Các chính phủ phương Tây hôm thứ Hai 18/3 đồng loạt lên án việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử, gọi chiến thắng của ông là không công bằng và phi dân chủ. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Triều Tiên chúc mừng nhà lãnh đạo kỳ cựu tiếp tục nắm quyền thêm 6 năm.
Những phản ứng trái ngược nhau này cho thấy rõ sự chia rẽ địa chính trị ngày càng lớn hơn kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hai năm trước, gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ với phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đến Brussels hôm 18/3, các ngoại trưởng EU đã thẳng thừng gọi kết quả bầu cử là một trò giả hiệu, sau đó, họ đồng ý về các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân có liên quan đến việc ngược đãi và gây ra cái chết của nhân vật chỉ trích Điện Kremlin là Alexei Navalny.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu khi bắt đầu cuộc họp: “Bầu cử ở Nga là một cuộc bầu cử không có sự lựa chọn”.
Bộ Ngoại giao Pháp đưa ra quan điểm: “Các điều kiện cho một cuộc bầu cử tự do, đa nguyên và dân chủ đã không được đáp ứng”.
Ngoại trưởng Anh David Cameron nói rằng kết quả bầu cử nêu bật lên "mức độ đàn áp trầm trọng" ở Nga.
Ông Cameron phát biểu: “Ông Putin loại bỏ các đối thủ chính trị, kiểm soát giới truyền thông và sau đó tự phong là người chiến thắng. Đó không phải là dân chủ”.
Pháp, Anh và những nước khác lên án việc Nga cũng tổ chức bầu cử tại các khu vực của Ukraine bị chiếm đóng mà Nga tuyên bố đã sáp nhập trong chiến tranh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng cuộc bầu cử ở Nga không có tính chính danh.
Ông Zelenskiy phát biểu: “Mọi người trên thế giới đều thấy rõ rằng nhân vật này (Putin)… chỉ đơn thuần là kẻ bệnh hoạn về quyền lực và đang làm mọi cách để cai trị mãi mãi”.
Người phát ngôn Nhà Trắng nói hôm 17/3 rằng cuộc bầu cử ở Nga "rõ ràng là không tự do và công bằng".
Điện Kremlin bác bỏ những lời chỉ trích nói trên.
Ngược lại với phương Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng ông Putin và nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Moscow để thúc đẩy quan hệ đối tác "không giới hạn" mà họ đã đồng ý vào năm 2022, ngay trước khi Nga xâm chiếm Ukraine.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập nói với ông Putin trong thông điệp của mình: “Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Nga chắc chắn sẽ có thể đạt được những thành tựu lớn hơn trong việc phát triển và xây dựng đất nước”.
Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman đã gửi lời chúc mừng về chiến thắng "quyết định" của ông Putin và Điện Kremlin cho hay hai ông đã điện đàm, trong đó, họ bày tỏ sẵn sàng "phối hợp hiệu quả" trong nhóm các nước sản xuất dầu OPEC+.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có chung quan điểm, nói rằng ông mong muốn tăng cường "mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền và đặc biệt đã được thử thách theo thời gian" giữa New Delhi và Moscow.
Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với Nga, là thành viên của nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi nhắm đến thách thức sự thống trị của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, đều bị phương Tây cáo buộc là cung cấp vũ khí cho Nga, cũng gửi lời chúc mừng tới ông Putin, nhấn mạnh mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ song phương với Moscow.
Diễn đàn