Mohammed Yusuf
ATHENS - Các nhà nghiên cứu hải dương hy vọng rằng việc nuôi cá có thể giúp cho các nước châu Phi vượt qua tình trạng thiếu hụt lương thực kinh niên.
Các nhà khoa học từ trung tâm Hellenic về Nghiên cứu Hải dương có trụ sở tại Athens đang tìm các cách thức để cải thiện việc nuôi cá ở châu Âu và hiện được yêu cầu làm công việc tương tự như vậy để giảm bớt tình trạng thiếu lương thực ở châu Phi.
Các chính phủ Kenya và Sierra Leone đã tìm đến Liên hiệp châu Âu để nhờ trợ giúp về thủy sản.
Giám đốc trung tâm Hellenic Evangelos Papathanassiou giải thích đây là một dự án chung Âu – Phi.
“Đối với các nước châu Phi, tôi biết đó là sáng kiến từ phía EU. Đã có ba cuộc họp với các giới chức cấp cao từ các nước châu Phi và châu Âu về việc nghiên cứu và sáng tạo cho vấn đề an ninh lương thực.”
Dự án bắt đầu vào năm nay để khuyến khích việc nuôi cá như là một cách thức để chống đánh bắt cá.
Với việc giảm lượng cá ở sông hồ vì ô nhiễm môi trường, việc làm này là một cách để châu Phi tự nuôi dân và nối dần khoảng cách giữ cung và cầu trong thị trường.
Trung tâm Hellenic đã đưa nhiều nhà khoa học đến hồ Victoria của Kenya, nơi mà lượng cá đã bị giảm xuống, để thực hiện dự án thí điểm.
Ông Papathanassiou nói châu Phi cần tìm ra những cách thức mới để nuôi dân trong trường hợp các nguồn luơng thực truyền thống bị cạn kiệt.
“Bạn có thể có được lương thực bạn cần nếu các nguồn cung cấp lương thực không đủ hay bạn bị cạn kiệt thủy sản ở một hồ nào đó. Bạn không nên để cá bị cạn kiêt ở một hồ, bạn nên đánh cá chừng nào bạn có một lượng thu ổn định và cố gắng nuôi cá. Đây là một kiểu kết hợp có thể diễn ra từ từ thông qua dự án.”
Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc FAO cho biết 214 triệu người ở vùng cận Sahara của châu Phi hiện đang đối mặt với một dạng khủng hoảng lương thực nào đó và châu lục này đang tiến triến chậm chạp hơn các khu vực khác trong việc đạt được các mục tiêu giảm đói của quốc tế.
FAO cho biết cứ bốn người châu Phi thì có một người bị suy dinh dưỡng, tỉ lệ cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới.