Thái Bình Dương có thể là nơi nhiều khả năng nhất chứng kiến ‘bất ngờ chiến lược’, điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, ông Kurt Campbell bình luận hôm 10/1, hàm ý về tham vọng của Trung Quốc thiết lập các căn cứ trên các đảo ở Thái Bình Dương.
Ông Campbell trình bày trước Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington rằng Hoa Kỳ có ‘lợi ích lịch sử chiến lược và đạo đức to lớn’ ở Thái Bình Dương, nhưng đã không làm đủ để hỗ trợ khu vực như các nước Úc và New Zealand.
“Nếu quý vị nhìn và quý vị hỏi tôi, đâu là nơi mà chúng ta nhiều khả năng thấy những bất ngờ chiến lược nhất định – đặt căn cứ hoặc thỏa thuận hoặc sắp xếp nào đó, đó chắc là ở khu vực Thái Bình Dương”, ông nói trước các diễn giả tập trung thảo luận về nước Úc.
Campbell gọi đó là vấn đề mà ông ‘quan ngại nhất trong một hoặc hai năm tới’. Ông nói thêm: “Và chúng ta có thời gian rất ngắn để làm việc với các đối tác như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, vốn có lợi ích ở Thái Bình Dương, để đẩy mạnh bàn cờ của chúng ta trên khắp mặt trận”.
Campbell không nói rõ về ý lập căn cứ, nhưng các nhà lập pháp từ đảo quốc Kiribati ở Thái Bình Dương hồi năm ngoái nói với Reuters rằng Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp một đường băng và cầu nối trên một trong những hòn đảo xaxôi của họ cách bang Hawaii của Mỹ khoảng 3.000 km về phía tây nam.
Xây dựng trên hòn đảo nhỏ Kanton sẽ giúp Trung Quốc có chỗ đứng sâu trong lãnh thổ của một nước đã liên minh chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Hồi tháng 5, Kiribati cho biết các kế hoạch do Trung Quốc hậu thuẫn là một dự án phi quân sự được nhằm cải thiện kết nối giao thông và thúc đẩy du lịch.
Campbell nói những cách mà Mỹ và các đồng minh cần phải làm nhiều hơn ở Thái Bình Dương là đối phó dịch COVID-19, về vấn đề đánh bắt cá và đầu tư vào năng lượng sạch.
Campbell cũng tiếp tục nói thêm về bình luận ông đưa ra hồi tuần trước rằng Washington cần ‘đẩy mạnh bàn cờ’ của mình trong vấn đề can dự kinh tế ở châu Á.
Ông cho biết Úc đã kín đáo vận động Mỹ hiểu rằng Washington cần ‘vai trò buôn bán và giao thương toàn diện, can dự, lạc quan, trong cách tiếp cận chiến lược của mình’.
Campbell đã ca ngợi hiệp ước AUKUS, mà theo đó Mỹ và Anh đã đồng ý giúp Úc đóng tàu ngầm hạt nhân - cũng như các hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ, Úc, Ấn và Nhật - như là bằng chứng cho thấy quan hệ đối tác của Mỹ đang khiến Bắc Kinh bực bội.
Nhưng một số nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhiều nước trong đó coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ, đã than thở về những gì họ cho là sự can dự không đủ về kinh tế của Mỹ sau khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, tức TPP.
Biden nói với các nhà lãnh đạo châu Á vào tháng 10 rằng Washington sẽ khởi động các cuộc đàm phán để tạo ra một khuôn khổ kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng đến nay chỉ có rất ít chi tiết và chính quyền ông không có động thái hướng tới tái gia nhập TPP mà những người chỉ trích cho rằng đe dọa việc làm của Mỹ.
Đại sứ Úc tại Washington, ông Arthur Sinodinos, nói tại buổi hội thảo của CSIS rằng Úc tiếp tục nêu vấn đề này với Quốc hội Mỹ và ‘chúng tôi không từ bỏ hy vọng’ Mỹ xem xét lại chính sách thương mại.