Đường dẫn truy cập

Chó Phú Quốc vẫn còn hay đã tuyệt chủng?


Ảnh vẽ chó Phú Quốc tên Mango (Xoài). Ảnh trích từ đặc san Thảo Cầm Viên.
Ảnh vẽ chó Phú Quốc tên Mango (Xoài). Ảnh trích từ đặc san Thảo Cầm Viên.

Trịnh Bách


Khoảng cuối năm 1969, giới chơi chó cảnh ở Sài Gòn rộ lên tin đồn rằng người Mỹ đang có chương trình cho lai hai giống chó béc-giê chân cao Shiloh và chó Phú Quốc để tạo ra một loại chó trận mới thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. Và cả Sài Gòn nhao lên với cái tên gọi chó Phú Quốc, mà cho đến khi ấy vẫn gần như vô danh.

Trong quyển từ điển Le Petit Larousse ‘Le Chien’ (Tiểu Từ Điển về Chó) xuất bản năm 1959, rất phổ biến trong giới nuôi chó cảnh ở Sài Gòn thời bấy giờ, thấy có đoạn nói về chó Phú Quốc, mà họ cho rằng rất có thể là một giống chó cổ. Niềm tự hào dân tộc lên cao lắm. Cũng giống như bây giờ, lúc đó ai cũng muốn tìm cách nhân giống loài chó này. Lúc ấy trong Sở Thú Sài Gòn có nuôi 2 con Phú Quốc như dã thú, nhưng khách tham quan ít ai để ý đến. Rồi một ông tướng Vùng nào đó sức cho chính quyền Phú Quốc phải tìm cho được những con chó Phú Quốc còn thuần chủng. Kết quả là sau mấy tháng tìm kiếm, có 3 cá thể được gởi về Sài Gòn. Không hiểu do người ta nuôi hay bắt từ ngoài hoang dã.

Lúc ấy ông Đại tá Bê, chỉ huy lực lượng Quân khuyển Sài Gòn, có mở một trung tâm huấn luyện chó khá quy mô trong Thảo cầm viên. Cứ mỗi chiều là ngựa xe như nước đưa rước các quý cẩu vào học. Và 3 con chó Phú Quốc được đưa ngay đến cho nhóm ông Bê chăm sóc, huấn luyện. Cộng thêm với 2 con chó nuôi sẵn trong Sở Thú, lúc đó có 5 chó Phú Quốc nguyên gốc được công nhận ở Sài Gòn.

Dân nuôi chó cảnh Sài Gòn hăm hở đến xem chó Phú Quốc lúc đó hơi thất vọng. Ai cũng tưởng tượng loại này chắc phải như chó sói, oai vệ, to lớn. Nhưng trước mắt chỉ thấy mấy cô cậu ta vàng nhút nhát. Chúng nhỉnh nhỉnh lớn hơn những con chó ta cỡ lớn. Người thường không để ý chỉ nhìn qua sẽ nghĩ chúng là những con chó nhà thường ngày. Cân đo lúc đó thấy chó đực nặng khoảng 18-20 kilogram và cái 16 trung bình.

Theo chuẩn của vị lão làng ở Phú Quốc theo chó về Sài Gòn khi ấy thì chó Phú Quốc phải có mặt dơi, đuôi vuốt và bờm lưng dê.

Mặt dơi vì hai tai tròn mỏng, mắt nâu nhỏ xếch và cái mặt mầu đen của chó Phú Quốc. Đuôi vuốt vì đuôi cong không có lông xù dài như thường thấy ở các con chó ta khác. Lưng dê vì cái bờm đậm mầu dọc trên sống lưng của loài chó này.

Những con Phú Quốc ở trung tâm huấn luyện và trong Sở Thú khi đó đều đúng với các chuẩn này. Các cụ cũng đưa chuẩn mầu lông bắt buộc là hỏa hoàng, tức là mầu vàng hung của chó ta vàng. Đám 5 con hồi đó đều có mầu vàng nâu như chó ta vàng, đậm hơn hay nhạt hơn tùy con. Dựa theo quan sát cá nhân thì tất cả bọn ở Sở Thú hồi đó đều có bờm lưng đậm mầu và mõm đậm đen. Một chú ý cá nhân nữa là đế ngón chân của cả bọn rất dầy, cho nên khi đi trên đường hay lề đường cứng, các ngón chân hơi bị choãi, không khít. Màng giữa các ngón chân của các con chó Phú Quốc này không khác gì màng chân của phần lớn tụi chó nhà. Và dáng đi của bọn chó này rất uyển chuyển với chân trước thẳng như của dã thú.

Đoạn miêu tả chó Phú Quốc trong sách Larousse ‘Le Chien’.
Đoạn miêu tả chó Phú Quốc trong sách Larousse ‘Le Chien’.

Đây là bản dịch đoạn viết về chó Phú Quốc trong quyển Larousse ‘Le Chien’:

“Chó Phú Quốc được tìm thấy trên hòn đảo cùng tên trong vịnh Xiêm La. Giống này, chắc chắn là giống cổ, có nguồn gốc từ những giòng chó Đông Dương, với biểu hiện rõ nét của loài Sói. Dáng dấp khá bắt mắt. Nếu chưa hẳn đã được thuần hóa, thì đây dù sao cũng không phải là một giống chó hoang dã. Bề ngoài giống như chó Berger Đức, mặc dù giống này gần với vài giống Dingo nào đó ở Úc hơn. Chiều cao khoảng 60 cm. Chó có màu lông vàng hung (fauve), mũi và lưng đậm màu hơn, lông ngắn. Trên đường giữa sống lưng lông dựng ngược lên, với chóp lông hướng về phía đầu”.

Bên cạnh sách Le Chien của La Rousse, một số sách báo khác của Pháp cũng viết khá rõ về chó Phú Quốc, như La Nature, Les Races de Chiens, Le Chenil…

Trong tờ La Nature, số ra ngày 21/11/1891, tác giả E. Oustalet viết bài về ba con chó Phú Quốc do ông Fernand Doceul, quan chức thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ, đem về tặng cho Thảo cầm viên, thuộc Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên của thủ đô Paris, Pháp. Ba con chó gồm 1 cái và 2 đực, sinh cùng một lứa.

Ảnh vẽ 3 chó Phú Quốc ở Thảo Cầm Viên Paris (trong báo ‘La Nature’ số 21-02-1891)
Ảnh vẽ 3 chó Phú Quốc ở Thảo Cầm Viên Paris (trong báo ‘La Nature’ số 21-02-1891)

Lược dịch theo bài viết thì “…Phú Quốc có một giống chó hoang dã, nói đúng hơn là một giống chó mầu hung, dũng mãnh…những con chó này kích thước trung bình, dáng dong dỏng, đầu thon, lông gần như trụi nhẵn. Màu sắc của chúng thay đổi từ vàng đến hung đỏ. Lông của con chó cái nhạt hơn. Con đực lớn nhất có bộ lông màu nâu đỏ. Lông vùng trên lưng có màu sắc đậm hơn nhiều so với phần còn lại của thân thể, chuyển nhạt hơn ở những phần dưới của cơ thể và hai bên cổ, và chuyển sang màu đen ở mõm. Giữa trán và hai mắt có nhiều lằn nhăn tỏa lên phía trên. Dọc theo chiều dài của xương sống có một dải lông sẫm màu trải dài, hơi rậm, bờm xờm và dựng ngược. Dải lông có một cách tự nhiên, thấy rõ ràng hơn ở con chó đực có lông màu nâu nhạt và rõ nhất ở con cái màu vàng hung nhạt (fauve Isabelle). Dải lông này không thấy ở bất kỳ loại chó nào khác…”

“…Tai dựng đứng hướng về phía trước và chóp tai không nhọn. Bốn chân mạnh mẽ với phần chân dưới mảnh hơn. Mõm thon (fin). Đuôi ngắn vừa phải, có lông nhiều và hơi dài hơn một chút so với lông của toàn thân, có khi cụp nhẹ, có khi dựng ngược về phía trên sống lưng, và bẻ quặt ở phần cuối đuôi. Đặc tính này chứng tỏ chó Phú Quốc là giống chó màu vàng hung. Tiếng sủa ngắn gọn hơn chó thường, thật ra là một kiểu kêu ăng ẳng ngắt quãng…”

Ảnh vẽ chó Phú Quốc tên Mango (Xoài). Ảnh trích từ đặc san Thảo Cầm Viên.
Ảnh vẽ chó Phú Quốc tên Mango (Xoài). Ảnh trích từ đặc san Thảo Cầm Viên.

Ngoài ra, trong quyển Les Races de Chiens (Các Giống Chó) xuất bản năm 1897 của Bá tước De Bylant, chó Phú Quốc cũng được miêu tả rõ như sau:

Hình ảnh hai con chó Phú Quốc tên là Annamite và Kratie ở Thảo cầm viên Paris trong sách của Bá tước De Bylant (ảnh trích từ đặc san Le Chenil)
Hình ảnh hai con chó Phú Quốc tên là Annamite và Kratie ở Thảo cầm viên Paris trong sách của Bá tước De Bylant (ảnh trích từ đặc san Le Chenil)

Hình dạng tổng thể: Hình dạng của loài chó Levrier (Greyhound) nhưng với đầu và thân hình thô nặng hơn .
Đầu: dài vừa phải .
Sọ: hơi tròn (bombé), da nhăn .
Mõm: khá lớn, dài bằng nửa tổng chiều dài cả đầu .

Mắt: nâu đỏ
Mũi: đen, cũng như lưỡi .
Quai hàm: mạnh mẽ và dài.
Tai: thẳng, hình vỏ sò (conque), dựng đứng táo tợn về phía trước nhưng chóp tai không nhọn (đây là điều khó kiếm nhất ở chó Phú Quốc hiện nay -nd), phía trong tai ít lông .
Giọng: chói tai
Cổ: dài và linh động, nở rộng dần về phía vai .
Vai: xiên .
Ngực: rất sâu và nở rộng .
Bụng: rất thon .
Vùng hông: rộng và mạnh mẽ .
Bắp đùi: cơ bắp nở nang .
Chân: dài, thẳng và gọn .
Bàn chân: khá dài .
Đuôi: linh động và ngắn, cong lên trên lưng, hình cánh cung, chóp đuôi gần chạm lưng.
Lông: là một trong những đặc điểm của giống chó này, thật ngắn và dày trên toàn thân. Dọc giữa sống lưng từ vùng thắt lưng đến vai có dải lông dài mọc ngược hướng về phía đầu chó.

Màu sắc: hung vàng (roux fauve) với mặt đen, dải lông mọc ngược màu sẫm hơn .
Chiều cao ngang vai: khoảng 55 cm .
Trọng lượng: khoảng 18 kg.

Tác giả, khi làm giám khảo chấm cho giống chó này tại thành phố Antwerp, ở nước Bỉ, đã chú ý đến hướng mọc ngược rất lạ thường này của dải lông trên lưng, vì chưa thấy có một giống chó nào khác lại có lông mọc như vậy. Trong khi lông chó bao giờ cũng mọc xuôi từ đầu xuống đuôi, thì lông ở dải bờm này mọc ngược lại từ phía đuôi về hướng đầu.

Không lâu sau đó, theo sách ‘The New Book of the Dog’ của Robert Leighton in năm 1907 bên Anh, có ông Hầu tước Barthelémy của nước Anh, đã xin phép chính quyền Pháp ở Đông Dương để đem mấy con chó Phú Quốc về nhân giống ở châu Âu vì chúng sắp tuyệt chủng. Sau nhiều khó khăn, ông Hầu tước đã mang về nước Anh được 3 cá thể. Lúc đó đã có sẵn một cặp khác ở Thảo Cầm Viên Paris bên Pháp. Không may con chó cái của Hầu tước đã chết vì kiệt sức khi sinh một lứa 13 con. Quyển sách có in hình chụp con chó Phú Quốc cái tên là Can-Le của Hầu tước Barthelémy. Sách này lấy chuẩn của chó Phú Quốc dựa theo Bá tước De Bylant, dù không đồng ý với cách nhận dạng loại chó này là chó săn của De Bylant.

Chó Phú Quốc cái tên là Can-Le của Hầu tước Barthelémy (H.C. Brooke)
Chó Phú Quốc cái tên là Can-Le của Hầu tước Barthelémy (H.C. Brooke)

Bản mô tả chó Phú Quốc trong sách của Robert Leighton như sau:

Tổng thể: Một dạng nặng nề của chó Greyhound.

Đầu: dài, sọ hơi cong với những nếp nhăn; mõm hơi rộng với chiều dài bằng nửa tổng chiều dài đầu; hàm dài và khỏe; môi và lưỡi đen; răng phát triển tốt và đều.

Mắt: dạng đỏ, lộ nét hoang dã.

Mũi: đen, lỗ mũi hơi rộng.

Tai: dựng đứng, hình vỏ sò, không nhọn, mặt trong của tai gần như trụi lông.

Thân mình: hơi thô, cổ rất dài và linh hoạt, vai xiên, bụng thon, hông rộng và khỏe.

Chân: thẳng và gầy, khuỷu chân sau thẳng, đùi nở nang

Bàn chân: hơi dài, ngón hơi cong, đế chân cứng.

Đuôi: ngắn, mềm mại, uốn cong xuống lưng.

Lông: lông toàn thân và ở chân rất ngắn và dầy đặc. Trên lưng lông dài và cứng hơn, mọc ngược về phía đầu.

Màu: hung vàng với mõm đen, lông trên lưng màu đậm hơn.

Chiều cao đo đến vai là 21 inch. Nặng khoảng 40 lbs

Sách của Robert Leighton cũng trích lời ông H. C. Brooke, một người đã khảo cứu kỹ về cho Phú Quốc thời bấy giờ, rằng chó Phú Quốc trông giống như chó Chow, nhưng thon hơn và có chân cao hơn. Đấy là vì các nếp nhăn trên đầu và mặt chó Phú Quốc.

Năm 1901 sách biên niên ‘Animal Life and the World of Nature; A magazine of Natural History’ của Đại học Harvard bên Mỹ cũng có in ảnh chụp khá thú vị của vài con chó Phú Quốc, có thể là chó của Thảo Cầm Viên Paris trước đó, hay hậu duệ của chúng.

Ảnh chụp chó Phú Quốc được in trong sách ‘Animal Life and the World of Nature’
Ảnh chụp chó Phú Quốc được in trong sách ‘Animal Life and the World of Nature’

Mới đây nhất, tạp chí National Geographic ấn bản tiếng Pháp số ra ngày 26 tháng 11 năm 2013 có bài viết về chó Phú Quốc. Trong bài có ảnh chụp một con chó Phú Quốc với bờm lưng mũi tên đúng tiêu chuẩn. Nhưng bài viết không có thông tin nào mới.

Cũng cần nhắc đến một tượng chó Phú Quốc với tên ‘Chó An Nam’ (chien d’Annam) của điêu khắc gia người Ý, Rembrant Bugatti (1884-1916). Bugatti đã tạc một bộ tượng đồng tả chân nổi tiếng về các dã thú trong Thảo Cầm Viên Paris. Trong đó có bức tượng này. Có thể thấy khá rõ những gì ông Oustalet viết về chó Phú Quốc trong tờ La Nature năm 1891 ở đây. Ví dụ như tai hình ốc với đỉnh tròn, đuôi ngắn uốn vòng với lông rậm và dài hơn lông toàn thân…

Tượng chó Phú Quốc của Rembrant Bugatti (Trích xuất từ trang web artprice.com)
Tượng chó Phú Quốc của Rembrant Bugatti (Trích xuất từ trang web artprice.com)

Thiết tưởng lúc nghiên cứu về chó Phú Quốc hồi đó, khi những quyển sách kể trên được xuất bản, người Pháp đã có nhiều cơ hội nghiên cứu chó Phú Quốc lúc còn thuần chủng hơn. Càng về sau này, khi có đông thêm cư dân từ đất liền ra sinh sống, mang theo chó nhà với họ, thì chó Phú Quốc mới dần bị lai tạp. Ngay từ năm 1891, bài viết trong quyển sách báo La Nature đã gho biết rằng rất khó tìm được chó Phú Quốc thuần chủng trên đảo Phú Quốc…

Gần đây có chuyện hồi tháng 7 năm 2015 cô Catherine Lane xuất hiện trên chương trình truyền hình ‘The Morning’ bên Anh để giới thiệu bầy chó Phú Quốc con của cô. Cô tuyên bố giá mỗi con là 10.000 Bảng Anh. Có thể nói đây là bọn chó con đắt giá nhất bên Anh lúc đó.

Đến tháng 10 cùng năm, tạp chí ‘Dog World’ bản in bên Anh có bài viết về chó Phú Quốc của Lee Connors, trong đó có nhắc đến bầy chó của Catherine Lane. Bài viết đã dẫn từ quyển sách ‘Dogs’ của Desmond Morris (xuất bản năm 2001) về 7 tiêu chí thiết yếu của chó Phú Quốc, mà ông Morris có vẻ đã sao lại từ bài viết năm 1991 của tác giả người Thái Lan Anusorn Supmanue (xem ở đoạn viết về chó bờm lưng Thái Lan bên dưới).

Và Lee Connors than phiền rằng mầu sắc chuẩn của chó Phú Quốc dựa theo 7 tiêu chí đó là mầu hung, trong khi đó bọn chó con của Catherine Lane lại có mầu đen.

Hai chú Phú Quốc con của Catherine Lane với tai và đuôi có triển vọng sẽ đúng chuẩn khi lớn lên (Hình: Trích xuất từ dailymail.co.uk)
Hai chú Phú Quốc con của Catherine Lane với tai và đuôi có triển vọng sẽ đúng chuẩn khi lớn lên (Hình: Trích xuất từ dailymail.co.uk)

Gần đây chúng tôi có may mắn được gặp ông Trần Văn Tư, người đã vào làm việc tại Sở Thú Sài Gòn từ năm 1979. Cha ông Tư là người chăm sóc bọn chó Phú Quôc thời trước đó. Theo ông Tư và vài đồng nghiệp đương thời thì về sau vì bọn chó Phú Quốc ở đây rất thân thiện với người, cho nên ông Tư đã vào sống chung với mấy con chó Phú Quốc trong khu nhà chuồng của tụi nó. Rồi một con chó berger Đức của người cung cấp thực phẩm cho thú nuôi trong Thảo Cầm Viên cũng được cho vào nuôi chung. Kết quả là nhiều chó lai được sinh ra, và được đem cho đi như chó nhà.

Khoảng cuối những năm 1980 còn có một chó Phú Quốc mầu đen được một trại nuôi chó Phú Quốc ở Kiên Giang gởi vào nhờ nuôi cùng. Và tụi chó Phú Quốc ở Sở thú về sau này được nhân viên nuôi thả như chó nhà. Theo một Bác sỹ Thú y hưu trí trước đây làm việc ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn thì riêng con chó Phú Quốc được nuôi chính thức cuối cùng ở đây khi đã rất già đã bị nhiễm bệnh Carré và chết khoảng đầu thập niên 1980.

Vì khu chuồng chó Phú Quốc nằm sát bờ tường khu công xưởng Ba-son, cho nên nó đã cùng với các chuồng voi, rùa, trăn và rái cá bị cắt khỏi Sở Thú khi làm đường Nguyễn Hữu Cảnh. Và đến năm 2018 thì di tích chuồng chó Phú Quốc xưa cũng bị phá đi khi khu đô thị Vinhomes Bason được khởi công.

Ông Trần Văn Tư đứng trên khu nền cũ của chuồng nuôi chó Phú Quốc ở Sở Thú Sài Gòn. Nền gạch đằng sau khi xưa là một phần nền nhà của chó Phú Quốc. Phần đất chung quanh hồi đó là sân chuồng của bầy chó (ảnh tư liệu)
Ông Trần Văn Tư đứng trên khu nền cũ của chuồng nuôi chó Phú Quốc ở Sở Thú Sài Gòn. Nền gạch đằng sau khi xưa là một phần nền nhà của chó Phú Quốc. Phần đất chung quanh hồi đó là sân chuồng của bầy chó (ảnh tư liệu)
Chó Phú Quốc khi đã được nuôi như chó nhà trong Sở Thú Sài Gòn đầu thập niên 1990 (ảnh M. Cường)
Chó Phú Quốc khi đã được nuôi như chó nhà trong Sở Thú Sài Gòn đầu thập niên 1990 (ảnh M. Cường)

Bên cạnh chó Phú Quốc, hiện nay trên thế giới còn 2 loại chó có bờm lưng khác, là chó bờm lưng Nam Phi (Rhodesian Ridgeback) và chó bờm lưng Thái Lan. Nên chú ý rằng những sách báo viết về các chủng loại chó từ những năm cuối thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20 đều không viết gì về các giống chó bờm lưng Rhodesian và chó bờm lưng Thái Lan. Các ấn phẩm trên nhắc đến cả trăm giống chó trên thế giới, nhưng không nhắc đến hai loại chó nói trên, vì hồi đó chưa có các giống chó này.

Hiện nay vì sự vắng mặt của chó Phú Quốc trên thế giới, nhiều chủ câu lạc bộ của 2 loại chó mới này hay rêu rao rằng chó của họ trực tiếp hay gián tiếp là thủy tổ của chó Phú Quốc, để lấy vị thế cho giống chó mới của họ. Lập luận của họ phần nhiều khiên cưỡng, như trong các đoạn viết dưới đây. Tiếc rằng có nhiều người vì không hiểu biết cũng đồng tình với việc này.

Các chủ chó bờm lưng Nam Phi (Rhodesian Ridgeback, hay còn gọi là chó Ari) đều cho rằng giống chó này là hậu duệ của giống chó bờm lưng Hottentot của tộc người Hottentot, hay còn gọi là tộc KhoiKhoi, ở miền nam châu Phi. Hiện nay chó Hottentot/Khoikhoi ở Nam Phi được gọi chính thức là chó Africanis. Trừ Câu lạc bộ chó Nam Phi đã công nhận loại chó này, các câu lạc bộ chó lớn trên thế giới đều không công nhận chó Hottentot vì sự không đồng nhất trên mọi phương diện của chúng: mầu sắc lông, lông dài ngắn, tai vểnh và cụp, kich cỡ to nhỏ, v.v.

Một trong những dạng của chó Hottentot/KhoiKhoi hiện nay (Hình: Taken by Rudolph Botha, 2005/12/04, Pretoria, South Africa. License)
Một trong những dạng của chó Hottentot/KhoiKhoi hiện nay (Hình: Taken by Rudolph Botha, 2005/12/04, Pretoria, South Africa. License)

Chó Hottentot ngày nay không còn bờm lưng. Một phần do người Hottentot thường hủy chó con có bờm lưng vì cho rằng bờm lưng là một lỗi xấu. Có thể do chúng bị chứng bệnh Dermoid sinus, một chứng bệnh về gen liên quan đến hệ thần kinh tủy sống, gây ra các viêm nang da dọc sống lưng làm lông những chỗ đó bị dựng đứng lên. Các giống chó có bờm lưng như Phú Quốc, Rhodesian Ridgeback và chó bờm lưng Thái hay bị bệnh này. Bệnh Dermoid sinus di truyền, và có thể gây tử vong.

Do giống chó Hottentot có bờm lưng bị cho là đã tuyệt chủng từ lâu, người ta phải cố gắng tìm dấu tích của chúng qua các chứng tích lịch sử, dù rất ít.

Minh chứng đầu tiên là từ quyển sách ‘The Yellow and Dark-Skinned People of Africa South of the Zambesi’ (Tộc người Phi châu da vàng và đậm ở Nam Zambesi) xuất bản năm 1910. Trong sách, tác giả George McCall Theal cho biết chó Hottentot là con vật “xấu xí”, với hình dạng của loài chó cáo (jackal), và có lông trên lưng dựng đứng… Nhưng minh chứng rõ nhất là từ quyển sách ‘Livingstone’s Missionary Travels in South Africa’ (Những chuyến đi truyền giáo của Livingstone ở Nam Phi) do Tiến sỹ David Livingstone xuất bản năm 1857. Mục sư tiến sỹ Livingstone không nhắc gì đến chó KhoiKhoi/Hottentot trong sách. Nhưng trong quyển sách này có một hình in bản kẽm cảnh săn linh dương của người Hottentot. Ở tiền cảnh của ảnh có vẽ một con chó tai cụp mà người ta cho rằng cái bờm lưng được thể hiện rõ ràng.

Ảnh được cho là của chó KhoiKhoi/Hottentot trong sách ‘Livingstone’s Missionary Travels in South Africa’ của David Livingstone
Ảnh được cho là của chó KhoiKhoi/Hottentot trong sách ‘Livingstone’s Missionary Travels in South Africa’ của David Livingstone

Rồi năm 1936, trong một lần thám hiểm gần sông Orange ở Rhodesia, Giáo sư Ludvic von Schulmuth, một nhà Khuyển học nổi tiếng, đã may mắn tìm được một số bộ xương chó. Trong đó có một di vật còn tương đối tốt để nhận ra được cái bờm lưng, cái tai dựng đứng, sọ phẳng rộng, và cái đuôi với lông dài, xù như bụi cây, giống như các miêu tả của chó Hottentot…

Quyển ‘Notebook of the Rhodesian Ridgeback Club’ (tức là quyển ‘Sổ tay của hội chó bờm lưng Nam Phi’- hội này do Bác sỹ Thú y Francis Richard Barnes lập ra năm 1922) có nhắc đến các sự kiện trên, rồi họ viết thêm các chi tiết sau:

“… Một số nhà Khuyển học cho rằng loài chó săn Hottentot không phải là chó bản địa, mà nhiều thế kỷ trước chúng đã được đưa đến Phi Châu từ một hòn đảo tên là Phú Quốc trong vịnh Xiêm La (Thái Lan - nv).

Nhưng, bằng chứng hiện có có thể đề nghị điều ngược lại: Từ cả ngàn năm trước cho đến cuối thế kỷ 19 đã có nhiều thuyền buôn Ả Rập chở nô lệ từ Phi Châu sang bán ở phương Đông. Sau đó các nhà buôn Bồ Đào Nha và Hà Lan cũng đem đến phương Đông các sản vật quý của Châu Phi như ngà voi, gỗ mun, lông đà điểu, vàng,v.v. Điều không hiếm thấy là họ hay đem theo khỉ và vẹt làm thú cưng, vậy tại sao không thể là chó? Chẳng hợp lý hay sao khi kết luận rằng các con chó Hottentot đã tìm được chủ mới trên các chuyến tầu đông du đó? Ở thời điểm xa xôi ấy Phú Quốc có thể đã là cảng tiếp liệu nước và các nhu cầu khác. Những con chó có thể đã được dùng để đánh đổi lấy nước ngọt và các thứ cần dùng, và cũng có thể chó con đã được bỏ lại. Một giả thuyết khác là thuyền chở chó có thể bị đắm ngoài khơi Phú Quốc. Vì bị biệt lập, các con chó này đã được sản sinh thuần giống qua nhiều thế kỷ, và ngày nay rất có thể có những con chó Hottentot thuần chủng được bảo tồn trên hòn đảo này…”

Thời đó các hội viên của Câu lạc bộ chó bờm lưng Nam Phi này có vẻ không hiểu biết gì về địa lý và văn hóa thế giới. Người Đông Á nói chung và người Việt nói riêng không bao giờ mua nô lệ châu Phi. Họ cũng không bao giờ nhập về ngà voi, lông đà điểu hay gỗ mun từ Phi châu, vì đấy là những thứ hoặc họ không cần, hay do chính xuất khẩu. Các giao dịch kể trên là của vùng Trung Đông, nằm ở nửa đường thủy đi từ Phi châu đến đảo Phú Quốc.

Cũng có thể là từ cuối thế kỷ 19 đến phần đầu thế kỷ 20, một vài sỹ quan và lính Lê Dương ở Nam Kỳ, Việt Nam, khi hồi hương hay về thăm nhà đã đem chó Phú Quốc về các trang trại hay thôn làng của họ ở Nam Phi. Ở đó chúng đã phối với các giống chó bản địa để tạo ra chó bờm lưng địa phương. Chủ chó có thể giữ lại các chó con có bờm lưng, trong khi thổ dân vì không hiểu có khi cho là dị tật mà hủy chúng.

Quyển sách chính thức có nhắc đến chó bờm lưng ở cư địa của người Tottentot xuất bản năm 1910 của George McCall Theal tương ứng với giai đoạn này. Và khi Giáo sư Ludvic von Schulmuth tìm được những xác chó khô năm 1936 thì phần lớn chó xoáy lưng ở đó có khi đã không còn.

Riêng về lịch sử hình thành của chó Rhodesian Ridgeback thì tháng 12 năm 1875, một mục sư Tin Lành gốc Anh tên là Charles Helm (1844–1915) khi chuyển mục vụ từ tỉnh Western Cape, Nam Phi đến Hope Fountain Mission ở Rhodesia có đem theo 2 con chó cái lông xù mầu xám đen có bờm lưng tên là Lorna và Powder. Năm 1879, ông Helm làm chủ lễ cưới cho một người thợ săn trẻ, mới 19 tuổi nhưng đã nổi tiếng, tên là Cornelis van Rooyen.

Khi thấy cặp chó của Mục sư Helm, Van Rooyen cho rằng chúng là chó KhoiKhoi/ Hottentot trong truyền thuyết, và muốn lai giống chúng với bầy chó săn của mình để tạo ra một giống chó mới có thể bảo vệ trang trại và gia súc trước dã thú. Họ kiên trì cho phối giống, dùng nhiều giống chó khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là chó ngao Đan Mạch (Great Dane, hay Grand Danois) ở giai đoạn cuối. Và Van Rooyen chỉ giữ lại những chó có bờm lưng. Sau 35 năm họ đã có được một đội ngũ chó bờm lưng thuần nhất. Chúng có thể phụ với chủ để săn sư tử, hay cũng có thể tự săn được heo rừng và khỉ Baboon. Khởi thủy chúng được biết đến bằng cái tên ‘chó Van Rooyen’.

Francis Richard Barnes (trái) và Cornelius Van Rooyen (History_of_breed.html)
Francis Richard Barnes (trái) và Cornelius Van Rooyen (History_of_breed.html)

Năm 1922, Bác sỹ thú y Francis Richard Barnes lập ra câu lạc bộ của người nuôi chó Van Rooyen, và ông đổi tên loại chó mới này thành Lion Dog (Chó sư tử). Năm 1924 ông Barnes lại một lần nữa đổi tên giống chó Lion Dog thành Rhodesian Ridgeback (người Việt gọi là chó xoáy lưng Nam Phi), cái tên được tồn tại cho đến ngày nay. Năm 1927 chó Rhodesian Ridgeback được Hiệp hội chó Nam Phi (South African Kennel Union) công nhận. Chúng được công nhận ở Anh năm 1954, ở Mỹ năm 1955. Và Úc có con chó Rhodesian Ridgeback đầu tiên năm 1966.

Chó Rhodesian Ridgeback đực có chiều cao trung bình là 66-69 cm ở vai. Chó cái 63-66 cm. Chỗ rộng nhất của bờm lưng nhỉnh hơn 5cm. Chó có mầu lông từ hung đỏ đến vàng hung.

Chó Rhodesian Ridgeback (Moorezilla at English Wikipedia)
Chó Rhodesian Ridgeback (Moorezilla at English Wikipedia)

Hiện vẫn có sự nhầm lẫn giữa chó Phú Quốc và chó có bờm lưng ở Thái Lan (Thai Lung Ahn, Thai Ridgeback hay TRD). Sự xuất hiện về sau này của các loại chó có bờm lưng bên Thái Lan có nhiều điều không rõ ràng. Nếu tìm về 30, 40 năm trước thì không thể tìm ra thông tin gì về những giống chó có bờm lưng ở Thái Lan. Và ở khắp nơi trên miền Đông bắc Thái Lan, nơi được quảng bá là vùng xuất phát của chó bờm lưng Thái, cho đến nay vẫn không thấy tăm hơi loại chó này trong thiên nhiên hay làng xóm. Mà chúng chỉ được đưa ra từ các trại nhân giống thương mại địa phương.

Jack Sterling, người Mỹ, là một người buôn bán chó bờm lưng Thái Lan sừng sỏ. Ông là một trong những người tạo ra giống chó này từ cuối thập niên 1980, và là chủ của trung tâm buôn bán và gây giống chó bờm lưng Thái ‘House of Sakorn’ ở Chiangmai, Thái Lan. Ông Sterling vướng nhiều tai tiếng bên Mỹ và Thái Lan vì những “mánh” trong việc gây giống và buôn bán loại chó này. Jack Sterling là người đầu tiên giới thiệu chó bờm lưng Thái Lan sang Mỹ năm 1994, và ông chính là người đặt cho chúng cái tên tiếng Anh là Thai Ridgedback (TRD). Vì thế ông còn được gọi là Jack Sterling TRD. Ông này cùng với bà Mom Somkid là hai tay tạo giống và buôn bán chó bờm lưng Thái nổi tiếng nhất lúc đó.

Trong bài viết trên mạng cá nhân hồi năm 2008, Jack tiết lộ sự thật về chó bờm lưng Thái Lan như sau: “TRD (Chó bờm lưng Thái Lan) không có từ ngàn năm. Đấy chỉ là các giống chó tạp chủng đươc cho lai với những con chó Phú Quốc của Việt Nam rồi làm thuần giống mà thành. Chúng là các giống chó đẹp (có vẻ) mà vài tay nuôi chó trọng tuổi đã quyết định tạo ra từ việc cho lai tất cả các nhóm chó tạp chủng có sẵn ở Thái Lan với những con chó giống Phú Quốc được đem về suốt trong nhiều năm. Cha và chú của Mom Somkit đã đem mấy chục con chó về từ “đảo” mà không cho ai biết. Chó Thái bờm lưng Đỏ mà chúng ta thấy hiện nay đã được thuần giống từ đám chó này. Bọn chó Thái Xám và Vàng Hung cũng đều là lai tạp. Cho nên bản năng săn bắt của chúng đã bị thoái hóa, và chúng trở thành giống như chó giữ nhà hơn …”

Và dưới đây là một đoạn trích dịch từ bài viết về một chuyến đi mua chó Phú Quốc, mà tác giả gọi che mắt người nước ngoài, và có khi cả người Thái, là “chó bờm lưng Thái” (Thai Lung Ahn). Tác giả bài viết là ông Anusorn Supmanue, một người Thái Lan không ngừng nghỉ quảng bá bán chó bờm lưng Thái Lan ra nước ngoài, nhất là Mỹ. Bài này đăng trong báo Nature & Pet Magazine, số 3 năm 1991 ở Thái Lan, dưới dạng ‘hồi ký du lịch’:

“…Đảo Phú Quốc năm 1990 dân số khoảng 50.000 người. Đi lại trên đảo không dễ dàng. Toàn đảo lúc đó chỉ có 3 xe ô tô và 7 xe tải, mà 3 xe tải đang bị hỏng. Cho nên phần lớn thời giờ đoàn của chúng tôi phải đi bộ. Tôi được xem nhiều “chó bờm lưng Thái” trên đảo, phần nhiều tập trung quanh một khu phố chợ, mà thật trùng hợp lại có tên là “Phố Vọng Các” (Bangkok Way). Phần lớn chó ở đây có bờm lưng mũi tên (bờm kiếm có tạo hình mũi tên ở phía vai). Trong 8 loại bờm lưng của chó bên Thái Lan thì bờm mũi tên cao giá nhất vì độ nguyên gốc và vì thị hiếu…”

Chó Phú Quốc do ông Anusorn Supmanue chụp ở đảo Phú Quốc năm 1990. (Hình: Nature & Pet Magazine)
Chó Phú Quốc do ông Anusorn Supmanue chụp ở đảo Phú Quốc năm 1990. (Hình: Nature & Pet Magazine)

“… Chó Phú Quốc khác chó Thái ở những điểm sau: Chó Phú Quốc lớn hơn, đuôi đẹp hơn (giống lưỡi kiếm hơn), ngực nở hơn, lông hơi dài hơn, và mõm đậm hơn. Nói chung tôi nhận thấy nhiều chó bờm lưng Thái trên đảo Phú Quốc còn có được giòng dõi tuyệt hảo từ nguồn gốc các chó Thái Lan cổ…”

“…Tôi quan sát, và tôi nghe nói rằng những con chó bờm lưng Thái thông minh nhất và làm việc giỏi nhất phải có đủ 7 tiêu chí:

1) Ở cuối đuôi có chỏm lông màu đen

2) Móng chân đậm mầu

3) Mõm đen

4) Lưỡi có đốm đậm

5) Lông toàn thân mầu hung

6) Lông bờm lưng hình mũi tên (bờm kiếm có hình mũi tên ở đầu bờm phía vai)

7) Gốc của đuôi (chỗ dính với mông) tạo thành hình tam giác.

Để kiểm chứng điều này, tôi đến thăm những nhà có từ 11 đến 15 chó bờm lưng Thái ở đảo Phú Quốc. Và rõ ràng là những con chó có đủ các tiêu chí này được chủ quý hơn vì thông minh nhất và đáng yêu nhất. Đảo Phú Quốc có nhiều chó đáp ứng được từ 5 đến 6 trong số 7 tiêu chí đó. Nhưng người dân địa phương cho biết trên đảo còn rất nhiều chó có đủ 7 tiêu chí. Ngược lại, trên toàn thể vùng Đông bắc Thái Lan không có một con chó nào có đủ 7 tiêu chí này. Nỗ lực của các chủ nuôi Thái Lan trong việc gầy dựng lại đủ 7 tiêu chí kể trên cho chó của họ chỉ đạt được kết quả khoảng 75% tính đến năm 1990...”

“…Trước khi rời đảo, nhóm chúng tôi chia ra đi lùng soát một khu vực rộng lớn trên đảo để tìm mua cho được chó có đủ 7 tiêu chí. Cuối cùng chúng tôi thành công tìm được một chó con 3 tháng tuổi đạt yêu cầu, dù hơi có lỗi ở phần bờm lưng mũi tên, mà người chủ chịu bán cho chúng tôi. Còn các con chó khác đạt đủ chuẩn như vậy đều được bảo vệ và dấu kỹ…”

Loại chó có bờm lưng do người Thái Lan tạo ra nhỏ hơn chó Phú Quốc. Hai bên càm hơi thuôn đuột chứ không mạnh mẽ, phát triển như hàm chó Phú Quốc. Đuôi chó Thái có lông đuôi ngắn trụi như trên thân chứ không dài và rậm bằng lông đuôi chó Phú Quốc. Đuôi chó Thái đa phần có hình roi, trong khi đuôi chó Phú Quốc hình kiếm. Bờm lưng đa số chó Thái có bề ngang rộng với lông không mọc rậm và không mọc ngược về hướng đầu chó. Trong khi chó Phú Quốc thuần chủng có lông mầu vàng hung thì chó bờm lưng Thái Lan có nhiều chủng loại mầu.

Thiết tưởng nếu chó bờm lưng Thái được cho là có xuất xứ từ miền Đông bắc Thái Lan, thì vì lý do khí hậu và địa lý các loại chó này phải có lông dài và rậm hơn, ít ra cũng như chó ta vàng hay các loại chó Chin và In của Myanmar, chứ không thể ngắn trụi như chó bờm lưng Thái hiện nay được. Nhất là không thể ngắn hơn lông chó Phú Quốc ở vùng Nhiệt đới Xích Đạo, như ông Supmanue cho biết. Và cách người Thái Lan đặt ra đến 8 dạng bờm lưng cho chó của họ càng lộ rõ tính tạp nhạp của các loại chó bờm lưng Thái Lan. Và như vậy những gì Jack Sterling nói quả có cơ sở.

Ngay như người dịch bài viết của ông Supmanue từ tiếng Thái ra tiếng Anh, là một nhà khuyển học người Thái Lan tên Panuchai Praditpratuga, cũng nhấn mạnh trong phần chú thích của bài dịch là không có nguồn tài liệu lịch sử nào được đưa ra để làm dẫn chứng cho những gì ông Supmanue đề cập đến trong bài viết…

Dựa theo các tài liệu kể trên, và kinh nghiệm cá nhân, một chó Phú Quốc đúng tiêu chuẩn phải có các điều kiện sau:

• Lông: mầu vàng hung từ vừa đến đậm. Lông rất ngắn và rậm. Lông trên lưng (dọc hai bên bờm) và trên sống cổ đậm hơn lông toàn thân.

• Bờm lưng: bờm có lông đậm mầu mọc ngược chiều với lông toàn thân (theo hướng từ đuôi về đầu). Không nhất thiết phải là bờm “kiếm” sắc cạnh, đỉnh bờm có thể rộng đến gần 2 cm, nhưng bên trong lông phải mọc rậm, bờm xờm, và mọc ngược về hướng đầu. Khi vuốt tay trên dải bờm này xuôi chiều từ vai xuống mông sẽ thấy bị cấn. Vuốt theo chiều ngược lại thì thấy êm tay.

• Mõm: đen, với hàm phát triển mạnh mẽ.

• Cổ: Dài, linh hoạt.

• Tai: mỏng, dựng thẳng và hướng về phía trước. Bên trong tai trụi lông. Cạnh ngoài tai cong vòng và chóp tai không nhọn (đây là điều khó tìm nhất ở chó Phú Quốc ngày nay).

• Mắt: nhỏ, mầu nâu đỏ. Không to và đen như chó ta.

• Đầu: hơi tròn, hẹp ở trán (giữa hai tai). Trán có các nếp nhăn dọc.

• Đuôi: ngắn vừa, không có lông xù như đuôi của phần lớn chó ta.

• Chân: phần trên vạm vỡ. Cẳng chân dưới hơi mảnh. Khuỷu chân sau thẳng. •Móng chân: đậm, đen.

Riêng về mầu lông thì có nên khư khư giữ mầu vàng hung khi chó có đủ các tiêu chí khác, chỉ khác mầu lông hay không? Vì với các loại chó cổ khác như ngao Đan Mạch (Great Dane), Mastiff, Grey Hound, v.v., về sau này người ta cũng đã chấp nhận các mầu vện, đen… bên cạnh mầu hung vàng cổ điển.

Bờm lưng hình mũi tên đúng chuẩn (báo National Geographic bản tiếng Pháp số ra ngày 26 tháng 11 năm 2013)
Bờm lưng hình mũi tên đúng chuẩn (báo National Geographic bản tiếng Pháp số ra ngày 26 tháng 11 năm 2013)
Bờm kiếm với xoáy hình mũi tên ở đầu bờm (ảnh tư liệu)
Bờm kiếm với xoáy hình mũi tên ở đầu bờm (ảnh tư liệu)
Mặt dơi: Tai tròn mỏng với đỉnh tròn, mắt đỏ nhỏ xếch, mõm đen. Móng chân đậm mầu. Đế ngón chân dầy. Chó cái 6 tháng tuổi. Lỗi ở mầu lông quá đậm (tư liệu)
Mặt dơi: Tai tròn mỏng với đỉnh tròn, mắt đỏ nhỏ xếch, mõm đen. Móng chân đậm mầu. Đế ngón chân dầy. Chó cái 6 tháng tuổi. Lỗi ở mầu lông quá đậm (tư liệu)
Trái: Túm lông đen ở cuối đuôi. Phải: Móng chân đậm mầu.
Trái: Túm lông đen ở cuối đuôi. Phải: Móng chân đậm mầu.
Đúng tiêu chuẩn về mầu sắc (loại mầu vàng hung đậm) và hình dáng. Hơi bị lỗi ở tai vì có đỉnh nhọn quá (ảnh tư liệu)
Đúng tiêu chuẩn về mầu sắc (loại mầu vàng hung đậm) và hình dáng. Hơi bị lỗi ở tai vì có đỉnh nhọn quá (ảnh tư liệu)

Với những thông tin ở trên, cơ hội khôi phục lại giống chó Phú Quốc thuần chủng là việc có thể làm được. Điều chắc chắn là chúng ta sẽ không phải tốn kém tài chính và tâm sức trong việc phục hồi giống chó Phú Quốc như cách người Thái Lan tạo ra các giòng chó bờm lưng của họ. Nhưng phải kiên trì…

Có thân của chó greyhound nhưng nặng nề hơn, cổ dài, đuôi ngắn vừa phải (ngắn hơn hoặc bằng khuỷu chân sau)- ảnh tư liệu
Có thân của chó greyhound nhưng nặng nề hơn, cổ dài, đuôi ngắn vừa phải (ngắn hơn hoặc bằng khuỷu chân sau)- ảnh tư liệu

Theo tiêu chuẩn của các hội chó lớn như Câu lạc bộ chó Hoa Kỳ (AKC), Câu lạc bộ chó Anh Quốc Westminster Kennel Club…, thì một giống chó mới nếu muốn được công nhận phải có hồ sơ đầy đủ về giấy tờ phả hệ, hình ảnh, hồ sơ bệnh lý của ít nhất 6 đời chó thuần nhất.Tất cả phải có đăng ký. Như vậy để kiểm tra việc đồng huyết, cận huyết và điều kiện lưu truyền của giống chó. Riêng chó Phú Quốc không phải là giống chó mới được tạo ra, thì các chứng cứ sách báo cả hơn thế kỷ, và lịch sử nuôi dưỡng lưu truyền cả bao thập niên ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đủ đảm bảo cho lịch sử hiện hữu (history of existence) của chủng loại.

Và sau đó phải ồ ạt quảng bá chó Phú Quốc trên trường quốc tế để lấy lại danh vị của nó, hiện đã phai mờ trong ký ức của các nhà nghiên cứu Khuyển học trên thế giới. Ngay như tập đoàn Larousse từ mấy thập kỷ nay cũng đã bỏ phần viết về chó Phú Quốc ra khỏi quyển từ điển Le Chien. Không nên để giống chó có bờm lưng kiếm độc nhất trên thế giới, nguyên gốc chỉ có ở đảo Phú Quốc Việt Nam, lại bị nước ngoài chiếm mất làm thương hiệu riêng của họ.

Cuối cùng, khi đã có được đội ngũ chó Phú Quốc thuần chủng rồi thì nên đưa chúng về lại đảo Phú Quốc để làm thương hiệu du lịch cho địa phương này. Hãy lấy gương từ một hải đảo nhỏ tên là Jindo bên Hàn Quốc. Ở đấy có loại chó bản địa tên là Jindo mà người Hàn rất tự hào. Họ tuyên bố giống chó này là thủy tổ của các giống chó Shiba và Akita Inu của Nhật Bản. Quan trọng là họ dùng loại chó này để quảng bá du lịch cho đảo Jindo, và họ rất thành công. Cả thế giới đều biết tiếng đảo này với loại chó đặc chủng ở đó, mà không có chúng thì hòn đảo vẫn vĩnh viễn là một hòn đảo nhỏ bé vô danh.

Cặp chó Jindo con trong phủ tổng thống Hàn Quốc.
Cặp chó Jindo con trong phủ tổng thống Hàn Quốc.

Bài viết về chó bờm lưng Thái Lan của Jack Sterling TRD đăng lên mạng năm 2008.
Bài viết về chó bờm lưng Thái Lan của Jack Sterling TRD đăng lên mạng năm 2008.

Đoạn đầu của bài đã được dịch ở trên, trong bài viết. Đoạn sau của bài này viết tiếp:

“… Và người ta tin rằng những giống chó cổ hơn như Boran (cách người Thái gọi chó Xoloitzcuintly (Xolo) của Mexico – nd) mà cũng được trộn vào với nhóm TRD lai tạp đó, ta sẽ có những bộ lông siêu ngắn và chất da bị biến đổi. Tôi thấy điều này ở hầu hết các con chó Đỏ có yếu tố chó Xám trong phả hệ. Nhưng tất cả các chó Đen và chó chuẩn Đỏ đều không có yếu tố biến chất này ở da. Da của các chó Đen và chó Đỏ không bị loang lổ ở thế hệ thứ 3 hay thứ 4 như chó Xám hay chó Đỏ lai Xám.

“…Cho nên, quan điểm của tôi là chúng ta quả thật sẽ không làm gì được về điều đó trừ khi chúng ta, là những người Mỹ, đồng quyết định tạo ra giống chó bờm lưng Thái Lan (TRD) của riêng mình theo tiêu chuẩn riêng do chúng ta tự đặt. Và rồi nhóm chúng ta tự phân loại chúng thành một hệ phái những giòng chó săn theo thị giác. Hầu hết đều đã đồng ý là KHÔNG để bọn AKC (Hiệp hội chó Hoa Kỳ) chĩa mũi vào tạo phẩm của mình và không bao giờ gia nhập với họ làm nơi đăng ký. Có cả chục giống chó từ chối sự mời gọi của AKC mỗi năm và nhóm chúng ta cần phải hiểu tại sao.”

Trang đầu của bài viết về chó Phú Quốc trong báo La Nature năm 1891.
Trang đầu của bài viết về chó Phú Quốc trong báo La Nature năm 1891.
Trang nói về chó Phú Quốc trong sách ‘The New Book of the Dog’.
Trang nói về chó Phú Quốc trong sách ‘The New Book of the Dog’.

XS
SM
MD
LG