VOA: Thưa giáo sư Vũ Tường, trong bài viết đăng tải hồi gần đây trên tạp chí Talawas giáo sư có trình bày những luận giải về phong trào dân tộc mới ở châu Á và cho rằng xu thế này có thể làm tăng mối rủi ro có chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước hết, xin giáo sư cho biết phong trào dân tộc mới có gì khác với phong trào dân tộc cũ và đã thể hiện như thế nào ở các nước láng giềng của Việt Nam?
GS Vũ Tường: Phong trào dân tộc cũ có mục tiêu giành độc lập dân tộc, để làm cho dân tộc thoát khỏi ách ngoại bang thống trị, lúc đó nằm dưới chế độ thuộc địa. Còn phong trào dân tộc mới thể hiện sự trỗi dậy của tinh thần tự trọng dân tộc hoặc là tự tôn dân tộc đối với các dân tộc khác. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh ở châu Á, tinh thần tự tôn dân tộc này bị đè nén. Ở trong các nước Cộng Sản thì tinh thần dân tộc này không được nhấn mạnh như tinh thần giai cấp hay chủ nghĩa quốc tế vô sản. Còn ở các nước trong khối Tự do thì tinh thần dân tộc này phải hướng về phía ngược lại, tức là phía chống Cộng sản. Còn về mục tiêu, phong trào dân tộc mới này không nhằm đòi hỏi quyền dân tộc tự quyết mà nó chỉ hướng tới những xung đột cục bộ như tranh chấp lãnh thổ.
Phong trào dân tộc mới này đã xuất hiện ở hầu hết các nước châu Á Thái bình dương. Ở Hàn Quốc thì phong trào này chúng ta thấy nó thể hiện qua phong trào chống Mỹ và yêu cầu đòi thống nhất hay ít nhất là mở rộng quan hệ giữa hai nước Triều Tiên. Còn ở Trung Quốc chúng ta thấy cũng có tinh thần bài Mỹ, chống Nhật, rồi những đòi hỏi của Trung Quốc đối với chủ quyền Đài Loan và Trường Sa. Ở Đài Loan thì đó là phong trào đòi tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc. Ở Indonesia thì đó là phong trào ủng hộ những quốc gia Hồi giáo bị Mỹ đánh như Afghanistan và Iraq. Còn ở Campuchia thì đó là những cuộc biểu tình chống Thái Lan và Việt Nam gần đây mà chúng ta đã thấy. Đó là biểu hiện của phong trào dân tộc mới ở hầu hết các nước châu Á Thái bình dương.
VOA: Thưa giáo sư, trong bài viết của ông, ông có nói rằng “phong trào dân tộc mới ở Trung hoa Lục địa sẽ làm cho việc chính quyền Trung Quốc nhân nhượng với Đài Loan hay Tây Tạng khó khăn hơn. Phong trào dân tộc mới ở Đài Loan cũng gây ra căng thẳng giữa những người muốn Đài Loan độc lập và những người xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc.” Ông cũng cho rằng “phong trào dân tộc mới đã dẫn đến căng thẳng quân sự giữa Thái lan và Căm Bốt, và có thể dẫn đến chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam.” Xin ông giải thích thêm về sự lo ngại này?
GS Vũ Tường: Tôi không lo ngại về chuyện chiến tranh xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thậm chí giữa Thái lan và Căm Bốt tôi nghĩ là sẽ chỉ có va chạm nhỏ. Như trong trường hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc thì sẽ có va chạm nhỏ trên Biển Đông do Trung Quốc lấn chiếm các đảo của Việt Nam, Trong trường hợp đó Việt Nam có thể cố gắng chống giữ. Nhưng tôi nghĩ chính phủ Việt Nam không dám mà cũng không muốn mở rộng phạm vi xung đột thành chiến tranh với Trung Quốc. Khi nói tới chiến tranh chúng ta nghĩ tới một cuộc đối đầu toàn diện giữa hai quốc gia. Tôi nghĩ là trường hợp đó khó có thể xảy ra. Tại vì cái thế và cái lực của Việt Nam cũng như là ước muốn của chính phủ và chính sách của chính phủ đều không có ý định mở rộng chiến tranh đối với Trung Quốc.
