Vào lúc thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, một phúc trình mới cho thấy phụ nữ trên toàn thế giới nắm giữ quá ít quyền lực chính trị, cản trở những nỗ lực đem đến những thay đổi tích cực về xã hội và kinh tế cho phụ nữ. Thông tín viên Lisa Schlein tường trình cho Đài VOA từ Geneva về buổi công bố phúc trình "Duyệt xét lại trong năm 2015 về vấn đề Phụ nữ tại Quốc hội" của Liên minh Nghị viện Thế giới.
Phúc trình phát hiện là sự tham dự của phụ nữ vào quốc hội không thay đổi. Trong hai năm liên tiếp, Liên minh Nghị viện Thế giới IPU nói tình hình phụ nữ tham dự vào quốc hội đáng thất vọng. Phúc trình ghi nhận là trong năm ngoái con số phụ nữ thành viên quốc hội tăng chậm chỉ có 0,5% trong 58 cuộc bầu cử quốc gia, đạt được 22,6% đại biểu phụ nữ tại quốc hội trên toàn thế giới.
Bà Kareen Jabre, Giám đốc Chương trình của IPU nói với mức tăng chậm như rùa này, phụ nữ sẽ không đạt được mục tiêu năm 2030 về bình đẳng được đặt ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững. Bà Labre nói thêm là trái lại có nhiều tiến bộ hơn đã đạt được liên hệ đến các nhà lãnh đạo phụ nữ trong quốc hội, với gần 18% Quốc hội ngày nay có chủ tịch quốc hội là phụ nữ trong số này có 3 người mới.
Bà Jabre nói: "Gây ấn tượng nhất là Nepal sau khi nước này thông qua Hiến pháp, Namibia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE. UAE là quốc gia Ả Rập đầu tiên có phụ nữ là chủ tịch quốc hội."
Phúc trình cho thấy Châu Mỹ La Tinh với hơn 27% phụ nữ trong quốc hội là châu lục có nhiều tiến bộ nhất và Tiểu vùng Sahara châu Phi theo sau không xa. Dù một số các cuộc bầu cử tại các nước châu Phi bị hoen ố vì bạo động và xung đột, IPU nói phụ nữ là thành viên quốc hội đã gia tăng 0,7% đạt mức 23,2%.
Bà Jabre nói hầu hết các tiến bộ xảy ra tại Ethiopie và Tanzania là do việc ấn định con số thành viên phụ nữ trong quốc hội và những sáng kiến chính trị khác.
Bà Jabre cho biết: "Tại Benin, chúng tôi ghi nhận một chiến dịch rất sáng tạo dùng truyền thông xã hội để khuyến khích phụ nữ trẻ tham gia chính trị. Do đó đây cũng là một sáng kiến khác rất hay được ghi nhận tại châu Phi."
Như những năm trước, Rwanda có tỉ lệ phụ nữ là thành viên quốc hội cao nhất chiếm 65% số ghế trong quốc hội.
IPU nói một cách tổng quát, ấn định hạn ngạch phụ nữ trong quốc hội vẫn là một trong những công cụ chính để đạt được tiến bộ trong việc tăng tiến con số phụ nữ trong quốc hội, nhưng IPU nói cần phải có những chế tài nếu định mức hạn ngạch không được thi hành.
IPU cho rằng chế tài phải được áp dụng và củng cố tại những nơi các điều khoản về định mức phụ nữ trong quốc hội không được thực hiện. IPU cảnh báo là nếu không có chế tài sẽ không có đông đảo phụ nữ được bầu vào quốc hội.