Một quan chức Australia, vốn được coi là kiến trúc sư giúp soạn thảo các điều luật buộc Facebook và Google phải trả tiền nội dung cho các công ty truyền thông, hôm 24/2 đã tuyên bố thắng lợi, trong khi những người chỉ trích cho rằng các thay đổi phút chót mà họ cho là nhằm xoa dịu Facebook cho thấy sự thiên vị đối với các “ông lớn công nghệ” hơn là với các cơ quan tin tin tức có quy mô nhỏ hơn.
Sau khi Facebook tuần trước ngưng truyền tải tin tức ở Australia, chính quyền nước này đã đưa ra một loạt các nhượng bộ về mặt kỹ thuật, và mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết sẽ khôi phục dịch vụ tin tức giữa lúc dự luật sửa đổi dự kiến sẽ có hiệu lực trong tuần này.
Mặc dù Facebook cho biết mối quan ngại của công ty này đã được xử lý và các nhà lập pháp đối lập cảnh báo rằng các công ty truyền thông nhỏ có thể đã bị phớt lờ, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc Rod Sims cho rằng sự mất cân bằng về quyền thương lượng đã được sửa đổi.
“Các sửa đổi mà chính phủ đã thực hiện hoặc không quá quan trọng hoặc chỉ là để làm rõ những điều không rõ ràng theo cách nghĩ của Facebook”, ông Sims, người đã giúp soạn thảo các luật ban đầu, nói với Reuters.
“Dù họ có nói gì đi nữa thì họ cũng cần tin tức. Nó giữ mọi người sử dụng nền tảng của họ lâu hơn. Họ kiếm được nhiều tiền hơn”, ông nói.
Sự hậu thuẫn từ lãnh đạo cơ quan chống độc quyền hàng đầu của Úc sẽ củng cố lập luận của chính phủ rằng cách tiếp cận cứng rắn của họ đã dẫn tới kết quả.
Ngoài ra, nó cũng có thể khuyến khích các quốc gia khác như Canada và Anh, những nước tuyên bố có kế hoạch triển khai các điều luật tương tự.