Đường dẫn truy cập

Putin nói Nga đặt bom hạt nhân ở Belarus là để cảnh báo phương Tây


Ảnh chụp vào ngày 16 tháng 6 năm 2023 do hãng thông tấn RIA Novosti phát đi cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phát biểu trong khi tham dự phiên họp khoáng đại của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) ở Saint Petersburg.
Ảnh chụp vào ngày 16 tháng 6 năm 2023 do hãng thông tấn RIA Novosti phát đi cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phát biểu trong khi tham dự phiên họp khoáng đại của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) ở Saint Petersburg.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Sáu nói việc ông triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, điều mà ông lần đầu tiên xác nhận đã diễn ra, là lời nhắc nhở với phương Tây rằng họ không thể gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế hàng đầu của Nga ở St Petersburg, ông Putin nói các đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga đã được chuyển giao cho đồng minh thân cận Belarus, nhưng nhấn mạnh ông thấy Nga không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân vào lúc này.

"Như quý vị đã biết, chúng tôi đang đàm phán với đồng minh của chúng tôi, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, rằng chúng tôi sẽ chuyển một phần vũ khí hạt nhân chiến thuật này tới lãnh thổ Belarus - điều này đã xảy ra," ông Putin nói.

"Những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển đến lãnh thổ Belarus. Nhưng chỉ những đầu đạn đầu tiên, phần đầu tiên. Chúng tôi sẽ hoàn thành công tác này vào cuối mùa hè hoặc cuối năm."

Những đầu đạn này là vũ khí hạt nhân tầm ngắn có khả năng được sử dụng trên chiến trường. Đây là lần đầu tiên Moscow triển khai các đầu đạn như vậy bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên bang Soviet sụp đổ.

Việc này có chủ đích là cảnh báo phương Tây về việc trang bị vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine, nhà lãnh đạo Nga nói.

"...Nó chính xác là một yếu tố răn đe để tất cả những ai đang nghĩ đến việc gây ra một thất bại chiến lược đối với chúng tôi sẽ không lờ đi tình huống này," ông Putin nói, sử dụng một thuật ngữ ngoại giao cho một thất bại nặng nề đến mức sức mạnh của Nga sẽ bị giảm sút trên trường quốc tế trong nhiều thập niên.

Mỹ đã chỉ trích quyết định của ông Putin nhưng nói rằng họ không có ý định thay đổi lập trường của mình về vũ khí hạt nhân chiến lược và chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, bước đi của Nga đang được theo dõi chặt chẽ bởi Washington và các đồng minh cũng như Trung Quốc, nước đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Putin nói phương Tây đang làm mọi thứ có thể để gây ra thất bại chiến lược cho Nga ở Ukraine, nơi Moscow đang vướng vào cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai sau khi xâm lược nước láng giềng vào năm ngoái trong điều mà họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt."

Nhưng Nga chưa cần dùng đến vũ khí hạt nhân vào lúc này, ông Putin nói. Ông cũng tỏ dấu hiệu cho thấy không có sự thay đổi nào đối với quan điểm hạt nhân của Moscow, vốn chỉ dự kiến một bước đi như vậy nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa.

"Vũ khí hạt nhân đã được tạo ra để bảo đảm an ninh của chúng ta theo nghĩa rộng nhất của từ này và sự tồn tại của nhà nước Nga, nhưng chúng ta... không có nhu cầu như vậy (sử dụng chúng)," ông Putin nói.

Giọng điệu thách thức khi phát biểu trước tầng lớp thượng lưu chính trị và kinh doanh của đất nước, ông nói rằng cuộc phản công của Ukraine chống lại các lực lượng Nga ở Ukraine cho đến nay vẫn chưa có bất cứ thành công đáng kể nào. Lực lượng của Kyiv đang chịu tổn thất nặng nề và "không có cơ hội" chống lại quân đội Nga, ông nói.

Ông cho rằng Ukraine sẽ sớm cạn kiệt thiết bị quân sự của riêng mình, khiến nước này hoàn toàn phụ thuộc vào khí tài do phương Tây cung cấp, làm suy yếu khả năng chiến đấu lâu dài của nước này.

Các nhà phân tích quân sự độc lập cho biết Ukraine đã chiến đấu nhỉnh hơn so với quân đội lớn hơn nhiều của Nga trong gần 16 tháng chiến tranh, buộc nước này phải rút lui đáng kể xung quanh các thành phố Kyiv, Kharkiv và Kherson.

Các chỉ huy quân sự của Ukraine ngày thứ Sáu nói rằng quân đội Ukraine đang tiến công đang đối mặt với "sự kháng cự tuyệt vọng" từ các lực lượng Nga xung quanh thành phố Bakhmut, nơi mà Nga chiếm được vào tháng trước sau trận chiến dài nhất trong cuộc chiến.

Ukraine nói họ đã chiếm lại bảy ngôi làng và 100 km vuông trong giai đoạn đầu của cuộc phản công.

Nhưng Bộ Quốc phòng Nga ngày thứ Sáu nói rằng lực lượng của họ đã đẩy lùi nhiều nỗ lực phản công của quân đội Ukraine tại các địa điểm khác nhau ở tiền tuyến trong 24 giờ qua, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng của Kyiv.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG