này nên có vẻ tôi có thể chủ động hủy bỏ nó,” bà Lam nói.

Các chế tài, được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày thứ Sáu, phong tỏa tất cả bất động sản hoặc các tài sản khác mà các cá nhân sở hữu nằm trong thẩm quyền tư pháp của Mỹ.

Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ nói rằng luật an ninh quốc gia “tàn bạo” mà Bắc Kinh áp đặt làm suy yếu tính tự trị của Hong Kong và “tạo tiền đề kiểm soát bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có vẻ không thân thiện với Trung Quốc.” “Bà Carrie Lam là người đứng đầu, chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách đàn áp tự do và tiến trình dân chủ do Bắc Kinh đưa ra.” Vẫn theo Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ.

Lạc Huệ Ninh, chủ nhiệm văn phòng liên lạc của chính phủ trung ương tại Hong Kong, nói việc ông bị đưa vào danh sách chế tài cho thấy ông đã làm những gì nên làm cho thành phố và đất nước của ông.

“Tôi không có một xu tài sản nào ở nước ngoài. Áp đặt ‘chế tài’ không phải là vô ích sao? Tất nhiên, tôi cũng có thể gửi 100 đôla Mỹ đến cho ông Trump phong tỏa đây,” ông nói trong một phát biểu đăng trên website của văn phòng.

Ti trưởng Ti Thương mại Hong Kong Edward Yau, người không bị chế tài, gọi các biện pháp trừng phạt này là “vô lý và man rợ” và nói rằng nó sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ tại thành phố, một trung tâm tài chính và vận tải của Châu Á.

Trong một thông cáo khác, ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo nói rằng động thái của Washington “gởi một thông điệp rõ ràng rằng các hành động của chính quyền Hong Kong là không thể chấp nhận”.

“Chúng ta không thể dửng dưng trong khi người dân Hong Kong bị kiểm soát thô bạo trong gọng kiềm của đảng cộng sản Trung Quốc hay những người khiến cho điều này có thể diễn ra.” Ông Pompeo viết trong một tweet trên Twitter.

Hong Kong từ lâu được hưởng các quyền tự do dân sự không có ở Trung Quốc đại lục vì được quản lý theo nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” kể từ khi cựu thuộc địa này của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.

Tuy nhiên, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong vào cuối tháng 6, sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ vào năm ngoái.

Luật mới nghiêm cấm điều mà Bắc Kinh coi là những hoạt động ly khai, lật đổ hoặc khủng bố hoặc điều mà họ coi là sự can thiệp của nước ngoài vào việc nội bộ của Hong Kong. Cảnh sát hiện có quyền lục soát không cần lệnh và có quyền ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ internet và các nền tảng xóa các thông điệp bị xem là vi phạm pháp luật.

“Việc áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc gần đây lên Hong Kong không chỉ làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong mà còn xâm phạm quyền của người dân ở Hong Kong,” Bộ Tài chính Mỹ nói.

Theo Reuters, một nguồn thạo tin cho biết Hoa Kỳ đã đẩy mạnh cân nhắc biện pháp chế tài sau khi bà Lam cho hoãn cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng Chín chậm đi một năm với lý do đại dịch. Hoãn bầu cử được xem là thủ thuật khiến cho giới ủng hộ dân chủ mất đi cơ hội có thể thắng lớn trong thời điểm hiện tại.

Chính phủ Hong Kong cáo buộc Mỹ đang dùng Hong Kong như một con tốt để gây rắc rối trong mối quan hệ Mỹ-Trung, gọi các chế tài là “sự can thiệp trắng trợn và man rợ” vào việc nội bộ của Trung Quốc.

Theo Reuters, Peter Harrell, cựu quan chức chính phủ Hoa Kỳ và là một chuyên gia về chế tài tại Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ Mới, nói rằng hành động gần nhất, được thực hiện thông qua các quyết định hành pháp liên quan đến TikTok và WeChat cũng như chế tài Trung Quốc do đàn áp người Muslims, cho thấy một “sự gia tăng đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG