Các nước đồng minh Tây phương của Ukraine tuần trước cảnh báo rằng Nga có thể sắp tấn công Ukraine và trong tuần này nói rằng một cuộc tấn công từ Nga vẫn là một “khả năng rõ ràng.” Nhưng hiện nay có sự đồng thuận rằng Điện Kremlin có ý định giữ cho NATO và Kyiv trong tình trạng hồi hộp và đang chuẩn bị kéo dài chiến lược hăm doạ vũ trang.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss ngày 17/2 cảnh báo là Nga có thể kéo dài căng thẳng trên biên giới Ukraine trong nhiều tháng, thử thách quyết tâm của phương Tây và sự kiên cường của Ukraine nhằm đạt được những nhượng bộ an ninh và chọc tức liên minh phương Tây.
Bà nói không có bằng chứng cho thấy có một sự rút quân nào từ Nga dù Nga tuyên bố như vậy.
“Chúng ta chớ bị lùa vào cảm giác sai lầm về an ninh bởi việc Nga tuyên bố một số binh sĩ đã trở về căn cứ, trong khi trên thực tế việc tập trung quân của Nga không có dấu hiệu giảm sút,” bà nhấn mạnh. “Hiện không có bằng cớ nào cho thấy Nga rút quân khỏi vùng biên giới gần Ukraine,” bà nói thêm.
Và Ngoại trưởng Anh cảnh báo: “Chớ có ảo tưởng vì Nga có thể kéo lê vụ này trong một nỗ lực làm rối trí đối phương một cách trơ tráo thêm nhiều tuần nữa - nếu không muốn nói là nhiều tháng nữa - để lật đổ Ukraine và thách thức sự đoàn kết của phương Tây. Đây là cuộc trắc nghiệm dũng khí của chúng ta.”
Đánh giá của bà phản ánh điều mà các giới chức Ukraine từ lâu đã lập luận-ấy là Điện Kremlin có nhiều giải pháp chiến tranh hỗn hợp và sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng dùng những chiến thuật khác nhau để khiêu khích và đe dọa. Họ nhiều lần nhấn mạnh rằng chiến lược của ông Putin là làm sói mòn phương Tây hơn là đánh cuộc với chuyện xâm chiếm Ukraine vốn có thể làm cho Nga gặp nhiều khó khăn trong một cuộc chiến kéo dài đẫm máu.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, và những phụ tá đã cẩn thận trong việc dự đoán một cuộc xâm lăng hay đưa ra một thời điểm về chuyện này. Trước đây trong tuần, nhà lãnh đạo Ukraine dường như chế nhạo những cảnh báo của phương Tây về một thời điểm chắc chắn sẽ xảy ra cuộc tấn công từ Nga là ngày 16/2.
Người đứng đầu tình báo Anh trước đây, ông John Sawer, nói với BBC rằng ông nghĩ nguy cơ xảy ra một cuộc xâm chiếm “không bao giờ cao như một số chính phủ phương Tây mô tả.”
Bên cạnh những lo ngại về xâm chiếm, các đồng minh NATO không để xảy ra sơ sót. Họ đang chuẩn bị điều động thêm xe tăng và máy bay đến đông Ấu để gia tăng sự tự tin cho các thành viên NATO ở Trung Âu và vùng Baltic. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 16/2 nói: “Chúng ta chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.”
Các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng quyết tâm củng cố hệ thống phòng vệ trên mạng của Ukraine tiếp sau một cuộc tấn công mạng rộng lớn vào giữa tuần làm ngưng trệ các dịch vụ, mà Ukraine đổ lỗi cho Nga, và nhắm vào trang mạng của Bộ Quốc phòng Ukraine. Tấn công mạng cũng ảnh hưởng đến ngân hàng tư lớn nhất Ukraine và một ngân hàng khác do nhà nước làm chủ cũng như hạ tầng cơ sở năng lượng.
Các chuyên gia của Mỹ và Anh được điều động để giúp Ukraine xây dựng an ninh mạng bền vững và nhận diện các điểm dễ bị xâm nhập trong các hệ thống quan trọng cũng như phát hiện các phần mềm độc hại, các giới chức phương Tây nói.
NATO chia rẽ
Với cuộc khủng hoảng kéo dài giữa đòi hỏi của Nga là NATO không bao giờ thu nạp Ukraine làm thành viên, có những dấu hiệu một sự chia rẽ đang xuất hiện giữa các đồng minh phương Tây về những nhượng bộ được đưa ra cho Nga nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, Emmanuel Macron và Olaf Scholz, trong vai trò ngoại giao con thoi giữa Moscow và Kyiv, đang gây áp lực để Ukraine tuyên bố từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, các giới chức Ukraine nói với VOA.
Các thành viên khác trong liên minh, đặc biệt là những nước láng giềng gần Ukraine, phản đối việc chính thức cấm cửa Ukraine gia nhập NATO vì e rằng làm như vậy sẽ khiến Điện Kremlin táo bạo hơn và vì việc này sẽ phá hoại chính sách mở rộng của liên minh và thiết lập quyền cho các cường quốc áp đặt chính sách ngoại giao cho các nước nhỏ.
Hiệp ước Minsk
Với tên gọi là Hiệp ước Minsk do Pháp và Đức làm trung gian vào năm 2015, thỏa thuận không mấy được ưa chuộng tại Ukraine này được Kyiv nhất trí trong lúc thua trận ở miền đông và không còn sự lựa chọn nào khác là phải ký.
Các chính trị gia Ukraine tin là thoả thuận này có thể được Điện Kremlin sử dụng để chế ngự nước láng giềng và xen nhiều hơn vào chính trị nội bộ của Ukraine. Thỏa thuận có mục đích ngưng giao tranh trong vùng Donbass và đề nghị ‘hai cộng hòa ly khai’ trong khu vực được Moscow yểm trợ này tái hội nhập vào Ukraine nhưng có những quyền tự cai trị đáng kể.
Tuần trước Tổng thống Ukraine không tỏ ra tái cam kết hoàn toàn với thỏa thuận, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp. Hôm 16/2, hãng tin Kyiv Independent dẫn các nguồn tin của chính phủ Ukraine và các nguồn tin ngoại giao nói rằng cả hai Tổng thống Pháp Emmanel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều cố thúc đẩy Kyiv chứng tỏ tiến bộ trong việc tuân thủ hiệp ước Minsk.
Ông Fredrik Löjdquist, từng là nhà ngoại giao của Thuỵ Điển, lo ngại là cuộc khủng hoảng sẽ bị Điện Kremlin kéo dài. Ông viết trên truyền thông xã hội rằng “phương Tây đã phản ứng trên một sân chơi do Nga dàn dựng.” Ông e rằng Tổng thống Nga đã đạt được rất nhiều khi đẩy các chính phủ phương Tây vào việc thảo luận về an ninh châu Âu cũng như làm mới các áp lực để Kyiv nhượng bộ về chủ quyền.
Tuy nhiên, những người khác cho rằng các cường quốc phương Tây, do Tổng thống Mỹ lãnh đạo, đang làm rất tốt trong việc chống lại ông Putin và định hình một chính sách gắn kết để kìm chế Nga trong khi vẫn giữ đoàn kết tổng thể.
Ông Ian Bremmer thuộc Eurasia Group, một công ty đánh giá rủi ro ở New York, ca ngợi Tổng thống Joe Biden rằng: “Tới nay chính sách Ukraine là đi đúng mục tiêu.”