Ngân Hàng Trung Ương các nước thường giữ một số ngoại tệ để phòng ngừa. Họ có thể rút tiền từ quỹ dự trữ này ra, đi mua đồng tiền của chính họ, nếu cần bảo vệ giá trị. Tất nhiên, khi đi mua họ phải trả bằng thứ tiền nào ai cũng sẵn sàng nhận. Mỹ kim được mọi người chuộng cho nên các quốc gia thường giữ trong quỹ dự trữ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đề nghị một đồng tiền, cho cả thế giới dùng làm ngoại tệ dự trữ, thay thế đô la Mỹ. Đồng tiền này sẽ được năm quốc gia đứng ra bảo đảm là Brazil, Russia, India, China, và South Africa, viết tắt chung là BRICS. Chưa biết các nước khác có hưởng ứng hay không, nhưng ông Tập Cận Bình có thể sẵn sàng.
Ông Putin hăng hái muốn tấn công đô la Mỹ vì gần đây thấy nhiều quốc gia đã giảm bớt số mỹ kim dự trữ, và mua thêm tiền Trung Quốc.
Theo cuộc nghiên cứu của Ngân hàng UBS, năm nay Ngân Hàng Trung Ương các nước dự định sẽ giữ 5.8% quỹ dự trữ bằng đồng nguyên của Trung Quốc, cao hơn tỷ số 5.7% năm ngoái. Ngược lại, mỹ kim chiếm 69% tổng số ngoại tệ dự cả thế giới trữ vào năm ngoái; năm nay đã giảm xuống chỉ còn 63%, vào tháng Sáu.
Ông Vladimir Putin muốn đẩy đô la Mỹ xuống nữa, để trả đũa hành động phong tỏa kinh tế Nga của Mỹ và các nước Âu châu, sau khi Nga tấn công Ukraine. Một mình Nga không đủ sức, cho nên ông kêu gọi cả 5 nước trong BRICS cùng hợp tác chống Mỹ.
Chính phủ Mỹ có thể sử dụng đô la như một vũ khí ngoại giao vì đồng tiền Mỹ được hầu hết các nước mua làm Ngoại tệ Dự trữ. Công ty các nước mua bán với nhau đã quen thanh toán bằng đô la Mỹ, đồng tiền của nền kinh tế lớn nhất. Giữ đồng đô la thì có thể đầu tư vào các thị trường chứng khoán lúc nào cũng có thể mua hoặc bán dễ dàng, nhanh chóng. Muốn đem bán đô la lấy tiền của bất cứ nước nào cũng được, không bị chính phủ Mỹ ngăn cấm.
Vì vậy, đô la Mỹ chiếm địa vị nổi bật trong thương mại thế giới. Tổ chức SWIFT ở Thụy Sĩ, nơi ghi chép các cuộc thanh lý tiền bạc giữa các nước, cho biết vào tháng Chín năm 2020, 41% các vụ mua bán quốc tế đã dùng đô la Mỹ để thanh toán, đồng nguyên của Trung Quốc chỉ được dùng trong gần 2%.
Vladimir Putin càng cay đắng khi Nga phải chịu đòn cấm vận tiền tệ. Chính phủ Biden bắt các ngân hàng Mỹ không được trao đổi đô la với các ngân hàng và công ty Nga. Không nhận họ gửi tiền mà cũng không bán đô la cho họ. Nga sẽ khó làm ăn với thế giới bên ngoài, vì khắp nơi người bán đều đòi đô la và người mua cũng trả bằng đô la Mỹ qua tài khoản của họ ở các ngân hàng Mỹ. Nếu các ngân hàng Mỹ từ chối, thì phải đi tìm đường đổi ngoại tệ khác, mất thời giờ và tốn kém hơn.
Tòa Bạch Ốc có thể dùng các biện pháp kinh tế gây áp lực ngoại giao, nhờ một đạo luật năm 1977 cho phép. Chính phủ Mỹ đã bao vây kinh tế Iran bằng món đòn phong tỏa không cho dùng đô la; đồng thời trừng phạt cả các công ty nước khác mua bán với Iran. Các công ty Trung Quốc như dầu khí Chu Hải, công ty điện tử, sản xuất điện thoại Huawei đã bị Mỹ cấm vận chỉ vì làm ăn với Iran.
Bây giờ, kinh tế Nga đang bị Mỹ phong tỏa, các công ty Trung Quốc mua bán với Nga, không theo lệnh phong tỏa của Mỹ, cũng sẽ bị trừng phạt.
Trung Quốc mua bán với cả thế giới, chắc chắn phải dùng đô la Mỹ. Trung Quốc đang nhập cảng 70% số dầu lửa và một nửa số khí đốt cần dùng. Hầu hết các nước xuất cảng dầu, khí đều muốn được thanh toán bằng mỹ kim. Một số như Iran và Saudi, có thể cho trả bằng đồng nguyên của Trung Quốc, nhưng chỉ một phần, đáng kể. Nếu Mỹ dùng thứ vũ khí đang đánh Nga áp dụng cho các công ty và ngân hàng Trung Quốc thì hậu quả rất tai hại.
Nước Mỹ mạnh hơn nhiều nhờ địa vị “bá chủ” của đồng đô la. Khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tăng lãi suất để chống lạm phát, khắp nơi phải tăng theo. Chính phủ Mỹ dùng đô la để làm áp lực với tất cả các xứ khác.
Muốn đề phòng có ngày bị Mỹ phong tỏa, Tập Cận Bình sẵn sàng liên kết với Vladimir Putin, sau khi hai người đã cam kết một tình “hữu nghị vô giới hạn,” trước Thế Vận Hội mùa Đông ở Bắc Kinh. Khi Putin đánh Ukraine, Tập Cận Bình vẫn tiếp tục “Đâm lao phải theo lao” để giữ thể diện với thế giới và hơn một tỷ dân Trung Hoa lục địa. Cả hai người đều thầm muốn tiến lên lật đổ ngôi vị của đô la Mỹ trong giao thương quốc tế.
Nhưng Putin và Tập Cận Bình có thể dùng sức mạnh kinh tế của 5 nước trong khối BRICS tiến lên truất phế đồng đô la Mỹ hay không?
Rất khó. Trong năm nước đó, bốn nước theo chính sách hạn chế việc mua bán đồng tiền của chính họ. Những người bán hàng rồi nhận đồng nguyên của Trung Cộng hay đồng rupee của Ấn Độ, nếu muốn đem đổi một số lớn qua đô la Mỹ, phải chờ được chính phủ các nước này cho phép.
Năm 2016, Trung Cộng đã ấn định giá cả đồng nguyên, dựa trên một “cái giỏ” gồm tiền tệ nhiều nước (a basket of currencies), trong cái giỏ đó đô la Mỹ chiếm nhiều nhất. Bắc Kinh đã tìm cách lập một quỹ dự trữ đồng nguyên, nhưng không được ủng hộ rộng rãi. Quỹ dự trữ này gom tiền của sáu nước, trong đó có Trung Cộng, Hồng Kông, Singapore; mỗi nước góp vốn tương đương với $2.2 tỷ đô la. Chưa biết quỹ này sẽ thay đổi được địa vị các thứ tiền đó ra sao, ngoài các trao đổi giữa các nước này. Trong thị trường mua bán ngoại tệ, hiện nay 88% các vụ trao đổi dùng đô la Mỹ, chỉ có 4.3% là mua hay bán đồng nguyên. Đồng nguyên đứng hàng thứ tám, sau đồng franc của Thụy Sĩ.
Ông Putin biết rằng mấy năm gần đây, ngân hàng trung ương các nước đã bớt mua mỹ kim về làm dự trữ. Họ chuyển qua dùng thêm các ngoại tệ khác, như tiền Thụy Điển, Australia, Nam Hàn. Nhưng đồng nguyên chỉ chiếm được một phần tư trong số tiền vào thay thế chỗ của mỹ kim.
Đồng nguyên hiện đang chiếm 2.9% tổng số ngoại tệ dự trữ của các nước trên thế giới. Nếu các ông Putin và Tập Cận Bình muốn lật đổ địa vị độc tôn của đồng đô la Mỹ, chắc họ sẽ phải chờ mươi năm, có thể chờ vài chục năm nữa. Nhưng kinh tế nước Nga đang xuống dốc; kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng và đang gặp nhiều khó khăn vì chính sách chống bệnh dịch quá cứng rắn của đảng Cộng sản. Chưa hết, các nước Mỹ, Âu châu, Nhật Bản, Nam Hàn, Australia đều thấy liên minh giữa Putin và Tập Cận Bình đang đe dọa cả thế giới. Họ sẽ cùng tìm cách ngăn cản, từ an ninh, quốc phòng cho tới kinh tế.
Diễn đàn