VOA: Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên tờ Tuần Việt Nam, ông Đinh Hoàng Thắng - cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cho rằng “cả Hoa kỳ lẫn Việt Nam dường như đã đồng ý với nhau trên căn bản rằng, Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam cần Hoa kỳ đóng vai trò đối trọng trong việc đương đầu với các tham vọng lẫn những thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực.” Ông Thắng cũng tỏ ý hy vọng là sự nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay, nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ song phương, và nói thêm rằng sự nâng cấp như vậy “sẽ là một thông điệp rõ rệt nhất gởi cho thế giới để bên ngoài thấy được sự đoàn kết trên dưới một lòng và sự đồng thuận trong ngoài một ý của những con dân đất Việt mỗi khi thời thế thay đổi.” Giáo sư nghĩ sao về những nhận xét và sự hy vọng này?
GS Vũ Tường: Tôi nghĩ là ông Thắng chỉ hy vọng hão huyền thôi. Bởi vì chính phủ Hoa Kỳ đã từ lâu thúc giục Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, nhưng chính phủ Việt Nam, đặc biệt là những nhân vật lãnh đạo bảo thủ trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, họ thích chọn Trung Quốc là đối tác chiến lược hơn do sự gần gũi về ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như sự sợ hãi diễn biến hòa bình. Họ nghĩ rằng Mỹ có âm mưu qua diễn biến hòa bình để lật đổ chính phủ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là cái vấn đề chính mà ông Thắng không nói đến. Đúng là có nhiều cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao Việt Nam ủng hộ nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng tôi nghĩ tiếng nói của Bộ Ngoại giao rất yếu ớt trong các cơ quan làm chính sách cấp chiến lược, ví dụ như Bộ Chính trị, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây là những cơ quan quyết định chiến lược ngoại giao còn Bộ Ngoại giao thì chỉ là “chỉ đâu đánh đó”.
Tôi nghĩ vậy. Bằng cớ là ông Thắng không dẫn chứng được tuyên bố nào của lãnh đạo Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ với Hoa kỳ. Chỉ có một câu nói vu vơ của ông Phạm Văn Đồng cách nay một thập niên sau khi ông Đồng đã về hưu rồi. Tôi nghĩ rằng có nhiều hy vọng trong Bộ Ngoại giao là Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ với Hoa kỳ. Nhưng vì những người lãnh đạo cao nhất thì họ không có quan điểm như vậy thành ra việc đó sẽ không xảy ra trong năm nay hay là trong thời gian gần.
VOA: Cám ơn giáo sư Vũ Tường đã cho thính giả của đài VOA được biết những ý kiến quí báu của ông về vấn đề đáng chú ý này.
Trong vài năm gần đây nhiều người Việt Nam, trong và ngoài nước, đã không ngớt tỏ ý lo ngại về điều mà họ cho là dã tâm của Trung Quốc nhằm xâm lấn lãnh thổ của Việt Nam. Một số người cũng hy vọng rằng Việt Nam và Hoa kỳ sẽ nhanh chóng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược để ứng phó với những tham vọng và thách thức trong khu vực. Giáo sư Vũ Tường, một chuyên gia chính trị Á châu của Đại học Oregon, cho rằng phong trào dân tộc mới ở Việt Nam nói riêng và ở châu Á nói chung đã dẫn đến căng thẳng quân sự giữa Thái Lan và Cam Bốt, và có thể dẫn tới chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam. Mời quí vị theo dõi một số ý kiến của giáo sư Vũ Tường đối với vấn đề đáng chú ý này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.