Nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam sững sờ khi xem video clip ghi lại cảnh công an bắt hai phụ nữ mại (bán) dâm, một thanh niên mãi (mua) dâm và chủ quán giải khát – nơi xảy ra hoạt động mại dâm xếp hàng ở ngoài đường, dùng loa phóng thanh hài tội họ kèm theo danh tính, trú quán, sinh quán từng người, rồi bắt từng người bước ra giữa đường cho thiên hạ nhận diện...
Giống như Việt Nam, nhiều quốc gia không chấp nhận mại dâm và mãi dâm, xử phạt các hành vi này bằng hiều hình thức (phạt tiền, phạt tù) nhưng nếu không kể những khu vực bị các nhóm Hồi giáo cực đoan kiểm soát, dường như chỉ có hệ thống công quyền Việt Nam – thành viên Liên Hiệp Quốc, nhiều lần cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ thực thi nghiêm túc Công ước về các quyền Dân sự, Chính trị - mới hành xử với những người mại dâm, mãi dâm như vậy!
***
Khoảng giữa thập niên 1990, Thành ủy TP.HCM phát động phong trào “Góp ý xây dựng chính quyền”. Người viết bài này có dịp tham dự một buổi “Góp ý xây dựng chính quyền” do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức. Hôm đó, từ những lãnh đạo cao nhất hiện diện tại buổi góp ý (ông Phạm Chánh Trực - Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ông Nguyễn Văn Đua – Bí thư Thành Đoàn) cho đến đại diện các cơ quan trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM đều “nhất trí” nhận định, tình trạng vô pháp (bia ôm, mại dâm, đâm chém, đánh giết) tràn lan và càng ngày càng nghiêm trọng là hệ quả của… phim ảnh khiêu dâm, kích động bạo lực.
Thế rồi có một cá nhân – hình như là nhà báo – bước lên diễn đàn. Diễn giả kể một câu chuyện mới xảy ra ở Thủ Đức được Tuổi Trẻ Cười thời ấy tường thuật, theo đó, có một người đàn ông gửi đơn đến công an xã xin… giết gã hàng xóm vì y đã lấn đất của ông lại còn liên tục chửi, thậm chí đánh người đàn ông trong một thời gian dài vì ông ta dám phản đối. Sau một thời gian dài cầu cứu nhưng hệ thống công quyền các cấp không can thiệp, người đàn ông gửi đơn xin giết gã hàng xóm – tiếng là xin nhưng lá đơn hiếm có ấy giống như một thông báo mà nội dung khẳng định, bởi hệ thống công quyền vô dụng nên nạn nhân sẽ tự xử theo cách của mình. Phải tới lúc đó hệ thống công quyền từ xã tới huyện bắt đầu chuyển động, gã hàng xóm bị buộc phải đem hàng rào đặt lại ở ranh hợp lý, bị cảnh cáo nếu tiếp tục chửi, đánh nạn nhân thì hệ thống công quyền sẽ đưa y đi cưỡng bức lao động. Nhờ vậy mà xung độ được hóa giải.
Theo diễn giả thì tờ đơn xin giết người chỉ là một trong hàng loạt ví dụ chứng minh hệ thống công quyền tại Việt Nam vô trách nhiệm và hành xử lệch lạc khi thực thi pháp luật. Quan niệm và cách vận hành chẳng giống ai cho phép các thành viên của hệ thống này chỉ động tay, động chân nếu sự kiện có khả năng tạo ra hậu quả nghiêm trọng tới mức, người ta phải truy cứu trách nhiệm của những cá nhân hữu trách. Quan niệm và cách vận hành chẳng giống ai đó là mảnh đất màu mỡ, vừa ươm, vừa phát triển nhận thức “mạnh được, yếu thua”, tự xử trở thành phương thức ứng xử phổ biến. “Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” là điều tất yếu để bảo vệ lợi ích khi phát sinh những bất đồng từ va chạm trong giao thông, tới mâu thuẫn trong sinh hoạt.
Diễn giả cảnh báo, nếu hệ thống công quyền tiếp tục quan niệm và vận hành theo kiểu như thế, đạo đức sẽ tiếp tục suy đồi, sinh hoạt xã hội sẽ hỗn loạn. Biến phim ảnh khiêu dâm, kích động bạo lực thành “thùng chứa” là một kiểu ngụy biện. Chắc chắn “anh” nào trong số các “anh” hiện diện tại buổi góp ý đó cũng đã từng xem phim khiêu dâm, kích động bạo lực nhưng không có “anh” nào hiếp ai hoặc đánh ai. Khác biệt trong hành vi là nhận thức. Nhận thức, hành xử không đơn thuần chỉ từ giáo dục mà còn từ kiểu quản trị, điều hành của hệ thống công quyền...
Người viết bài này còn nhớ là diễn giả nói xong, bước xuống, khán phòng im phăng phắc, không ai vỗ tay – dù chỉ nhằm bày tỏ lịch sự - vì ông Phạm Chánh Trực và ông Nguyễn Văn Đua liên tục lắc đầu. Ngày hôm sau, chẳng tờ báo nào tường thuật những góp ý vừa kể.
***
So với giai đoạn giữa thập niên 1990, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thế. Khác biệt chủ yếu nằm ở chỗ đạo đức và sinh hoạt xã hội thê thảm hơn. Mức độ tồi tệ giờ vượt xa khả năng tưởng tượng của nhiều người. Song song với tâm trạng bất an thường trực, số người vừa bất bình, vừa thắc mắc về nguồn gốc khiến hỗn loạn gia tăng càng ngày càng đông.
Muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Tại sao danh dự, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người Việt càng ngày càng rẻ? Tại sao đánh, chửi, đâm chém, đập phá, hành xử càn rỡ càng ngày càng phổ biến?... thì phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi:
Tại sao hệ thống công quyền không xử lý ngay lập tức và xử lý một cách nghiêm khắc tất cả những hành vi xâm phạm danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân?
Nếu tất cả những hành vi xâm phạm danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân, bất kể mức độ lớn hay nhỏ đều bị xử lý nghiêm khắc như hệ thống công quyền của nhiều quốc gia khác thì thực trạng xã hội Việt Nam có như hiện nay không? Du đãng có dám tổ chức hành hung, thực hiện những cuộc truy sát người khác và truy sát nhau giữa thanh thiên, bạch nhật như vẫn thấy hay không? Trẻ con có thi nhau bắt nạt bạn bè, có dám xem việc nhục mạ người khác như một thứ chiến tích để khẳng định mình không?..
Chẳng lẽ bảo vệ trật tự, trị an để mọi người có thể sống an ổn không quan trọng bằng bảo vệ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN? Nếu mức độ an ổn của xã hội là quan trọng thì tại sao hệ thống công quyền không bận tâm đến việc bảo vệ danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân mà chỉ chuyên chú vào việc “chống các thế lực thù địch, phản động”? Nếu mức độ an ổn của xã hội là quan trọng thì tại sao các băng nhóm tội phạm có thể lộng hành tới mức như vậy? Tại sao không cách chức Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Chánh án Tối cao khi thuê mướn du đãng giải quyết mâu thuẫn cá nhân, đòi nợ giúp,… trở thành con đường mà càng ngày càng nhiều công dân lựa chọn vì tin rằng con đường đó hiệu quả hơn nhờ cậy hệ thống tư pháp? Tại sao tất cả các Thủ tướng đều phớt lờ trách nhiệm khi bộ máy hành pháp từ trung ương đến địa phương trở thành vô dụng, dân tự tổ chức phòng vệ, tự tổ chức săn đuổi và thay mặt công lý tự trừng trị kẻ gian – kể cả bằng những phương thức mà không quốc gia văn minh nào chấp nhận (nhốt trộm vào cũi, đánh đập cho đến chết,…)?
***
Danh dự, sức khỏe, tính mạng, tài sản của người Việt có chút giá trị nào không? Dường như là không. Bởi nếu có thì tại sao hệ thống công quyền vẫn thản nhiên dung dưỡng những hành vi xâm hại danh dự, sức khỏe, tính mạng của công dân càng ngày càng nhiều và càng ngày càng nghiêm trọng? Bởi nếu có thì tại sao những vụ công an tra tấn nghi can, bị can đến chết vẫn còn xảy ra thường xuyên? Bởi nếu có thì tại sao công an vẫn thẳng tay đánh đập người khác giữa thanh thiên, bạch nhật?..
Có thể ngày mai hoặc tuần sau, do phản ứng của công chúng, vụ hạ nhục những người liên quan đến hoạt động mua bán dâm ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang sẽ được giải thích là vì những sĩ quan công an và các viên chức ở Phú Quốc “yếu kém” về “nhận thức”. Sự “yếu kém” đó thật ra là “nhận thức chung” của cả hệ thống công quyền: Dân là đối tượng bị trị nên hệ thống này có quyền đặt định, chọn bất kỳ “biện pháp” nào nhằm “trừng phạt riêng và răn đe chung”. Chẳng phải bất kể Hiến pháp minh định quyền “bất khả xâm phạm về chỗ ở”, công an vẫn thản nhiên đạp cửa xông vào các khách sạn, nhà nghỉ để “bắt quả tang” các vụ mua bán dâm, không cho những phụ nữ mại dâm mặc quần áo, chụp ảnh họ trần truồng để cung cấp cho các tờ báo đó sao?..
Nhiều cá nhân, nhiều nhóm vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam từng tổ chức giới thiệu, phát các tài liệu về nhân quyền cho công chúng. Tuy một mực khẳng định đang nỗ lực hết mức để “thăng tiến nhân quyền” tại Việt Nam nhưng hệ thống công quyền luôn thẳng tay đàn áp những cá nhân, những nhóm như vậy. Lý do chính dẫn đến sự bất nhất làm nhiều người thắc mắc đó rất đơn giản, hệ thống công quyền Việt Nam muốn hạn chế tối đa số người ý thức rằng, sống an ổn, được tôn trọng, bình đẳng trong việc thụ hưởng phúc lợi, tham gia vào việc quyết định vận mệnh dân tộc, điều hành quốc gia là những quyền căn bản của một con người và bất cứ chính quyền nào, ở bất kỳ đâu dưới gầm trời này cũng phải tạo điều kiện để từng cá nhân có thể dễ dàng thực thi các quyền ấy.
Xem vụ hạ nhục những người liên quan đến hoạt động mua bán dâm ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là chuyện nhỏ chẳng khác gì tiếp tục chấp nhận hệ thống công quyền xem phẩm giá, sự an ổn của chính mình và những thân nhân của mình cũng là chuyện nhỏ.
Thế thôi!