Đường dẫn truy cập

Putin phải lụy Kim Jong Un


Xuất ngoại cũng là cơ hội Kim Jong Un cho thấy mình giống một vị hoàng đế ngự giá - trang trọng, uy nghi, tiền hô hậu ủng, ngựa xe, cờ quạt, mũ mãng huy hoàng.
Xuất ngoại cũng là cơ hội Kim Jong Un cho thấy mình giống một vị hoàng đế ngự giá - trang trọng, uy nghi, tiền hô hậu ủng, ngựa xe, cờ quạt, mũ mãng huy hoàng.

Kim Jong Un từng đi học ở Thụy Sĩ, đã bay qua Singapore và Hà Nội để gặp ông Tổng thống Trump, năm nay cũng cố ý giữ “nền nếp của ông cha,” đáp chuyến xe lửa suốt 20 tiếng đồng hồ.

Vladimir Putin đang cần thêm súng đạn. Cuộc xâm lăng Ukraine đã kéo dài gần 19 tháng, các nhà máy sản xuất vũ khí của Nga chạy không kịp, vì bị cấm mua nhiều thứ chíp, thiếu nguyên liệu và bộ phận. Nga đã mua vũ khí của Bắc Hàn từ năm ngoái; chuyện mua bán có thể chỉ cần một cú điện thoại, rồi cấp dưới sẽ bàn bạc giá cả, thuận mua vừa bán. Tại sao Putin phải đích thân gặp Kim Jong Un ở Vladivostok, cách Moscow 6,000 km?

Có lẽ vì Kim Jong Un muốn gặp.

Có hai lý do để Un muốn chụp hình chung với Putin. Một là thỏa mãn nhu cầu phô trương bộ mặt của mình. Hai là muốn Putin phải trao đổi, cung cấp cho Bắc Hàn các kỹ thuật quân sự mới nhất.

Un có nhu cầu đứng bên các chính khách quốc tế chụp hình, cả thế giới thấy mình là một nhân vật quan trọng. Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), ông nội, và bố, Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), chỉ đóng vai phụ trong các bức hình chụp với các lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc. Lần cuối cùng Kim Jong Un được đưa lên báo, đài thế giới là năm 2018, 2019, với Tập Cận Bình và Putin. Vinh dự lớn nhất là Un gặp Tổng thống Donald Trump hai lần, cũng trong hai năm đó. Cả ông bố và ông nội đều muốn mà không được gặp một tổng thống Mỹ nào.

Xuất ngoại cũng là cơ hội Kim Jong Un cho thấy mình giống một vị hoàng đế ngự giá - trang trọng, uy nghi, tiền hô hậu ủng, ngựa xe, cờ quạt, mũ mãng huy hoàng. Mỗi lần các lãnh tụ Bắc Hàn đi xa, báo, đài thế giới phải chú ý đến phương tiện di chuyển độc đáo: Họ chỉ dùng hỏa xa. Kim Il Sung đã dùng xe lửa đi qua Trung Quốc rồi đến tận Việt Nam. Chuyến xe chở Kim Jong Il qua Moscow gặp Putin năm 2001 đi mất 10 ngày! Cả hai không dám đi máy bay vì sợ tai nạn và lo bị ám sát!

Kim Jong Un từng đi học ở Thụy Sĩ, đã bay qua Singapore và Hà Nội để gặp ông Tổng thống Trump, năm nay cũng cố ý giữ “nền nếp của ông cha,” đáp chuyến xe lửa suốt 20 tiếng đồng hồ, quãng đường chỉ dài 1,180 km, tức 55 km/giờ - xe lửa tốc hành ở Nhật chạy 320 km một giờ.

Tại sao xe chạy chậm như thế? Một lý do là nó bọc thép, rất nặng. Có thể cũng vì xe lửa ở Bắc Hàn còn theo lối cổ thời 1930 chưa đổi, khoảng cách giữa đường rầy vẫn rất hẹp, chạy nhanh nguy hiểm. Khi đến biên giới lại mất mấy tiếng đồng hồ để đổi hết các bánh xe sắt, vì đường rầy bên Nga rộng hơn. Riêng việc kiểm soát an ninh tất cả các nhà ga, dò xét từng vật dụng, từng cử động của công nhân, cũng chiếm nhiều thời giờ.

Mỗi chuyến lãnh tụ Bắc Hàn xuất hành phải sử dụng hai hoặc ba đoàn xe giống hệt nhau cùng đi. Chỉ có một toa xe bọc thép kiên cố chở lãnh tụ, nhưng toa xe nào, nằm trong đoàn tàu nào, không ai biết. Đoàn xe lửa đặc biệt này mang danh hiệu “Taeyangho,” – nghĩa là Mặt Trời trong tiếng Hàn Quốc – để tưởng niệm Kim Nhật Thành (Kim Il Sung).

Những sĩ quan Nga có kinh nghiệm mô tả với đài BBC cảnh sống xa hoa, tráng lệ bên trong các chuyến xe lửa Taeyangho. Thực đơn có tất cả các món ăn Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn; từ tôm hùm đến bào ngư; có thể gọi rượu vang Bordeaux, Burgundy từ Paris đưa tới, và rượu vodka Standard của Nga lúc nào cũng sẵn. Trên tàu sẵn có các phòng giải trí với các đoàn văn công phục vụ bất kể ngày đêm.

Ngoài ra, Kim Jong Un muốn hình ảnh được Vladimir Putin tiếp tước trọng thể sẽ chứng tỏ mình đúng là một chính khách quốc tế quan trọng. Cả hai đều giỏi trong nghệ thuật biến cuộc hội kiến trở thành đại sự thế giới. Cả hai hoàn toàn chỉ lo công việc quốc gia, không biểu lộ một cá nhân nào. Kim Jong Un chắc sướng hơn khi gặp Donald Trump, con người đa cảm, sau khi chia tay còn tuyên bố đã “phải lòng” (fell in love).

Cả Vladimir Putin và Kim Jong Un đều không nói chuyện tình cảm trong cuộc gặp gỡ này. Phát ngôn viên chính phủ Nga nói rằng hai bên không ký kết điều gì liên quan đến quân sự. Chuyện khó tin! Vì giao dịch kinh tế giữa hai nước gần như hoàn toàn là số không, nền ngoại thương của Bắc Hàn chỉ có Trung Cộng, chiếm 95%.

Cho nên, họ chỉ còn một chuyện để thể thảo luận, là vũ khí! Từ khi xâm lăng Ukraine, Nga đã mua súng và đạn đại pháo của Bắc Hàn. Hàng trăm xưởng chế tạo, mỗi xưởng mười ngàn công nhân trên cả nước; đang có sẵn 10,000 khẩu đại bác và mấy chục triệu viên đạn; tất cả các nước trong các nước Bắc Đại Tây Dương (NATO) góp lại cũng không bằng, theo báo New York Times. Họ làm súng đạn theo mẫu của Nga, cho nên quân Nga sử dụng dễ dàng, chỉ thiếu loại “vũ khí tinh khôn” tự động tìm đánh trúng mục tiêu. Bắc Hàn cũng xuất cảng súng đạn cho các chế độ độc tài ở Syria và Iran.

Thực ra nếu muốn tiếp tục được cung cấp các thứ súng đạn này, Vladimir Putin không cần gặp mặt Kim Jong Un. Chính Kim mới là người cần hội kiến.

Các chính phủ Nga xưa nay, từ thời Stalin, không tỏ ra kính trọng lãnh tụ những nước bé mà to mồm. Kể từ năm 1991, chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, bộ trưởng quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu là nhân vật đầu tiên qua thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang) hồi tháng Bảy năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày đình chiến Nam – Bắc.

Lần cuối cùng, Un gặp Putin năm 2019 không đưa tới một kết quả cụ thể nào để đem khoe. Lần này, nhân cơ hội đòi Putin “trả lễ,” phải đích thân đi 6,000 cây số tới gặp mình. Còn yêu cầu được đưa tới ác xưởng chế tạo và kho chứa máy bay, hỏa tiễn loại mới nhất mà Bắc Hàn chưa đủ sức làm.

Kim Jong Un được đi xem các xưởng đóng tàu thủy, trung tâm không gian Vostochny Cosmodrome. Một phó thủ tướng Nga đưa Un tới thăm xưởng chế tạo máy bay mang tên Yuri Gagarin, phi hành gia người Nga đầu tiên lên vũ trụ. Un được thấy các chiến đấu cơ Sukhoi, Su-35 và Su-57, mới nhất là Sukhoi 100; còn được vào ngồi cạnh phi công, rồi coi các máy bay biểu diễn.

Chỉ quan sát không đủ. Nhu cầu lớn của Kim Jong Un là cải tiến kỹ thuật không lực nước mình. Một giờ trước khi Un gặp Putin, Bắc Hàn đã phóng hai hỏa tiễn liên lục địa, lần đầu tiên Un không chứng kiến vì đi xa. Hỏa tiễn của Bắc Hàn có thể gắn đầu đạn nguyên tử, có thể bay xa tới nước Mỹ nhưng trên đường bay xa có thể bị hư hỏng. Nga và Mỹ đã chế tạo được loại vỏ bọc hỏa tiễn không thể hư hỏng, như các vỏ bọc vệ tinh nhân tạo. Bắc Hàn chưa biết cách, theo bản tin BBC. Kim Jong Un có thể xin Putin giúp về kỹ thuật này. Đây là điều Mỹ đã cảnh cáo Nga trong khi Putin gặp Un.

Kim Jong Un còn mong được Nga giúp trong ngành không gian. Năm nay, hai lần Bắc Hàn phóng vệ tinh nhân tạo đều thất bại. Nhưng Putin không hứa hẹn gì cả, kể cả các kỹ thuật tàu ngầm nguyên tử. Nga có thể sẽ viện trợ lương thực cho Bắc Hàn, nhưng điều này không được nói ra, giữ thể diện cho lãnh tụ!

Trên các trang mạng ở Nga đã chiếu cảnh nhân viên bảo vệ Kim Jong Un khám xét cái ghế ông ta sẽ ngồi nói chuyện với Putin. Họ lật trước, lật sau, dùng máy dò kim loại, dò chất nổ, thuốc độc. Cần bảo đảm cái ghế có thể chịu đựng sức nặng cả tấm thân to béo của vị “Lãnh tụ Yêu Quý” như dân chúng Bắc Hàn vẫn phải gọi!

Với dân số bằng nhau, Nam Hàn đã xuất cảng những đồ điện tử của LG, SamSung, các xe hơi Hyundai, Kia, và các ban nhạc, ca sĩ phim bộ chinh phục khán giả khắp thế giới. Còn Bắc Hàn dồn tất cả tài nguyên chế tạo súng, đạn lớn nhỏ, cho tới bom nguyên tử và các thứ hỏa tiễn. Dân đã chết đói nhiều lần trong các năm qua.

Trong tiệc đại yến Vladivostok, trước khi chia tay Putin và Kim Jong Un đã trao đổi quà tặng, là những khẩu súng mẫu của mỗi bên; đúng như nội dung cuộc gặp gỡ.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG