Đường dẫn truy cập

Qua Super Tuesday vẫn còn sáu ứng cử viên tổng thống


Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Donald Trump.
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Donald Trump.

Ngày thứ Ba 1/3 vừa qua là “Super Tuesday” trong lịch bầu chọn tổng thống Mỹ. Hôm đó có hơn chục tiểu bang, là con số cao nhất với các tiểu bang cùng tổ chức bầu cử trong một ngày để cử tri tiến cử ứng cử viên của hai chính đảng ra tranh chức tổng thống vào tháng Mười Một.

Kết quả bầu cử Super Tuesday cho thấy cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của đảng Dân chủ coi như chắc chắn sẽ được tiến cử. Doanh gia Tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa tuy thắng lớn, nhưng chưa đủ mạnh để các ứng cử viên khác không còn cách nào đuổi kịp. Phải đợi thêm vài tuần nữa mới rõ hơn, vì đến nay mới có 15 trong số 50 tiểu bang tổ chức bầu sơ bộ.

Trong đảng Dân chủ, bà Clinton thắng ở 7 tiểu bang: Alabama, Arkansas, Georgia, Tennessee, Texas, Massachusetts, Virginia. Đối thủ duy nhất của bà là Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders thắng tại 4 tiểu bang gồm Oklahoma, Colorado, Minnesota và Vermont là tiểu bang quê nhà của ông.

Ông Sanders là một người dân chủ xã hội với quan điểm chính trị cực tả, chủ trương xây dựng nước Mỹ với chủ nghĩa xã hội, nhưng không giống như Cuba ngày nay hay bên Liên bang Xô-viết trước đây là những nơi ông đã từng đến thăm thời thập niên 1980 khi ông là thị trưởng Burlington, Vermont. Ứng cử viên Bernie Sanders chủ trương xây dựng nước Mỹ xã hội chủ nghĩa như Thụy Điển, Phần Lan ở Bắc Âu nơi mọi người dân được chăm sóc y tế và được hưởng giáo dục các cấp miễn phí.

Bên đảng Cộng hòa, ông Donald Trump thắng ở 7 tiểu bang: Alabama, Arkansas, Georgia, Massachusetts, Tennessee, Vermont, Virginia. Còn Thượng Nghị sĩ Ted Cruz thắng ở Alaska, Oklahoma và Texas là tiểu bang nhà của ông. Thượng Nghị sĩ Marco Rubio chỉ thắng ở một tiểu bang duy nhất là Minnesota.

​Trong ngày Super Tuesday số đại biểu của đảng Cộng hòa được bầu chọn là 600 và đảng Dân chủ là 1000, tức khoảng một phần tư tổng số đại biểu của mỗi đảng.

Theo mạng politico.com, hiện nay Hillary Clinton có 1052 đại biểu, Bernie Sanders có 427. Như thế bà Clinton đã đạt gần nửa số đại biểu cần có là 2382 để được đảng Dân chủ đề cử.

Donald Trump tuy thắng nhưng nội bộ đảng Cộng hòa còn nhiều chia rẽ và đa số thành phần kiên định của đảng không ủng hộ ông Trump vì những chủ trương về di dân, phá thai cùng những phát biểu gây sốc hay đầy tính sỉ nhục các ứng viên, những cơ quan truyền thông, những cá nhân lên tiếng chỉ trích ông.

Phát biểu mừng chiến thắng vào tối Super Tuesday ông Trump muốn được sự hợp tác của Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Paul Ryan, là một lãnh đạo của đảng Cộng hòa, và đưa ra lời cảnh báo nếu không “sẽ phải trả một giá lớn”.

Donald Trump được sự ủng hộ của cựu ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin, Thống đốc New Jersey là Chris Christie và Thượng Nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Alabama là Jeff Sessions.

Không ủng hộ Donald Trump có cựu Thống đốc tiểu bang New Jersey là Christine Todd Whitman, có Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham, cựu ứng viên tổng thống Mitt Romney và Dân biểu Robert Dodd.

Nhưng kết quả trong những kỳ bầu chọn vừa qua cho thấy đa số cử tri Cộng hòa từ bắc xuống nam, thuộc nhiều thành phần xã hội, sắc dân, mọi trình độ học vấn ủng hộ Donald Trump và họ đã tích cực tham gia bầu cử ngày 1/3. Trong khi số cử tri Dân chủ tham gia bầu sơ bộ giảm thì bên Cộng hòa tăng. Theo khảo sát của hãng thông tấn AP, tiểu bang Virginia tăng 386%, Arkansas 261% và Tennessee 154%. Ngay cả ở những nơi ông Trump không thắng như Texas, Minnesota thì số cử tri Cộng hòa đi bầu cũng tăng trên dưới 200% và đó là những con số không thể phủ nhận vì có ông Trump ra tranh cử.

Hiện nay Donald Trump được 319 đại biểu, tức khoảng một phần tư của con số 1237 đại biểu cần có để được đảng đề cử. Ứng cử viên về nhì là Ted Cruz với 226 đại biểu và Marco Rubio về ba được 110, kế đến là John Kasich 25 và Ben Carson 8.

Khẩu hiệu tranh cử của ứng cử viên Donald Trump là “Make America Great Again” (Đưa nước Mỹ hùng cường trở lại). Nhưng nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa không ủng hộ Donald Trump vì ông đang làm cho đảng chia rẽ. Hai ứng cử viên cho rằng họ có khả năng đoàn kết đảng, kìm hãm lại đà thắng của Donald Trump là Ted Cruz và Marco Rubio nên đã có dư luận đưa đề nghị hai ứng cử viên này hợp lại để cản Donald Trump.

Trong diễn văn đọc sau khi có kết quả bầu chọn tối thứ Ba 1/3, ứng cử viên Ted Cruz tấn công ào ạt vào đối thủ chính là Donald Trump.

Ted Cruz chỉ trích ông Trump yểm trợ cho cơ quan Planned Parenthood là nơi giúp phụ nữ phá thai. Ông cũng chỉ trích chủ trương trung lập của ông Trump trong việc không ủng hộ Israel hay Palestine.

Nếu làm tổng thống, việc đầu tiên của ông Cruz là xé bỏ ngay hiệp định giới hạn vũ khí nguyên tử với Iran mà Hoa Kỳ mới ký.

Về đối nội, ứng cử viên Ted Cruz tuyên bố sẽ thu hồi chính sách bảo hiểm y tế Obamacare, không ân xá cho di dân bất hợp pháp. Ông sẽ không nhân nhượng về quyền tự do tôn giáo, quyền tự do mang súng, sẽ đóng cửa sở thuế IRS, áp dụng một mức thuế đồng đều cho mọi người dân, cắt giảm chức năng của cơ quan bảo vệ môi sinh EPA để kích động các công ty gia tăng đầu tư.

Ông Cruz kêu gọi những ứng cử viên Cộng hòa khác đứng sau lưng ông để chống lại Donald Trump.

Tuy nhiên lời kêu gọi đó không được đáp ứng, vì ngoài Ben Carson hiện về chót và sẽ rút lui sớm, còn lại hai ứng viên Marco Rubio và John Kasich cũng tin tưởng mình có thể vượt qua được Donald Trump trong kỳ bầu chọn ở những tiểu bang còn lại.

Trong ngày bầu cử 15/3 tới đây Thống đốc John Kasich hy vọng sẽ thắng ở tiểu bang nhà Ohio và ông đã tuyên bố nếu khi đó không thắng ông sẽ rút lui. Thượng Nghị sĩ Marco Rubio cũng đặt hy vọng vào chiến thắng ở tiểu bang nhà Florida trong ngày đó, nhưng các thăm dò mới nhất cho thấy ông vẫn đang thua điểm ông Trump và ông Cruz.

Ứng viên Donald Trump cũng chủ trương bảo thủ với đề nghị xây tường biên giới ngăn chặn di dân và bắt nhà nước Mexico chi trả tốn phí. Ông muốn ngăn cấm người Hồi giáo vào Mỹ.

Về đối ngoại ông Trump chỉ trích sự yếu kém của chính quyền Obama khiến ISIS hoành hành và muốn tiếp tục hình thức tra tấn bằng nước với những nghi can khủng bố. Ông sẽ tăng ngân sách quốc phòng, xét lại các hiệp định thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico để quân bình cán cân thương mại và đem các công ty Mỹ từ nước ngoài về nội địa để dân Mỹ có việc làm tốt. Ông Trump không ủng hộ Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP và đã phát biểu rằng Việt Nam đang “đánh cắp việc làm của Mỹ.”

Nhiều tổ chức vận động hành lang chống lại ông Trump đang đổ tài chánh và nhân lực vào các cuộc bầu cử sắp đến để ngăn chặn sự thăng tiến của ông trong việc giành sự đề cử của đảng.

Bên phía Dân chủ, giới quan sát bầu cử tiên đoán khá chắc chắn là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ được tiến cử và nếu bà thắng cử vào tháng 11 tới đây thì tương lai nước Mỹ vẫn tiếp tục những chính sách giống như của Tổng thống Barack Obama.

Tuy đường tiến cử của Hillary Clinton khá êm xuôi, nhưng trong những tháng tới có thể gặp khó khăn, trở ngại với điều tra khi bà còn làm ngoại trưởng đã dùng hệ thống máy điện toán riêng, không qua hệ thống của chính phủ, để liên lạc công vụ bằng emails vì thế an ninh quốc gia đã không được bảo mật và đây có thể là những hành vi phạm luật.

Đến nay còn 6 ứng cử viên của hai chính đảng đang ráo riết vận động. Trong những ngày tới còn nhiều buổi tranh luận và tiếp xúc với cử tri. Kỳ tranh cử tổng thống năm nay hứa hẹn nhiều sôi nổi trong tương lai, nhất là từ phía đảng Cộng hòa trong những lúc này.

Nước Mỹ trong ba chục năm qua đã có những cơ hội để bầu chọn một phụ nữ làm phó tổng thống, với Geraldine Ferrara của đảng Dân chủ năm 1984 và Sarah Palin của đảng Cộng hòa năm 2008. Nhưng cả hai đã không thành công. Năm nay là lần đầu tiên một phụ nữ Mỹ sẽ được tiến cử tranh chức tổng thống.

Đường vào Bạch Ốc đã mở rộng cho nữ ứng cử viên Hillary Clinton từ đảng Dân chủ. Phía Cộng hòa với Donald Trump và cũng có thể là Ted Cruz hay Marco Rubio là hai ứng cử viên có cội nguồn Cuba.

Đến tháng 11 năm nay, nước Mỹ sẽ lại có một tổng thống đến từ guồng máy công quyền như từ bao thế hệ qua. Hay dân Mỹ sẽ làm nên lịch sử khi bầu chọn một phụ nữ hay một doanh gia tỷ phú chưa từng giữ một chức vụ công quyền nào để đứng đầu lãnh đạo quốc gia?

Những điều này đang làm cho cuộc vận động tranh cử ngày càng trở nên sôi nổi.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG