Sáng 21/3, Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đã khai mạc kỳ họp thứ 11 và cũng là kỳ họp cuối cùng của khóa. Một trong các nội dung quan trọng của kỳ họp là việc miễn nhiệm các lãnh đạo nhà nước đương nhiệm, bầu và phê chuẩn một số lãnh đạo mới. Cách làm này khác hẳn với quy trình thông thường - dù chỉ mang tính hình thức - là nhân dân bầu ra cơ quan lập pháp mới trước, rồi cơ quan này tiếp tục bầu, phê chuẩn các lãnh đạo nhà nước.
Quốc hội Việt Nam cho hay động thái của kỳ họp này nhằm tăng tốc việc chuyển giao và đưa chính phủ mới vào hoạt động sớm thay vì phải đợi cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 và Quốc hội mới phê chuẩn vào tháng 7.
Điều này có nghĩa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ được miễn nhiệm sớm hơn dự kiến, đẩy nhanh việc ông ra đi gây nhiều dị nghị, tiếp sau việc ông không được cân nhắc cho chức tổng bí thư đảng tại đại hội của đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 1.
Ông Dũng đã làm thủ tướng hai nhiệm kỳ và không có vai trò chính trị nào trong tương lai. Mặc dù ông được nhiều người biết đến là người cởi mở về kinh tế và chống lại sự lấn tới của Trung Quốc trên biển, song các chuyên gia cho rằng những đảng viên trung thành lo ngại ông Dũng có thể trở thành một người thâu tóm quá nhiều quyền lực trong một đất nước lâu nay được quản trị bằng sự đồng thuận.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hôm 18/3 nói với các phóng viên rằng cách làm việc mới là nhằm tăng hiệu quả. “Chúng ta cần tinh thần mới, động lực mức, lực đẩy mới, được thực thi ngay từ đầu”, ông nói khi giải thích về lý do vì sao chính phủ mới sẽ do các nhà lập pháp cuối khóa phê chuẩn.
Quy trình này chỉ là hình thức khi mà việc đề cử người vào chức vụ thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đã được đảng cộng sản phê duyệt rồi. Đảng cũng kiểm soát Quốc hội có tính chất bù nhìn.
Những người được đề cử bao gồm ông Nguyễn Xuân Phúc - hiện là cấp phó của ông Dũng - sẽ làm thủ tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm chủ tịch nước, và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch Quốc hội.
Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ 2 tại đại hội đảng hồi tháng 1.
Quốc hội sẽ phê chuẩn 3 chức vụ chủ chốt kể trên trong các phiên họp riêng rẽ trong khoảng thời gian từ ngày 31/3 đến 7/4. Các bộ trưởng mới sẽ được phê chuẩn vào ngày 9/4.
Theo luật Việt Nam, Quốc hội có quyền bầu, miễn nhiệm, hay bãi nhiệm những quan chức nắm các chức vụ chủ chốt của nhà nước. Việc Quốc hội khóa 13 miễn nhiệm các lãnh đạo hiện nay trong đó có ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước; và ông Nguyễn Tấn Dũng, để bầu bà Ngân, ông Quang và ông Phúc thay thế không trái luật và không vi hiến, nhưng ba vị này sẽ là các chủ tịch Quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng mới của khóa 13.
Một số nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam chỉ ra rằng về lý thuyết, có thể xảy ra việc các ông bà Ngân, Quang và Phúc không được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 14 trong cuộc bầu cử sắp tới. Nếu như vậy, theo luật, họ sẽ không thể được Quốc hội khóa 14 đề cử, nói gì đến việc được bầu vào các chức vụ chủ chốt của nhà nước.
Tuy nhiên, giả định này rất khó có thể xảy ra trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, nơi vẫn luôn có những nghi vấn về tính minh bạch của các cuộc bầu cử.
Theo Reuters, Channel News Asia.